Chủ hàng ăn, tiệm cắt tóc ở TP.HCM phấn khởi dọn dẹp chuẩn bị mở cửa trở lại: "Mừng lắm, 3 tháng nay ngồi không rồi"
Sau gần 4 tháng đóng cửa để phòng chống dịch, chiều 30/9, nhiều hàng quán và tiệm hớt tóc ở TP.HCM tất bật dọn dẹp, chuẩn bị mở cửa trở lại.
Sáng nay (30/9), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được UBND TP.HCM cho phép hoạt động lại từ sau ngày 30/9 như chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ cưới - hỏi, cắt tóc, gội đầu...
Phấn khởi chờ ngày được mở bán
Ngay khi nghe tin thành phố sắp cho phép nhiều loại hình hoạt động trở lại, các chủ cửa hàng buôn bán, kinh doanh ai ai cũng phấn khởi vui mừng. Chị Cao Thị Trang là chủ tiệm bún bò Huế có tuổi đời hơn 11 năm ở quận Tân Phú cho biết, chị vào Sài Gòn từ đầu những năm 2000, đã gắn bó mảnh đất này hơn 20 năm nhưng chị chia sẻ, bản thân chưa bao giờ thấy Sài Gòn "bệnh nặng" đến thế.
Khi “cơn bão” Covid-19 kéo đến, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, dù chẳng mong muốn nhưng chị Trang đành phải đóng cửa tiệm bún, ngồi không ở nhà 3 tháng ròng rã. Nhớ lại những ngày ấy, chị ngậm ngùi:
“Mình bán 11 năm nhưng lần đầu tiên dẹp tiệm lâu vậy, năm ngoái cũng dịch, nghỉ 1 tháng, năm nay nghỉ tới 3 tháng. Cuộc sống phải có làm mới có ăn vậy mà mình ngồi không 3 tháng rồi, nhà có 3 con đang tuổi ăn học nên vất vả lắm”.
Tuy gần 3 tháng nay không thể mở cửa buôn bán nhưng để duy trì công việc kinh doanh, chị Trang vẫn đều đặn trả tiền thuê 2 mặt bằng, ngoài ra chị còn phải trả thêm nhiều khoản phí sinh hoạt, tiền ăn uống, tiền nhà, tiền điện, tiền nước,… Không có nguồn thu đầu vào nhưng phải liên tục chi ra, gia đình chị Trang gần như đã tiêu hết số tiền tiết kiệm đã tích cóp.
Sáng nay, khi vừa nghe tin thành phố cho các cửa hàng mở bán trở lại, chị Trang đã gọi ngay cho các mối quen cung cấp nguyên liệu để chuẩn bị nhập hàng, sợ xe bún và nôi niêu, dụng cụ để lâu không xài được chị còn đem ra lau chùi cẩn thận một lần nữa. Khi nghe phóng viên hỏi, chị Trang bông đùa, đến kỳ thai sinh sản mà chị còn không nghỉ bán nhiều như vậy.
“11 năm qua mình bán chưa dám nghỉ ngày nào, có Tết mình nghỉ được 5 ngày, kì này nghỉ rất dài, chỉ ngồi không, giờ nghe nói được mở cửa trở lại thì mừng lắm. Mình phải dọn dẹp, bày lại, nghỉ lâu quá giờ đồ đạc ngổn ngang, hư hại, mình phải dọn lại từ đầu mới làm tiếp”, chị Trang chia sẻ.
Trước đó, tuy đã được mách nước nên bán bún bò qua mạng xã hội nhưng chị kiên quyết không làm vì sợ thiếu nguyên liệu, tô bún nấu ra sẽ không còn ngon nữa. Đến nay, dù biết chỉ được bán mang về nhưng chị Trang vẫn vô cùng phấn khởi, bởi dù ít dù nhiều, gia đình chị sẽ có thêm nguồn thu để chi trả phí sinh hoạt, duy trì cuộc sống.
