Ngày 29/6, UBND TP Hà Nội giao ban công tác quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung .
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu tất cả các phường, xã, quận huyện, ban quản lý tòa nhà không được thực hiện các biện pháp cưỡng chế cắt điện, cắt nước trong thời gian nắng nóng.
"Dù người dân ở một số tòa nhà có thể chậm đóng tiền, nhưng giai đoạn nắng nóng này tuyệt đối không được cắt điện, nước", ông Chung nhấn mạnh.
Trước đó, liên quan đến việc cắt nước của người dân, vào ngày 23/6, nhiều hộ dân sống trong chung cư Thống Nhất Complex (Thanh Xuân, Hà Nội) kéo xuống mặt tiền toà nhà căng băng rôn, biểu ngữ phản đối Ban quản lý toà nhà cắt nước của các hộ dân giữa những ngày Hà Nội nắng nóng cao điểm.
Cụ thể, ngày 20/6, Ban quản lý chung cư Thống Nhất Complex đã có thông báo gửi các hộ dân ngày 22 đến 29/6, đơn vị này sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cấp nước sạch đối với các hộ dân chưa thanh toán các khoản tiền cho Ban quản lý toà nhà.
Trước sự việc trên, đại diện Công ty cổ phần Viwaco (đơn vị cấp nước sạch cho chung cư Thống Nhất Complex) cho biết, ngày 23/6, phía công ty đã cùng chính quyền địa phương lập biên bản vụ việc, đồng thời yêu cầu phía chủ đầu tư cung cấp nước sạch trở lại cho người dân.
Người dân mang băng rôn phản đối việc cắt nước.
Thừa nhận việc 12 hộ dân đã bị ngừng cấp nước sạch từ ngày 23/6, trao đổi với PV, đại diện chủ đầu tư (Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt) lý giải, đây là biện pháp "cực chẳng đã" nhưng đúng quy định vì các hộ này đều đã nợ phí dịch vụ quản lý chung cư cả năm nay, dù đã được nhắc nợ và cảnh báo cắt nước nhiều lần.
Lý giải rõ hơn về căn cứ pháp lý khi cắt nước, đại diện BQL tòa nhà cho rằng, theo quy định tại Điều 3 Thông tư 37 của Bộ Xây dựng thì trong các chi phí cấu thành giá dịch vụ nhà chung cư có chi phí sử dụng năng lượng cho máy bơm nước và chi phí nhân công điều khiển và duy trì hoạt động hệ thống máy bơm nước.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc BQL dự án cho biết, việc chủ đầu tư ngừng cấp nước không phải là việc làm "đột ngột" hay nhằm đúng ngày nắng nóng.
Bà An nói thêm, thực tế chủ đầu tư và BQL tòa nhà đã nhiều lần thông báo cho cư dân về tình trạng nợ tiền dịch vụ và cảnh báo việc chậm trả tiền dịch vụ không chỉ vi phạm nghĩa vụ thanh toán mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tòa nhà.
Vì vậy, BQL tòa nhà sẽ ngừng cung cấp một số dịch vụ (trước hết là cấp nước sinh hoạt) đối với những hộ nợ tiền.
Gần nhất, vào ngày 20/6, BQL tòa nhà đã có Thông báo về lộ trình cắt nước cụ thể đối với từng nhóm hộ (theo tầng) và đến ngày 22/6, tiến hành cắt nước của 12 hộ đầu tiên.
Cũng tại cuộc họp ngày 29/6 của UBND TP Hà Nội, theo báo cáo, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội vẫn duy trì được mức tăng trưởng 3,39%. Tuy vậy, nguồn thu ngân sách ở một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội rất thấp. Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các quận, huyện rà soát, đôn đốc vấn đề này.
Ông Chung cho biết, TP sẽ có điều chỉnh, rà soát từng khoản thu, vừa đảm bảo thu năm nay, cũng vừa đề ra chiến lược nuôi dưỡng nguồn thu cho những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Nội giao Sở Y tế triển khai làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu, đồng thời rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm, quản lý sử dụng các trang thiết bị vật tư trong quá trình phòng chống dịch Covid-19.
Sở Y tế còn được yêu cầu tăng cường kiểm tra các phòng khám, nhà thuốc tư nhân, bảo đảm tất cả các nhà thuốc phải được kết nối mạng để quản lý mua bán thuốc.
Đặc biệt, ông Chung yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm, tránh để xảy ra tình trạng như phòng khám nạo phá thai tại quận Hai Bà Trưng hoạt động nhiều năm mặc dù bị xử phạt nhiều lần.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, nếu vi phạm nhiều lần có thể rút giấy phép phòng phám theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tăng cường kiểm tra các lô hàng thực phẩm nhập khẩu, Ông Chung cũng cho rằng nên cấm việc vận chuyển động vật từ nước ngoài vào trong nước.