Chồng mất sớm, 20 năm sau nữ thợ may được ông bố 4 con bù đắp bằng đám cưới cổ tích ở Đà Lạt
Cách đây 3 năm, bà Hương gặp ông Phúc tại đám cưới của người cháu. Bà chưa từng nghĩ sẽ kết duyên với định mệnh thứ hai của cuộc đời khi đã ngoài 50 tuổi.
Bà Trần Thị Hương (SN 1969, Đà Lạt, Lâm Đồng) tâm sự, trước đây bà từng có một cuộc hôn nhân rất hạnh phúc. Nhưng tai nạn bất ngờ đã cướp đi người bạn đời của bà sau 7 năm chung sống. Bà Hương trở thành goá phụ, không chồng, không con, sống cảnh lẻ bóng suốt hơn 20 năm.
Vốn dĩ là người khéo tay nên bà Hương từng có thời gian bén duyên với nghề thợ may. Sau đó, bà có mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ. Về già, goá phụ U60 xin vào làm thợ trồng hoa cho một công ty hoa ở Đà Lạt.
Dù có nhiều người theo đuổi, làm mai mối nhưng bà Hương không nghĩ đến mà chỉ muốn sống an yên, tìm niềm vui với việc sinh hoạt ca đoàn, văn nghệ.
Cũng giống như bà Hương, ông Đỗ Vĩnh Phúc (SN 1965, Bình Dương) trải qua cuộc hôn nhân như ý với người vợ và 4 cô con gái. Nhưng sau ngày vợ mất, ông chấp nhận cảnh một mình nuôi 4 người con ăn học, trưởng thành. Thương bố tuổi già cô đơn, các con của ông Phúc đều động viên, mong bố tìm được một người bạn tâm giao.
Cách đây 3 năm, bà Hương gặp ông Phúc tại đám cưới của người cháu ở tỉnh Đồng Nai. Trong lúc trò chuyện vui vẻ, ông bà trao đổi số điện thoại. Cuộc gặp gỡ tình cờ ngày hôm ấy đã khiến hai tâm hồn dần cởi bỏ những nỗi buồn và sự tổn thương trong quá khứ. Bà Hương nhận thấy, ông Phúc có tính cách rất giống với người chồng cũ của bà. Bà tâm niệm, nếu duyên đến, bà muốn "gắn kết với người hơn hoặc bằng với chồng cũ, chứ thua là không ưng". Ông Phúc tự tin, khẳng định hứa mang lại hạnh phúc cho bà Hương.
Ông ở Bình Dương, bà lại sống ở Đà Lạt, những cuộc trò chuyện tâm sự của cả hai đều diễn ra qua điện thoại. Bà Hương, phần vì e ngại lời ra tiếng vào nên giấu kín chuyện hẹn hò với tất cả người thân bạn bè. Còn ông Phúc thì ngược lại, ông được 4 cô con gái hết lòng vun vén, ủng hộ. Các con của ông thường gọi điện hỏi thăm bà Hương.
"Ngày trẻ, tôi cứ nghĩ bản thân không cần có ai nương tựa nhưng lớn tuổi, ốm đau chỉ có một mình, tủi thân vô cùng. Nghĩ vậy, tôi quyết định bước tiếp một bước nữa", bà Hương mở lòng.
Chị Lý Thục Nhi (30 tuổi, Lâm Đồng), con gái đỡ đầu của bà Hương cũng là một trong những người kết nối giúp ông bà đến gần với nhau hơn.
"Cô là một người phụ nữ không chồng không con, cuộc sống rất là cô đơn và bình dị. Ấy vậu nhưng cô mạnh mẽ lắm, cô một mình vượt qua sóng gió cuộc đời, vượt qua định kiến của một phần những người già lớn tuổi nữa. Mình thấy cô đáng để được thương yêu, trân trọng và hạnh phúc", chị Nhi bộc bạch.
Thời điểm ông Phúc cầu hôn bà Hương và lên kế hoạch cho đám cưới, chị Nhi xúc động, háo hức chung tay chuẩn bị cho ngày trọng đại.
Hoàn cảnh khó khăn, ông bà thống nhất làm lễ cưới đơn giản, hai nhà nhập lại một lễ, không cần mâm quả. Do cùng là người Công giáo nên ông bà quyết định tổ chức đám cuới tại nhà thờ.
Mừng hạnh phúc cho ngày vui của mẹ, chị Nhi tự tay thiết kế, may tặng bà Hương một chiếc váy cưới và váy đãi tiệc. Ngoài ra chị còn tự làm tặng một bó hoa cưới cầm tay với màu đỏ rực rỡ, mong mẹ đỡ đầu từ nay sẽ sống trọn vẹn, hạnh phúc mãi về sau.
"Buổi sáng hôm ấy, cô mặc áo dài, cài hoa đợi chú sang đón. Cô cũng hồi hộp rộn ràng và e ấp như biết bao nhiêu cô dâu trẻ. Dậy sớm chuẩn bị makeup, chuẩn bị bánh, nước cũng như lo lắng nhà cửa khách mời...
Mình đến với cô từ sớm, nhìn cô cứ nhấp nhổm xem nhà trai tới chưa, rồi cứ đứng trong phòng cười suốt. Nhìn dễ thương lắm, tâm hồn cô vẫn còn tươi như hoa mùa xuân", chị Nhi bày tỏ.
Những người bạn, người hàng xóm của bà Hương khi nghe tin vui, cũng góp một phần công sức chuẩn bị. Người cho bà mượn áo dài nhung đỏ, người đem cả bộ loa đài cho bà mượn. Đám cưới ông bà giản dị nhưng chứa chan tình thương.
Nhìn khung cảnh 4 cô con gái tất bật chuẩn bị, xúng xính đi đón dâu cho bố, bà Hương mỉm cười hạnh phúc và biết đã đưa ra quyết định đúng đắn nhất cuộc đời.
Ảnh: NVCC