Ngồi tựa lên chồng ghế nhựa cũ kỹ, bà Trâm hướng ánh nhìn xa xăm giữa ngôi nhà ngổn ngang nước và rác rến. Cạnh bên, bàn thờ người chồng nguội khói hương.
Bà Tống Thị Trâm trở về nhà sau bão số 16.
Không kìm được xúc động, bà Trâm khóc nức nở sau đó. Bà kể, cách đây 5 tháng, chồng bà qua đời trong một cơn tai biến. Các con bà đứa thì lấy chồng phương xa, đứa lại biền biệt với nghề đi biển, để lại một mình bà lầm lũi.
5 tháng trước, chồng bà đã qua đời.
Tuổi già, bà phải tự mình làm lụng nhiều việc, vì neo đơn.
Theo bà Trâm, thấy cảnh già cả neo đơn, nhiều người hàng xóm thương tình, hay đem đồ ăn qua giúp đỡ bà. Cộng với khoản hỗ trợ từ chính quyền xã, bà lão cầm cự từ ngày này qua ngày khác.
Nhiều người già đón Tết trong ngôi nhà xụp xệ ở ven biển Bến Tre.
"Lâu lâu, con gái tôi lấy chồng bên huyện khác cũng về thăm mẹ, nhưng được 1-2 hôm là nó về. Mỗi lần về, nó lại lấy cái xe đạp đi mua đồ ăn cho tôi" – bà Trâm chỉ về phía chiếc xe cũ kỹ, có lẽ là tài sản có giá trị nhất trong ngôi nhà nền đất, vách gạch xen gỗ ép.
Mỗi lần nhớ con, bà hay lại chiếc xe đạp để cạnh giường ngủ trong căn nhà nền đất.
Nhà xuống cấp, không có con cái bên cạnh khiến bà Trâm bất an.
Ông Trần Vy Đắc, cán bộ môi trường xã An Thủy, huyện Bình Đại cho biết, gia đình bà Trâm nằm trong diện hộ nghèo, nhà ven biển, con cái lại đi làm xa. Do bà ở một mình nên trong đợt bão số 16 cuối năm vừa qua, xã đã cử người đến đưa ra đồn biên phòng Hàm Luông trú bão.
Đường vào nhà bà Trâm và những người dân tại xóm ven biển xã An Thủy ngổn ngang nước. Cái Tết này với nhiều người già sẽ rất khó khăn.
Tuổi cao sức yếu nên chuyện sinh hoạt của bà Trâm gặp nhiều khó khăn. Hỏi những ngày sắp tới tính sao, bà lão lắc đầu không biết trả lời thế nào. Mong mỏi lớn nhất của bà là các con cháu trở về quây quần bên cạnh, nhà được sửa, đón một cái Tết đoàn viên sau bão. Thế nhưng, cái Tết ấm cúng với bà lão neo đơn dường như là thứ quá xa vời. Nhất là khi thông tin một cơn áp thấp nhiệt đới lớn có thể xuất hiện trong những ngày giáp Tết Nguyên đán được loan ra.