Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh KCN Quế Võ, Bắc Ninh (VietinBank KCN Quế Võ) vừa thông báo về việc bán tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và dịch vụ SHC Việt Nam (SHC Việt Nam).
Tài sản được VietinBank KCN Quế Võ rao bán là một xe ô tô con 5 chỗ Hyundai Avante, biển kiểm soát 29A-393.37 do Công an Hà Nội cấp đăng ký ngày 12/10/2011.
Giá bán khởi điểm được VietinBank thông báo là 250 triệu đồng. Đây là tài sản thuộc sở hữu của SHC Việt Nam, được công ty thế chấp cho khoản vay tại VietinBank.
Theo tìm hiểu của PV Infonet, SHC Việt Nam là doanh nghiệp sở hữu trên 50 nhà hàng khắp cả nước do nữ doanh nhân Phan Thị Ngọc Diệp thành lập. Bà Diệp còn là Tổng Giám đốc của CTCP Thương mại và thực phẩm Ecook, một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn.
Về SHC Việt Nam, công ty được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu về chuỗi các nhà hàng mang phong cách ẩm thực Nhật Bản với các thương hiệu như: HOTTO, Maneki Neko, Hotto Hotpot.
SHC Việt Nam được thành lập từ năm 2009 với việc khai trương nhà hàng ẩm thực Nhật Bản Hotto – Hotto Hotpot, chuyên phục vụ các món trên chảo Teppan, các món lẩu mang hương vị đặc trưng của Nhật Bản.
Loạt đại gia F&B báo lỗ
Việc một “đại gia” trong lĩnh vực ẩm thực như SHC Việt Nam rơi vào tình trạng bị ngân hàng rao bán tài sản cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng.
Dù được nhiều người Việt ưa chuộng, nhưng các nhà hàng ẩm thực Nhật Bản cũng không dễ dàng để có thể trụ vững qua đại dịch. Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Tokyo Deli đã phải thông báo đóng cửa 2 trên 5 cơ sở ở Hà Nội, gồm tại Ngụy Như Kon Tum và D2 Giảng Võ. Hệ thống này còn lại 3 nhà hàng ở Hà Nội và 9 địa điểm tại TP.HCM.
Tokyo Deli là thương hiệu quen thuộc về ẩm thực Nhật Bản tại Việt Nam. Chủ chuỗi nhà hàng Tokyo Deli là Công ty TNHH Thực phẩm Tân Việt Nhật. Nhà hàng Tokyo Deli đầu tiên được mở tại Phú Mỹ Hưng vào năm 2007. Trước khi Covid-19 ập đến, hệ thống này đã có tổng cộng 20 chi nhánh, gồm 15 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và 5 chi nhánh tại Hà Nội.
Trước đó, Golden Gate, doanh nghiệp sở hữu loạt thương hiệu trong lĩnh vực nhà hàng như Kichi Kichi, Sumo BBQ, Vuvuzela, Gogi,... đã phải đóng hàng loạt nhà hàng vào năm 2021, đến nay vẫn có một số nhà hàng chưa thể mở cửa trở lại.
Đó cũng là tình trạng chung đối với Mặt Trời Đỏ (Red Sun), doanh nghiệp sở hữu hơn 10 thương hiệu ẩm thực cao cấp, các chuỗi nhà hàng như Seoul Garden, ThaiExpress, King BBQ, Sushi Kei hay Hotpot Story, Khao Lao.
Chỉ riêng tại thị trường Việt Nam trong năm 2021, các chuỗi nhà hàng của Golden Gate báo lỗ hơn 431 tỉ đồng. Chuỗi Pizza 4P’s lỗ gần 38 tỉ đồng. Red Sun sau tin đồn phá sản vào giữa năm 2020 đến nay vẫn duy trì hoạt động nhưng phải đóng cửa khá nhiều nhà hàng.
Các thương hiệu ẩm thực khác như Tokyo Deli, Chang Kang Kung, Cơm tấm Cali, Hoàng Yến... đã phải giảm số lượng nhà hàng so với thời điểm trước đại dịch.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tổng doanh thu của 78 doanh nghiệp F&B niêm yết năm 2021 đạt 279.000 tỉ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Chi phí sản xuất tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp, nên lợi nhuận của khối doanh nghiệp F&B chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ. Kết quả là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi 2021 của các doanh nghiệp F&B giảm 2,3%.
Theo thống kê của D’corp R-Keeper Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống, nhưng 80% thị trường F&B vẫn đang nằm ở mảng thức ăn đường phố, với khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ. Mô hình chuỗi, có đầu tư chỉ chiếm khoảng 15%.