Bác sĩ (BS) Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Đồng Nai cho biết, những ngày qua số bệnh nhân nhập viện điều trị sởi tăng rất nhanh.

Cụ thể trong 8 tháng đầu năm, số ca mắc sởi/sốt phát ban của tỉnh Đồng Nai ghi nhận là khoảng 45 ca. Tuy nhiên, chỉ riêng 20 ngày của tháng 9, con số mắc bệnh đã tăng hơn gấp đôi, đồng thời xuất hiện những ca biến chứng nặng.

Chưa hết lo dịch tay chân miệng, hàng loạt bà mẹ ở Đồng Nai đã “hại con” mắc bệnh sởi nặng vì quên tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Bệnh nhi mắc bệnh sởi điều trị tại BV Nhi đồng Đồng Nai.

Những ngày qua, đội ngũ y tế tại khoa Hồi sức tích cực Chống độc của BV đã phải căng sức làm việc, mệt nhoài vì liên tục tiếp nhận những trường hợp biến chứng viêm phổi nặng phải thở máy.

Còn tại khoa Bệnh Nhiệt đới, lượng trẻ mắc sởi phải điều trị tại khu cách ly đặc biệt cũng tăng đột biến. Phần đông đều có vấn đề hô hấp đi kèm. Theo lãnh đạo khoa, nhóm nhập viện gần đây là dưới 1 tuổi. Đa phần trẻ có cha mẹ là công nhân, chỗ ở không ổn định nên thường xuyên quên tiêm phòng.

"Những ca biến chứng gần như 100% là em bé không được chích ngừa sởi, trên bệnh nền là tim bẩm sinh và suy dinh dưỡng. Trẻ nhập viện đa phần do cha mẹ quên chích ngừa" - BS Nghĩa cho biết.

Chưa hết lo dịch tay chân miệng, hàng loạt bà mẹ ở Đồng Nai đã “hại con” mắc bệnh sởi nặng vì quên tiêm vắc xin - Ảnh 2.

Đa phần trẻ có cha mẹ là công nhân, chỗ ở không ổn định nên quên không tiêm phòng.

Ôm con tại giường bệnh, chị Sâm (ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết, chị sinh con ở quê xong vào Đồng Nai ngay nên không nhớ lịch tiêm phòng. Giờ thì con chị lãnh hậu quả nặng, biến chứng sang viêm phổi.

Còn chị Ngọc Bích (ngụ tại TP Biên Hòa) thì cho biết chị theo dõi rất sát lịch tiêm phòng của con. Tuy nhiên, đến ngày chích thì con lại bị sốt, vì thương con nên người mẹ đã bỏ mũi đó.

Chưa hết lo dịch tay chân miệng, hàng loạt bà mẹ ở Đồng Nai đã “hại con” mắc bệnh sởi nặng vì quên tiêm vắc xin - Ảnh 3.

Những ngày qua các BS phải căng mình điều trị vì lượng bệnh nhân tăng đột biến.

Thống kê từ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 149 ca mắc sởi. Bệnh nhi tập trung ở các khu công nghiệp như huyện Nhơn Trạch (67 ca), TP Biên Hòa (39 ca), huyện Long Thành (21 ca), huyện Trảng Bom (11 ca).

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Nai thông tin, trong số này có đến 60% chưa tiêm vắc xin, trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi) chiếm 20%.

Chưa hết lo dịch tay chân miệng, hàng loạt bà mẹ ở Đồng Nai đã “hại con” mắc bệnh sởi nặng vì quên tiêm vắc xin - Ảnh 4.

Hiện ngành y tế tỉnh Đồng Nai đang bổ sung vắc xin sởi cho người dân.

Sở Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai hiện đang khẩn cấp tiêm bổ sung vắc xin sởi/rubella cho những đối tượng chưa được tiêm chủng. Sở yêu cầu cơ quan chức năng địa phương khoanh vùng ổ bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch.

Trong khi đó, liên quan đến tình hình dịch tay chân miệng, hiện đã có 6 trẻ ở khu vực phía nam tử vong và ít nhất 15 trẻ trên toàn quốc tử vong vì căn bệnh này.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 (EV71, chủng virus gây ra dịch tay chân miệng lớn trên cả nước vào năm 2011) có thể là nguyên nhân làm gia tăng ca bệnh này trên địa bàn TP.HCM trong những tuần gần đây.

Riêng tại BV Nhi đồng 1 vào tuần cuối tháng 9, số bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng đã tăng gấp 5 lần so với những tuần trước đó. Trong đó, có một bệnh nhi quê Bến Tre đã tử vong.

Chưa hết lo dịch tay chân miệng, hàng loạt bà mẹ ở Đồng Nai đã “hại con” mắc bệnh sởi nặng vì quên tiêm vắc xin - Ảnh 5.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Chưa hết lo dịch tay chân miệng, hàng loạt bà mẹ ở Đồng Nai đã “hại con” mắc bệnh sởi nặng vì quên tiêm vắc xin - Ảnh 6.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo phụ huynh cần có ý thức giữ gìn vệ sinh, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin phòng bệnh tại Việt Nam. Do đó phụ huynh cần có ý thức giữ gìn vệ sinh, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, khử khuẩn hàng tuần những vật dụng, đồ chơi của trẻ.