Đó là trường hợp của bà P.T.Đ (55 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An). Ngày 19/3, người phụ nữ đến Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Quốc tế Vinh khám trong tình trạng mệt mỏi, đầy bụng, đau đầu và đau ở vùng ngực và thắt lưng nhiều. 

Mắc sán lá gan nhiều năm nhưng không biết

Trước đó theo lời bệnh nhân, bà chỉ nghĩ mình bị bệnh cảm nên đã mua thuốc về tự điều trị nhưng dấu hiệu đau nhức không hề thuyên giảm.

Với những dấu hiệu lâm sàng, sau khi thăm khám và chụp X-quang phổi, ổ bụng, siêu âm... các bác sĩ phát hiện người bệnh mắc bệnh sán lá gan. Đáng chú ý, sán đã sinh sống trong cơ thể đã nhiều năm nay nên khá lớn.

Bệnh nhân hiện được điều trị bằng thuốc Triclabendazole 250mg và đang tiếp tục được theo dõi.

Chưa hết hoang mang vì sán lợn, lại phát hiện một phụ nữ nhiễm sán lá gan nhiều năm vì thói quen này - Ảnh 1.

Ảnh chụp sống lưng bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Thị Bích Lan, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ, những tác nhân gây bệnh sán lá gan lớn thường là từ động vật ăn cỏ, hoặc cũng có thể bị lây truyền qua trung gian là một số loài ốc nước ngọt (ốc họ Lymnaea). 

Người nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau nhút, rau cần…) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. 

Ấu trùng vào dạ dày đến ruột, gan sán trưởng thành, ký sinh tại gan nhiều năm, đẻ trứng theo phân ra ngoài, xuống nước. 

Lúc này trứng nở thành ấu trùng lông, sau đó phát triển thành một loại ốc thuộc họ Lymnaea, rồi thành ấu trùng đuôi, và thành nang trùng. 

Nang trùng bám vào các loại rau thủy sinh và bơi trong nước, người ăn uống phải sẽ mắc bệnh sán lá gan lớn.

Sán lá gan lớn có kích thước 30 x 10-12mm. Ở người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da... (ký sinh lạc chỗ). Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng sán lá gan lớn có kích thước 140 x 80µm.

Chưa hết hoang mang vì sán lợn, lại phát hiện một phụ nữ nhiễm sán lá gan nhiều năm vì thói quen này - Ảnh 2.

Sán khi xâm nhập vào nhu mô gan có thể làm tổn thương gan, nếu đi lạc chỗ sẽ gây nhiều hiểm họa hơn.

Sán lá gan khi xâm nhập vào nhu mô gan có thể làm tổn thương gan. Ngoài ra trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể đi chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp.

Khi sán xâm nhập vào đường mật trưởng thành và đẻ trứng, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị. 

Sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hoá đường mật thứ phát, có thể gây ung thư biểu mô đường mật, viêm tụy cấp  và là yếu tố gây bội nhiễm.

Do đó từ trường hợp trên, các sĩ đưa ra lời khuyên về các biện pháp dự phòng sán lá gan  như: không ăn cá và ốc chưa nấu chín dưới mọi hình thức (gỏi nấu canh, chiên rán…); không ăn rau sống mọc dưới nước; không uống nước lã; không dùng phân người nuôi cá; không phóng uế xuống các nguồn nước.

Khi có các triệu chứng như người phụ nữ trên; người bệnh nên đi khám và điều trị kịp thời tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.