Có rất nhiều phụ nữ khi kết hôn rồi sẽ dành phần lớn thời gian của mình ở nhà, bận rộn với công việc bếp núc, nội trợ, chăm sóc con cái. Giống như trong câu nói "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", họ chấp nhận lùi lại phía sau để làm hậu phương cho chồng tập trung kiếm tiền nuôi cả gia đình.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến họ quyết định như vậy, ban đầu mọi chuyện rất ổn, nhưng sau một thời gian, phụ nữ cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Đàn ông luôn cho rằng, mình đi làm vất vả kiếm tiền, vợ ở nhà chăm con có gì là khổ cực.
Có lẽ "ở trong chăn mới biết chăn có rận". Một phụ nữ ở Trung Quốc đã lên mạng phàn nàn rằng, mỗi tháng chồng cô đưa 100.000 tệ (khoảng 358 triệu đồng) để cô ở nhà chăm sóc 2 đứa con. Trong khi cô muốn đi làm để có đồng ra đồng vào, không bị lệ thuộc hoàn toàn vào chồng, chồng cô lại cho rằng lương quá thấp so với anh nên nhất định không đồng ý. Điều này khiến 2 vợ chồng tranh cãi nhiều lần, cô than thở đòi ly hôn.
Trong bài đăng của mình, cô nói rằng chồng rất ít khi ở nhà do bận rộn công việc. Một mình cô chịu trách nhiệm nuôi 2 đứa con, mỗi tháng chồng sẽ gửi 100.000 tệ để cô chi tiêu cho gia đình, tiền điện nước đã trừ vào tài khoản của chồng, cần mua thứ gì đều quẹt thẻ. Các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, chi tiêu cho con cái ra sao, tất cả đều phải báo cáo cho chồng một cách chi tiết.
Mặc dù cô chẳng bao giờ lo lắng về chuyện tiền bạc, nhưng lại chịu áp lực về tinh thần rất nhiều. 2 đứa con rất nghịch ngợm, cô thường xuyên bị giáo viên phàn nàn. Hơn nữa, chồng cô nghĩ rằng, bản thân làm ra tiền nên rất hay mắng mỏ vợ.
Cô viết: "Anh ấy tính tình rất tệ. Mỗi khi bực mình chuyện gì lại lấy tôi ra để cáu gắt. Ngày nào cũng nhậu nhẹt, say rồi gọi điện mắng mỏ".
Không chịu nổi cảnh này, cô lén đi làm việc bán thời gian nhưng lại bị chồng coi thường. Cô từng nói với chồng rằng: "Đây là tiền của anh, không phải tiền của tôi làm ra, ai biết được sau này sẽ ra sao. 100 nghìn tệ với anh là nhiều, nhưng nó cũng chỉ là con số mà thôi. Tôi không phải người vô dụng như anh nghĩ. Dù tôi có làm gì đi chăng nữa, đó cũng là đồng tiền tôi làm ra chứ không ngửa tay xin của ai". Đỉnh điểm cuộc tranh luận, cô còn "chốt hạ" một câu với chồng rằng: "Tiền của anh với tôi chỉ là con số mà thôi!".
Bài đăng này làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi, hàng loạt người phải ồ lên ghen tị với cuộc sống giàu sang của cô: "Khối người mơ ước có được cuộc sống như cô đó, như vậy là quá may mắn rồi", "Không phải đi làm cũng có 100 nghìn tệ tiêu hàng tháng, ghen tị quá".
Song cũng không ít người tỏ ra thông cảm với những tâm tư của người mẹ này, đồng tình với lựa chọn của cô, đặc biệt những người đã từng nếm trải cảnh ở nhà chăm con toàn thời gian:
- "Khi một người phụ nữ muốn tự chủ tiền bạc, nghĩa là họ cảm thấy bản thân không còn tự tin nữa, nghĩ rằng mình trở nên xấu xí và vô giá trị trong mắt người khác".
- "Nhiều người có thể không hiểu được sự căng thẳng như thế nào khi một mình chăm sóc 2 đứa trẻ đang trong độ tuổi nghịch ngợm. Một ngày nào đó, những đứa trẻ sẽ trưởng thành, nhưng trong mắt chúng, người mẹ chỉ biết ở nhà bếp núc, không biết cố gắng gì cả. Vậy nên, việc cô ấy muốn đi làm giống như một cách để mọi người tôn trọng hơn mà thôi".
Một số cư dân mạng có cái nhìn sâu rộng hơn, cho rằng người mẹ này đang mắc kẹt trong tư tưởng "không tập trung, không hứng thú". Vì cuộc sống quá sung túc nên cô không có động lực làm gì cả và than phiền về những điều nhỏ nhặt. Thay vì ngồi đó than trách mọi thứ, tại sao không sử dụng tiền để làm phong phú cuộc sống của mình, chẳng hạn như đi học thêm cái gì đó hay tìm ra sở thích của bản thân.
Đối với vấn đề con cái, một số người cho rằng, cô nên sắp xếp cho 2 đứa trẻ theo học một lớp học thêm nào đó. Còn nếu cảm thấy cuộc sống quá mệt mỏi, muốn tiêu tiền của mình, điều này không sai, chỉ cần cô đừng vắt kiệt sức của mình là được. Tranh thủ lúc con cái đi học, cô có thể làm những gì mình thích.