Chồng ít học, vợ khinh ra mặt
Thấy anh hướng dẫn con gái học bài, cô gắt ầm lên: “Thôi, thôi anh ra ngoài đi, anh thì biết gì mà dạy”.
“Biết gì mà dạy”
Chỉ là nhân viên bảo vệ của một tòa chung cư lớn, nhưng với vẻ ngoài đẹp trai và có nhà Hà Nội nên anh Hùng (Cầu Giấy) được rất nhiều cô gái theo đuổi. Nhưng anh lại chẳng để mắt đến một ai cho đến khi gặp Linh - vợ anh bây giờ. Linh là kế toán của một công ty bất động sản, văn phòng đặt trong tòa nhà anh làm bảo vệ. Không xinh xắn, nhưng sự thân thiện, niềm nở mỗi khi gửi xe, Linh để lại cho anh nhiều ấn tượng.
Rồi từ những câu chào hỏi ban sáng hay tạm biệt lúc ra về, anh và Linh đã xin số điện thoại của nhau, cùng nhau đi uống nước. Tình yêu đến với hai người nhẹ nhàng như thế. Ngày ra mắt gia đình hai bên, ai cũng vui mừng. Nhà trai vui vì có cô con dâu trí thức, học vị cao, còn nhà gái mừng vì anh con rể sáng sủa, lại là trai Hà Nội.
Nhưng ngay sau khi cưới, nhiều lần anh Hùng đã tự hỏi liệu có phải mình đã “trèo" quá cao khi lấy Linh. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, Linh đều đòi quyền tự quyết. Bất cứ khi nào anh đưa ra ý kiến cô đều bảo: “Anh thì biết cái gì”. Ngay cả việc mua những đồ dùng trong nhà như tivi, máy giặt, anh định chọn hãng này thì Linh gạt phắt đi: “Em hỏi bạn em rồi, nên mua loại khác, người ta học chuyên ngành điện tử hẳn hoi…”.
Anh thấy vợ nói cũng có lý, bởi người học đại học, am hiểu về điện tử, điện lạnh thì mình nên làm theo. Nhưng dần dần, anh phát hiện từ việc nhỏ đến việc lớn trong gia đình, mỗi khi anh có ý kiến Linh đều “ngó lơ” bởi cô đã tham khảo ý kiến của bạn bè. Mà bạn cô, ai cũng học hành tử tế, không cao đẳng, thì cũng đại học, thạc sĩ...
Mới đầu, anh còn nhân nhượng, nhưng lâu dần, thấy mình bị coi thường quá, anh phẫn nộ: “Cô thấy người ta giỏi, người ta hiểu biết thì sao trước đây không lấy họ đi”. Cứ thế, “chiến tranh” giữa hai vợ chồng Linh diễn ra như cơm bữa.
Sự chịu đựng của anh lên đến đỉnh điểm khi con gái bước vào tiểu học. Một lần, thấy anh hướng dẫn con học bài, cô gắt ầm lên: “Thôi, thôi anh ra ngoài đi, anh thì biết gì mà dạy”. Bực mình, anh cũng to tiếng: “Tôi ngu nhưng cũng không đến nỗi không dạy được kiến thức lớp 1”.
Biết mình hơi quá lời, Linh đã xin lỗi. Nhưng anh chợt nhận ra rằng, từ trong thâm tâm, Linh không hề có sự tôn trọng nào dành cho anh.
Anh nổi điên vì vợ quá coi thường mình (ảnh minh họa)
Là đồng hương cùng quê Nam Định, lại cùng xóm trọ nên anh Long và chị Thúy nhanh chóng quen thân với nhau. Tự ti vì mình chỉ là công nhân cơ khí, còn Thúy làm việc cho một ngân hàng thương mại có tiếng nên dù có tình cảm với chị, anh cũng không dám ngỏ lời.
Như là định mệnh, trong một lần Thúy ốm, được Long tận tình chăm sóc, lại được mọi người trong xóm trọ vun vén nên vượt qua mọi chướng ngại về sự chênh lệch học thức, anh chị đã đến với nhau.
Những người quen biết hai vợ chồng đều bảo anh may mắn, lấy được cô vợ giỏi giang. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Lấy nhau về, Long mới thấm thía lời bạn bè nói: “Chồng hơn vợ về trình độ thì không sao nhưng vợ hơn chồng thì không dễ sống”.
Trong bất cứ cuộc gặp gỡ bạn bè nào, mỗi khi mọi người hỏi về nghề nghiệp của chồng, Thúy thường lờ đi hoặc nói sang chuyện khác. Dù ngồi cùng nhưng anh như một người thừa thãi, chỉ biết cười gượng rồi dấu nỗi buồn vào sâu đáy lòng. Đó là những lần bất đắc dĩ, còn hiếm khi Thúy rủ anh đi cùng đến chốn đông người, đặc biệt là gặp gỡ bạn bè cô.
Thậm chí, nhiều lần công ty Thúy tổ chức đi du lịch, các gia đình đều đi đông đủ, còn Thúy cứ khất lần khất lượt với lý do tốn kém, chồng không thể xin nghỉ nhiều… Nhưng anh hiểu rõ, cô không muốn mọi người trong công ty biết chồng mình chỉ là một anh công nhân lương ba cọc, ba đồng.
Sự chênh lệch quá lớn về trình độ, nhận thức, trong khi cả hai người vợ chồng đều không tìm cách xích gần nhau lại, hòa mình vào môi trường sống của đối phương đã khiến khoảng cách của vợ chồng anh càng ngày càng xa cách.
Có gia đình vợ càng học cao càng coi thường chồng