Phụ nữ sau sinh đẻ cần có khoảng thời gian kiêng cữ, không thể lao động hay hoạt động mạnh từ 4 - 6 tháng đầu. Thế nhưng luôn tồn tại những trường hợp ngoại lệ, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cho phép về thời gian của mỗi người mà một số người mẹ sau sinh con chưa nghỉ ngơi được bao lâu đã phải quay trở lại với công việc.
Nhiều chị em đi làm sớm sau sinh vì công việc bận rộn, không thể có người thay thế, nhưng cũng có người đi làm là vì miếng cơm manh áo. Không phải gia đình nào tiền hậu sản và tiền lương của chồng cũng đủ để trang trải, nuôi một đứa con khôn lớn, thanh toán biết bao khoản phải chi, thế nên những người vợ - người mẹ vẫn cắn răng gắng sức, vừa đi làm, vừa tranh thủ chăm con. Câu chuyện của người mẹ trẻ dưới đây chia sẻ trên diễn đàn chị em có liên quan đến chuyện tiền nong sau khi sinh như vậy, cụ thể:
Cô vợ trẻ chia sẻ câu chuyện trong một diễn đàn chị em trên MXH. (Ảnh chụp màn hình)
"Là như thế này các mẹ ạ. Vợ chồng em cãi nhau thì cũng chỉ vì tiền thôi. Một phần em sinh xong chưa đi làm, một mình lão làm không đủ tiền nên về nhà là hắn sưng mặt. Em định tuần sau đi làm nên hay cho con lên bà ngoại chơi cho quen bà, mấy bữa nữa bà trông chứ con em khó lắm, không theo ai, sữa ngoài không uống.
Thế mà trưa nay chồng gọi điện nói em là tùy tiện, nói với giọng mỉa mai, em làm gì không quan tâm nọ kia. Nhà ngoại cách nhà chồng em hơn 1km thôi, em phi thẳng xe về nấu cơm cho chồng và thu dọn quần áo lên bà ngoại chơi nửa tháng. Bọn em ở riêng rồi, theo các mẹ em nên nói với bố mẹ chồng như nào ạ?"
Cô vợ trẻ ở đây đã định vì gia đình khó khăn, không muốn thành gánh nặng cho chồng, nên đưa con về nhà bà ngoại để cháu quen hơi bà một thời gian, sau đó sẽ đi làm để tăng thêm thu nhập. Thậm chí trước khi đi, cô đã phải phóng về cơm nước cho chồng trước vì anh chồng liên tục than phiền, vì cô sang nhà ngoại nhiều ngày mà không xin phép anh ta. Đoạn hội thoại của hai người được cô chia sẻ đính kèm với câu chuyện:
Chị vợ bức xúc chia sẻ những tin nhắn giữa mình và chồng nhờ chị em phân xử.
Khi bị chồng tỏ rõ thái độ là "gánh nặng" khiến anh ta về nhà lúc nào cũng "sưng sỉa mặt mày", cô vợ mới quyết tâm gửi con cho ngoại. Đã không nhờ mẹ chồng, làm phiền tới gia đình chồng, ấy vậy mà anh chồng vẫn hách dịch và cấm đoán cô. Đến lúc đó, người mẹ trẻ mới không thể giữ bình tĩnh nổi, soạn sửa đồ đạc chuyển lên nhà ngoại ở nửa tháng.
Góp cùng câu chuyện mà người vợ ấm ức chia sẻ, biết bao chị em thương cảm cho cô và chê trách anh chồng. Thành viên V.V. bình luận: "Buồn quá! Mọi chuyện cũng bắt đầu từ tiền mà ra. Có thể chồng chị bế tắc nên buồn phiền nhưng dù thế nào cũng đừng nên thái độ với vợ con chứ! Sợ nhất cái cảm giác thấy mình là gánh nặng cho người khác." Bạn N.K. thì ngay lập tức tức giận: "Bảo anh ta có giỏi thì bảo bố mẹ lên mà trông con. Ngứa ruột! Bạn cứ bế con về nhà bà ngoại trông rồi đi làm. Xem chồng được mấy bữa, chán quá thì bỏ!"
Dưới đó còn rất nhiều bình luận khuyên cô vợ nên để cho anh chồng nhận ra bài học. Tất cả những rắc rối đều xuất phát từ gánh nặng tiền nong, vì thế mà cô vợ nếu đi làm cũng có thể giúp đỡ gia đình phần nào. Nhưng điều đáng buồn ở đây chính là thái độ và cách hành xử gia trưởng, ích kỷ của người chồng. Người phụ nữ sau sinh đã mệt mỏi và nhạy cảm, nay càng tổn thương và giận dữ hơn. Biết đến bao giờ người chồng mới có thể hoàn toàn hiểu và cảm thông với vợ?