Bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đúng 1 năm sau thảm họa sập cầu (24/2/2014) khiến 8 người chết, 35 người bị thương trở nên vắng lặng, heo hắt hơn. Từ QL32C phải đi qua cây cầu treo Chu Va 8, dẫn lối tới con đường mòn quanh co, gập ghềnh đá tảng vài km. Bản Chu Va 6 hiển hiện trước mắt giữa lưng chừng núi với những mái lá mà nâu đất quanh rừng thảo quả bao la.

Chu Va một năm sau thảm họa, người dân vẫn mơ về cây cầu mới 1

Chu Va một năm sau thảm họa, người dân vẫn mơ về cây cầu mới 2
Hàng ngày, trẻ em cũng như người dân bản Chu Va 6 lo lắng khi đi trên nền cầu được làm bằng gỗ đã khô mục.

Dẫn chúng tôi qua cây cầu treo cũ nối lên bản, ông trưởng bản Hàng A Phảng dù năm nay đã bước sang tuổi lục tuần nhưng còn quắc thước tỏ ra lo lắng. Ông Phảng cho biết, qua cây cầu này là sang bản Chu Va 6, nơi có 150 hộ dân người H’Mông với diện tích rộng hàng chục km. Bà con sinh sống quanh năm với nghề trồng lúa nương, trồng thảo quả. Những năm trước có cầu treo việc vận chuyển hàng hóa qua suối dễ dàng. Bà con thu hoạch được mùa có của ăn của để nhưng kể từ ngày sập cầu thì liên tục xảy ra mất mùa, việc vận chuyển cũng trở nên vất vả hơn.

Qua cây cầu cũ gần 1km, ông Phảng dẫn tôi tới một ngôi nhà lá ba gian nằm trên đồi của gia đình chị Hàng Thị Sủ (27 tuổi), vợ anh Chang A Sua (người nằm trong quan tài được dân bản khiêng qua suối ngày cầu sập). Căn nhà vắng lặng, tuềnh toàng không một bóng người. Từ trên đình đồi, ông Phảng cất giọng lanh lảnh bằng tiếng H’Mông gọi chị Sủ. 

Về tới đầu ngõ, ba con nhỏ chị Sủ bám víu lấy váy mẹ khi thấy người lạ khiến chị cũng tỏ ra lúng túng. Mở cánh cửa gỗ sập sệ phát ra tiếng ken két, trong nhà người phụ nữ một mình nuôi con không có một đồ đạc gì có giá trị. Gia tài người chồng để lại chỉ là ba con nhỏ, lớn nhất là cháu Chang A Sơn (8 tuổi), hai cháu gái Chang Thanh Huyền và Chang Thị Hòa chưa đi học. 

Ngồi trên kỷ vật bộ bàn ghế chồng sắm đón Tết Nguyên đán 2014, chị Sủ nghẹn ngào khi nhắc tới người chồng quá cố. Chị cho biết, anh Sua là người được học nhiều nhất trong dòng họ, khi mới ra trường đã được cử về làm cán bộ xã. Chưa kịp thực hiện lời hứa thay nhà lá cũ nát bằng nhà xi măng cho các con, anh đã ra đi vĩnh viễn.

Chu Va một năm sau thảm họa, người dân vẫn mơ về cây cầu mới 3
Ba con nhỏ của chị Hàng Thị Sủ năm nay không có Tết do trùng ngày giỗ đầu của chồng.

Gạt dòng lệ trên khóe mắt đã đỏ hoe, chị Sủ lặng lẽ ôm các con vào lòng âu yếm nhìn. Chị cho biết, mỗi khi Tết đến xuân về, vợ chồng chị cùng đưa các con đi chợ mua quần áo mới, mua bánh kẹo và mổ lợn, nấu bánh chưng. Ngày 30 Tết gia đình chị sum vầy bên mâm cơm cúng gia tiên và cùng đoàn tụ với anh chị em tại nhà ông nội. Các con được diện quần áo mới, được ăn nhiều thịt. Nhưng năm nay, điều đáng tiếc xảy ra, chồng chị đã mất sau tai nạn, sẽ không còn cảnh đầm ấm quây quần bên mâm cỗ Tết. Thay vào đó, chị tất bật chuẩn bị cùng các con ra mộ thăm chồng.

Lơ lớ tiếng kinh chưa rõ, người phụ nữ ba mặt con mô tả bằng cả hành động cho biết, từ ngày chồng mất ngày nào chị cũng đưa con trai đến lớp đầy đủ, con gái nhỏ được gửi ông bà nội. Xong xuôi, chị lại vác cuốc lên nương, trồng thảo quả. Dù kinh tế khó khăn nhưng chị vẫn lạc quan sẽ quyết tâm nuôi các con được tới trường.

Không chỉ chị Sủ, gia đình Hàng Thị La ở bản Chu Va 8 năm nay 33 tuổi cũng một mình nuôi ba con nhỏ sau thảm họa sập cầu cướp đi người chồng Vàng A Chư, anh họ Vàng A Chía và cháu Vàng A Sinh. Khác với chị Sủ, ba con chị La đều đã đi học tại các trường THCS, tiểu học tại địa phương nên chi phí tốn kém hơn. Chị cho biết, hàng ngày ngoài lên nương làm rẫy, chị tranh thủ thêu khăn, dệt vải bán tăng thêm thu nhập. Các con chị cũng nhận thức được sự mất mát lớn của người cha nên đều chăm ngoan phụ giúp mẹ sau giờ học.

Rời nhà chị La, bản Chu Va đã sẩm tối. Những bóng đèn bừng sáng trên đỉnh núi trông như những vì sao đêm. Văng vẳng từ xa, tiếng kèn, trống giục nhạc hội đón xuân của người H’Mông trở nên nhộn nhịp. Nhưng ngôi nhà của chị La, chị Sủ và những hộ gia đình gặp nạn trong sự cố sập cầu treo cửa đóng im ỉm, không ai xuống đón xuân trẩy hội.

Dẫn tôi xuống núi, ông trưởng bản cho biết thêm, cuối năm 2014, toàn bộ 35 người bị thương đã xuất viện nhưng 7 người không còn khả năng lao động, 28 người khác bị suy giảm thể lực, lao động gặp nhiều khó khăn. Dân bản đã nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh Lai Châu, huyện Tam Đường về việc xây dựng một cây cầu mới chắc chắn hơn đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên ông và bà con chưa được hồi âm.