Mới đây, tại Bệnh viện nhân dân thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã tiếp nhận một bệnh nhân nam vừa mới kết hôn, chú rể do uống quá nhiều rượu trong ngày cưới dẫn đến bị chóng mặt. Vợ của bệnh nhân cho biết, chồng của mình uống rượu không tốt, nhưng trong ngày vui anh đã uống khá nhiều rượu. Vì không muốn bị say rượu sớm, anh đã vào nhà vệ sinh móc họng để có thể tiếp tục uống rượu.
Tuy nhiên, mãi không thấy chú rể ra ngoài, mọi người đã đi tìm và phát hiện người đàn ông bị ngất trong nhà vệ sinh, trong tư thế dùng tay móc cổ họng. Sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, những dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, nhịp thở của nạn nhân đã biến mất.
Bác sĩ Trần Khang, thuộc Khoa cấp cứu của bệnh viện cho biết: Qua kết quả khám nghiệm tử thi, bác sĩ kết luận người đàn ông do say rượu nên đã móc họng sai cách, khiến phần nôn dồn ứ ở thực quản, dẫn đến ngạt thở.
Trên thực tế, có rất nhiều người sau hoặc trong khi uống rượu thích dùng tay "móc họng" để bản thân có thể uống rượu được nhiều hơn. Phương pháp này theo góc độ y học cũng có tính xác thực, nhưng không phải là để giải quyết vấn đề say rượu, mà là để cứu những người uống nhầm phải thuốc hoặc uống phải thuốc độc.
Điều kiện trước tiên để nôn thì phải bảo đảm người đó phải tỉnh táo, dùng ngón tay đưa vào cổ họng, liên tục kích thích, khiến cơ thể sản sinh phản ứng buồn nôn, từ đó đạt mục đích gây nôn.
Phương pháp này đòi hỏi một bác sĩ chuyên nghiệp để thực hiện, nếu tự thực hiện một mình, có rất nhiều rủi ro xảy ra. Nếu móng tay bạn quá dài hoặc là quá sắc và dùng một lực mạnh sẽ khiến cổ họng bị tổn thương. Hơn nữa trong quá trình nôn, người say rượu tinh thần không tỉnh táo hoặc mất ý thức, khí quản rất dễ hít phải chất nôn, từ đó dẫn đến ngạt thở.
Cộng thêm việc nôn ói có tính cưỡng chế, còn làm tổn thương thực quản, gây viêm loét thực quản, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến chảy máu lớn, tổn thương chức năng tiêu hóa, gây viêm tuyến tụy, cuối cùng có thể mất mạng.
Ngoài gây nôn, những phương pháp giải rượu dưới đây cũng gây nguy hiểm:
1. Thêm đồ uống có ga vào rượu
Nếu bạn có thói quen pha rượu trắng vào nước tăng lực hoặc nước ngọt để uống thì việc làm này còn nguy hiểm hơn cho sức khỏe. Khi rượu và khí ga gặp nhau trong cơ thể sẽ làm cho lượng cồn nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể, đồng thời sản sinh ra lượng CO2 gây nguy hại cho gan, thận và dạ dày, đường ruột. Nó kích thích niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng tiêu hóa, thậm chí có thể khiến xuất huyết dạ dày.
Ngoài ra, bạn cũng không nến uống nước có ga ngay sau khi uống rượu vì sẽ khiến lượng cồn trong cơ thể nhanh chóng thẩm thấu vào hệ thần kinh trung ương, làm tăng huyết áp.
2. Uống cà phê hoặc trà sau khi uống rượu
Khi cơ thể đang có chất cồn trong người thì không nên uống nhiều cà phê, vì những thức uống này sẽ khiến cho tình trạng thiếu nước trong cơ thể sẽ càng trầm trọng hơn vì sau khi uống rượu chúng ta sẽ bị mất nước và có cảm giác rất khát nước.
Bạn cũng không nên uống trà đặc sau khi đã uống nhiều rượu vì trà có thể làm tim quá hưng phấn, khiến tim đập nhanh hơn, không có lợi cho thận khi thận đang phải vất vả đào thải cồn từ rượu.
3. Dùng thuốc chống viêm sau khi say
Thuốc chống viêm không chỉ có hiệu quả trong việc chuyển hóa rượu. Mặc dù những loại thuốc này có thể làm giảm đau đầu sau khi uống, nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan và chảy máu dạ dày trước và sau khi uống rượu.
(Nguồn: Sohu)