Mới đây, người dùng các trang mạng xã hội Trung Quốc đã cùng nhau chia sẻ video ngắn, quay lại điệu nhảy chân sáo tung tăng của một anh thợ xây trên đường về nhà sau ca làm.

Chỉ dài chưa đầy 1 phút nhưng video ngắn ngủi bắt đầu với câu hỏi: "Bạn có nhớ lần cuối cùng mình vui vẻ như vậy là khi nào không?" đảm bảo sẽ khiến chúng ta mỉm cười hạnh phúc.

Chú thợ xây nhảy múa tung tăng lúc tan ca gây sốt mạng xã hội Trung Quốc

Cứ 5 phút sếp gọi tên một lần, đồng nghiệp đã về hết mà đống giấy lộn trên bàn vẫn chưa giải quyết xong, deadline xuyên nghỉ lễ... Có quá nhiều thứ khiến người lao động nói chung, dân công sở nói riêng cảm thấy quá tải trong cuộc sống.

Biểu hiện của một kẻ stress do công việc là gì? Mặt mũi ủ rũ, luôn thở ra những câu đầy sự chán nản đến vô vọng và nụ cười thì hiếm khi nở trên môi (trừ khi thấy đứa mình ghét trong công ty bị phạt to đầu, có lẽ vậy).

Chị em đã có đáp án cho câu hỏi ở đầu bài viết chưa? Với người biên bài viết này thì cũng hơi lâu rồi chưa được vui như vậy.

Còn anh thợ xây (thực ra đã 56 tuổi) thì ngày nào cũng thế, anh ta sẽ nhảy chân sáo trên đường từ công trường về nhà.

Chú thợ xây nhảy múa tung tăng lúc tan ca gây sốt mạng xã hội và chuyện "vui sống" mà những kẻ bận rộn luôn ao ước  - Ảnh 2.

Một đoạn video ngắn quay anh thợ xây tung tẩy về nhà thì có gì hot để được nhiều người chia sẻ đến vậy?

Khi được hỏi tại sao làm công việc chân tay vất vả mà ngày nào cũng vui vẻ như vậy? Chú thợ xây nói: "Tôi là người vui vẻ và tôi sắp được ăn cơm tối sau khi đi làm về".

Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đã đụng trúng "tim đen" của hàng triệu người tình cờ xem được video này. Tiền bạc, địa vị thì cũng quan trọng đấy - nhưng trên hành trình kiếm tìm thành quả và danh vọng, dường như chúng ta đã quên mất việc phải sống sao cho vui vẻ.

"Chẳng phải cuộc sống nên như vậy sao?" - một trong những bình luận được nhiều likes nhất trên Weibo.

Có thể chị em sẽ nói rằng, chú thợ xây này chỉ làm công việc chân tay, chẳng phải suy nghĩ quá nhiều nên mới vui vẻ như vậy. Không không, con người ai chẳng phải lo toan cho cuộc sống của mình, chỉ là phân chia xã hội khác nhau nên công việc và áp lực cũng khác nhau. Đánh đồng như vậy là sai đấy.