Nửa tháng nay, xưởng
may tư nhân Thế Anh (quận Tân Phú, TP.HCM) lặng lẽ hẳn khi vợ chồng người chủ bỗng
dưng mất tích cùng số tiền hơn một tỷ đồng lương làm một năm của 22 công
nhân.
Từ chỗ háo hức khi sắp sửa được nhận lương mang về phụ giúp gia đình cuối năm, cuộc sống của những người làm công như thay đổi hoàn toàn. Giờ đây đến một chiếc vé Tàu để đưa họ về quê ăn Tết cũng là bài toán nan giải.
Nhiều công nhân chán nản khi số tiền lương cả năm trời làm lụng bỗng mất trắng.
"Vợ tôi sắp đẻ rồi, lấy gì lo đây…"
Vừa bước chân vào xưởng đã thấy chi chít trước cửa những chiếc quần jean may chưa thành phẩm, nằm lộn xộn. Bên cạnh chúng, từng bóng người nằm la liệt vì mệt mỏi, ngủ thiếp đi trên mớ hàng hoá mà ít ngày trước với họ còn là niềm tin, hi vọng cho một cái Tết đầm ấm.
Khung cảnh tại xưởng may Thế Anh những ngày qua.
Anh Nguyễn Hoàng Diệu Ái (28 tuổi, quê Quảng Trị) là một trong số ít người còn thức. Mắt anh hõm sâu vì những đêm thức trắng.
Anh kể lại: "Hôm đó là ngày 8/12, cũng tầm buổi trưa, tôi thấy hai vợ chồng chủ xưởng xách một bọc đen rất lớn, nên nghĩ là đi giao hàng như thường lệ. Nhưng đến chiều tối vẫn chưa thấy về, rồi ngày mai cũng thế. Đến khi nhận ra hai người họ bỏ trốn, anh em tụi tôi như chết điếng, không nói được lời nào. Tiền lương mấy chục triệu làm công cả năm vẫn chưa được lấy…".
Đôi vợ chồng chủ xưởng may Thế Anh. (Ảnh: Các công nhân cung cấp)
Nghe bạn bè giới thiệu, anh Ái vào xưởng may của vợ chồng Nguyễn Thế Anh (26 tuổi, quê Hà Nội) và Phùng Thị Lý (21 tuổi, quê Quảng Nam) làm việc hơn một năm nay.
Vì đặc thù của xưởng may tư nhân là ăn theo sản phẩm, sau khi thanh lý và giao thành phẩm cho công ty mới có tiền, nên các công nhân sẽ nhận lương một lần trong cuối năm. Đổi lại, chủ xưởng cho họ ứng 500.000 đồng hàng tuần để chi tiêu.
Mới kết hôn không bao lâu, vợ lại đang mang bầu, anh Ái càng "cày" gấp bội. Ngày nào anh cũng ngồi máy liên tục từ 7g30 sáng đến hơn 1 giờ đêm, rồi ngủ tại bàn máy may chờ đến hôm sau làm tiếp.
"Cày ngày cày đêm, trừ
tất cả chi phí thì tôi còn hơn 50 triệu tiền lương trong năm qua. Định bụng sẽ dẫn vợ về quê
sinh nở, còn dư thì sơn phết lại nhà cho bố mẹ cuối năm. Giờ mất trắng hết rồi"
– Anh nói như vẫn chưa tin vào sự thật.
Không những vậy, anh Ái còn đem cả sợi dây chuyền cưới của vợ chồng anh cho chủ xưởng mượn, trong một lần người chủ than kẹt vốn. "Chủ xưởng nói đem đi cầm nhưng khi trở về lại nói làm rớt mất. Nghĩ cùng là anh em xa quê nên tôi hỗ trợ hết mình. Có ngờ đâu…".
Anh Ái (phải) nằm lướt web, xem hình vợ sắp sanh giải sầu.