Niềm vui ấy cũng đi kèm nỗi lo và áp lực, dịch bệnh vẫn còn, nguồn hàng khan hiếm, khi trở lại với công việc kinh doanh chị phải đối mặt với nguy cơ tiếp xúc nhiều người hơn và dễ bị lây nhiễm dịch bệnh hơn.
Cam kết kinh doanh an toàn
Đối mặt với câu hỏi làm thể nào để đảm bảo an toàn khi mở cửa kinh doanh trở lại, anh Phan Hà, chủ một tiệm hớt tóc trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú chia sẻ:
“Khi mở cửa mình không nhận nhiều khách, chỉ một nửa công suất so với lúc trước. Hơn nữa phải luôn tuân thủ quy tắc 5K, khẩu trang, khử khuẩn đầy đủ, khách đi vào theo từng lượt để đảm bảo giãn cách”.
Tiệm hớt tóc của anh Hà đã kinh doanh hơn 5 năm nay, ngay trước ngày mở cửa trở lại, khách quen liên tục gọi cho anh để hỏi giờ mở cửa và “hẹn lịch” trước để tránh đông đúc và tránh phải chờ đợi. Anh Hà cho biết, khi nhận những cuộc gọi đến, biết khách vẫn nhớ mình anh thấy rất vui, càng vui hơn nữa khi sắp tới tiệm tóc của anh đã được mở cửa trở lại sau 4 tháng im lìm.
4 tháng trước, mô hình dịch vụ như salon, hớt tóc đã phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhân viện tiệm tóc của anh Hà cũng lần lượt về quê tránh dịch. Nay khi vừa nghe tin sắp được mở cửa anh đã liên hệ với nhân viên nhưng đa số vẫn còn ở quê, chưa tiêm vaccine nên không thể lên được, đây là một trong những khó khă của anh trước giờ mở cửa.
“Nghe nói ngày 1/10 được mở cửa nhưng chắc không đủ nhân sự vì đa số anh em về quê rồi, còn lại một hai người đi làm được thôi, các anh em ở tỉnh thì không lên được, ở thành phố được tiêm vaccine còn anh em ở quê chưa ai được tiêm, bây giờ tuy khó khăn nhưng cũng phải cố gắng thôi”, anh Hà bộc bạch.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Minh Điền, chủ tiệm hớt tóc trên đường Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận cho biết, vì thiếu nhân viên nên giờ anh chỉ có thể tự dọn dẹp, vệ sinh tiệm một mình, chuẩn bị mở cửa.
Anh Điền đã làm nghề cắt tóc hơn 20 năm, trước đó anh mở tiệm ở nơi khác, cuối tháng 5 mới dời về đường Đào Duy Anh thì dịch Covid-19 bùng phát, chưa mở cửa tiệm một ngày nào nhưng anh cũng đành ngậm ngùi đóng cửa. Để có tiền chi trả mặt bằng, anh đã đăng ký chạy xe ôm công nghệ suốt mùa dịch. Mới đây ngay khi vừa nghe tin được mở kinh doanh anh đã vội vã chạy qua chỗ thuê mặt bằng để dọn vệ sinh tiệm cho tươm tất.
Nhớ lại những ngày mới bùng dịch phải đóng cửa tiệm, anh Điềm vẫn còn bàng hoàng:
“Ngày 31/5 dời mặt bằng xuống đây xong đóng cửa tới giờ. Lúc dời cửa hàng còn chưa kịp lắp kính, kính còn nguyên chưa treo lên được nữa, mới chỉ sơn sửa là đóng cửa tới giờ. Mình không có mở cửa được nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng, đó giờ sống bằng nghề hớt tóc, mà giờ đóng cửa không có việc làm nên mình đăng ký chạy xe ôm công nghệ để có tiền ăn, tiền trả mặt bằng nữa”.
Chiều 30/9, trước ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách, không khí nhộn nhịp, những chủ hàng quán kinh doanh tất bật dọn dẹp, vệ sinh cửa hàng để chuẩn bị mở lại. Từ ngày 1/10, TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang đi, với nhà hàng trong cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.