Theo thông tin, trước đó, bệnh nhân quản lý thai kỳ tại phòng khám tư nhân, chưa từng sàng lọc hay điều trị dự phòng tiền sản giật. Đây là bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng của người mẹ và thai nhi.

Từ tuần thứ 28, bệnh nhân B bắt đầu xuất hiện tình trạng phù, nhưng chủ quan nghĩ đây là hiện tượng bình thường trong thai kỳ. Sau 3 tuần, hiện tượng phù toàn thân tăng dần kèm theo những cơn đau đầu dữ dội.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng huyết áp cao, phù toàn thân, đau đầu nhiều, mệt mỏi, mắt nhìn mờ, có triệu chứng phù não. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy thai phụ bị rối loạn chức năng gan, thận. Kết quả siêu âm phát hiện chị B bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định đây là trường hợp tiền sản giật thể nặng và chỉ định mổ cấp cứu để đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và em bé. Bé gái chào đời với cân nặng 1,2 kg và được chuyển lên khoa Điều trị tích cực. Hiện sản phụ có sức khỏe tốt, trạng thái ổn định.

Chủ quan không đi khám, sản phụ mắc tiền sản giật nguy kịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Được biết, tiền sản giật còn gọi là nhiễm độc thai nghén, tình trạng rối loạn nguy hiểm gặp ở phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Triệu chứng là tăng huyết áp, có đạm trong nước tiểu của thai phụ, phù cơ thể. Cứ 100 người mang thai có 2-8 người mắc tiền sản giật. Mỗi năm, thế giới có hơn 10 triệu ca mắc, 76.000 sản phụ tử vong do bệnh này và các rối loạn cao huyết áp có liên quan.

Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi, làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tình trạng sản giật, sản phụ co giật, mất ý thức, hôn mê nguy hiểm đến tính mạng. Sau sinh, tiền sản giật có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như tai biến mạch máu não, tổn thương thận nặng, bệnh thận mạn tính...

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên thăm khám định kỳ nhằm loại trừ bệnh lý tiền sản giật. Phụ nữ trên 35 tuổi mang thai, có tiền sử tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường hoặc bệnh thận, thiếu dinh dưỡng, thừa cân trong thai kỳ, cần quản lý thai kỳ chặt chẽ hơn vì nguy cơ cao bị tiền sản giật. Tiền sản giật cũng có thể xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ với hậu quả khó lường.