Giờ đây ngoài chuyện ăn ở khó nhọc đã đành, anh Ái càng đứng ngồi không yên khi vợ sắp sửa đến ngày sinh nở, nhưng phải về Đồng Nai cho bố mẹ ruột chăm sóc.
"Vợ tôi sắp đẻ rồi, lấy gì lo đây. Gia đình vợ cũng toàn làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày chứ đâu phải nhà dư dả. Vợ mình đẻ mà không lo được, tôi còn mặt mũi nào về quê đối diện với anh em dòng họ…" – anh Ái chua chát.
Mất xe, hết cả tiền cưới vợ vì chủ xưởng may
Ngồi cạnh bên, anh Lê Văn Đại (23 tuổi, quê Huế) còn rơi vào cảnh bi đát hơn khi bị lấy đi tổng cộng 61 triệu tiền lương.
Những công nhân tranh ngủ giờ nghỉ trưa, nằm la liệt.
"Hôm ấy sau khi hai vợ chồng Thế Anh trốn mất, những người chủ nợ, chủ hàng kéo đến liên tục. Sợ công nhân tụi em túng quá làm liều đem đồ đi bán nên họ báo công an khoá chặt xưởng lại. Thành ra mấy hôm đầu, tụi em phải ngủ ngoài sân, vừa lạnh lại vừa tức. Ngoài tiền lương, em còn cầm xe lấy 3 triệu cho hắn mượn nữa" – Đại nói.
Ngày biết tin chủ bỏ trốn, anh Đại rất sốc, không làm gì được.
Trớ trêu là chỉ còn vài ngày nữa, Đại sẽ làm đám cưới. Anh cho biết trước đó một tháng đã tự mình vay mượn 10 triệu đồng để đặt cọc cho nhà hàng. Nên dù mọi chuyện ra nông nỗi vậy cũng đành cắn răng chịu đựng mà thôi.
Công nhân đành ở tạm trong xưởng.
Do quá chán nản, có 6
công nhân đã bỏ việc không rõ đi đâu. Theo yêu cầu của những chủ hàng, những người còn lại vẫn tiếp tục gia công cho đúng hợp đồng đã thoả
thuận từ trước, với tiền công 30.000 đồng/sản phẩm. Dù khá buồn nhưng ai cũng cố vực dậy làm việc, vì dừng lại đồng nghĩa với
chết đói.
Đại và những anh em còn trụ lại trong xưởng may vẫn làm việc với hy vọng mong manh...
Với vợ chồng chị Cao Thị Lan (24 tuổi, quê Đắc Lắc), số tiền mà cả hai "bị xù" thật sự rất khủng khiếp, hơn 100 triệu đồng. Trước khi sự việc xảy ra, chị cùng chồng gửi con trai 1 tuổi về quê, định bụng sẽ tăng tốc làm việc để kiếm tiền ăn Tết. Nhưng giờ đây họ đã gần như tay trắng...
Chị Lan ráng làm kiếm được đồng nào hay đồng đó để lo cho các con.
Sau những phút nghỉ trưa ngắn ngủi, hầu hết công nhân vẫn tiếp tục công việc của mình mà không biết sẽ đi đến đâu. Họ bảo rằng, chỉ muốn chia sẻ chuyện này để tránh trường hợp nhiều người khác rơi vào hoàn cảnh tương tự, chứ chẳng hi vọng gì được trả lại tiền. Với những người công nhân tội nghiệp này, Tết chưa đến nhưng đã kết thúc rồi.
Sau những bữa ăn vội, người công nhân phải trở lại, vực dậy tinh thần để tự cứu lấy mình.
Hiện vụ việc trên đã được các công nhân báo lên cơ quan chức năng. Lãnh đạo UBND P.Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, ngay từ khi thành lập, chủ xưởng may có đăng ký thường trú cụ thể. Do đó, việc xác định ông này ở đâu để triệu tập về địa phương sẽ được các đơn vị liên quan tiến hành để nhanh chóng giải quyết, đòi lại công bằng cho người lao động.