Chùa Cầu Hội An mở cửa đón du khách sau 19 tháng trùng tu
Sau khi hoàn thành công tác trùng tu kéo dài 19 tháng, Chùa Cầu ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đã mở cửa đón du khách tham quan.
Chiều 3/8, tại di tích Chùa Cầu, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên một công trình tu bổ di tích được "giải phẫu mở", thực hiện giữa lòng một đô thị di sản du lịch nhộn nhịp. Người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.
"Với sự khảo sát tỉ mỉ hiện trạng, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm, giải pháp tu bổ, cùng với sự tận tâm của đội ngũ trực tiếp tham gia dự án và ý kiến đóng góp của các chuyên gia bảo tồn trong nước lẫn ngoài nước, nhất là chuyên gia đến từ Nhật Bản, dự án tu bổ Chùa Cầu hoàn thành bài bản, khoa học.
Việc hoàn thành tu bổ di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản", ông Sơn nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VTC News, trong buổi chiều diễn ra lễ khánh thành, rất đông người địa phương và du khách có mặt ở khu vực gần Chùa Cầu để chiêm ngưỡng di tích sau trùng tu.
Dù di tích được xem là biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An đã được tu bổ thành công, đảm bảo sự kiên cố, song vấn đề ô nhiễm tại khu vực Chùa Cầu vẫn khiến nhiều người ngán ngẩm.
Anh T.T.N. (một du khách đến từ TP Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ: "Qua các kênh thông tin, tôi biết chiều nay TP Hội An sẽ tổ chức khánh thành tu bổ Chùa Cầu, nên ngay từ trưa, tôi cùng bạn mình vượt 50 cây số ra đây để mục sở thị Chùa Cầu sau trùng tu. Tuy nhiên tôi k hó chịu bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ con lạch dưới chân Chùa Cầu, dòng nước bên dưới thì đen ngòm".
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) với tổng kinh phí được phê duyệt 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.
Từ ngày 25/7, đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn nên người dân và du khách dễ dàng chiêm ngưỡng toàn cảnh di tích Chùa Cầu sau 1,5 năm trùng tu.
Diện mạo mới của Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, khiến di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây.