Bố mẹ ráo riết tìm lớp cho con
Ngay từ đầu tháng 5, khi năm học cũ còn chưa kết thúc, chị Đặng Thị Tuyết Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sốt sắng tìm lớp học hè cho con trai lớn năm nay lên lớp 8.
Chị tâm sự, cho con đi học cả năm cũng sợ con mệt mỏi và áp lực, nhưng không đến lớp trong 3 tháng hè thì ở nhà con cũng chỉ ăn và xem tivi. Trong khi các bạn cùng lớp đã đăng ký học hè ở 2, 3 nơi khác nhau, chị không thể không sốt ruột tìm lớp cho con.
“ Cứ nghĩ đến mấy tháng hè của con là gia đình lại thấy căng thẳng. Nhìn lượng kiến thức mỗi ngày một khó, nếu không cho con đi học thêm, tôi sợ con sẽ bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa khi vào năm học mới", chị lo lắng.
Gia đình chị Mai làm kinh doanh, công việc khá bận rộn, ít có thời gian quan tâm tới việc học của con. Bất đắc dĩ chị phải đăng ký cho con đi học thêm kín tuần, vừa để có người trông nom, vừa để con có thêm kiến thức thật tốt, không bị rơi rụng sau kỳ nghỉ hè dài.
Chị Phạm Kim Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tham khảo khắp nơi về thông tin lớp học thêm, thậm chí lên kế hoạch sắp xếp lịch sinh hoạt trong 3 tháng hè sắp tới của cô con gái út chuẩn bị lên lớp 4.
Nghỉ hè với các con là niềm vui nhưng với chị Kim Anh, đây thật sự là “cơn ác mộng” khi phải trông, sắp xếp thời gian cơm nước mỗi ngày, trẻ ở tuổi này khá hiếu động.
“Cách đây ít ngày, tôi cùng ban phụ huynh trong lớp bàn bạc lập nhóm học hè, mời giáo viên phụ đạo môn Toán và Ngoại ngữ, mỗi môn 2 buổi/tuần vào các buổi sáng. Buổi chiều các con sẽ ở nhà làm bài tập cô giao. Tôi cũng đang tìm thêm lớp học đàn piano bồi dưỡng thêm cho con", vị phụ huynh nói.
Chị hiểu lịch học dày đặc dễ khiến các con căng thẳng, nhưng để chắc chắn rằng con được quản lý trong thời gian bố mẹ đi làm, đồng thời mong muốn con tránh xa các thiết bị điện tử và mạng xã hội nên đa số phụ huynh trong lớp đều thống nhất quan điểm học hè.
Chi phí cho một buổi học phụ đạo là 250.000 đồng/môn. Nếu con chị chỉ học thêm Toán và Ngoại ngữ, trung bình một tháng hè gia đình sẽ mất khoảng 4 triệu đồng tiền học. Chưa kể lớp piano mà chị đang tìm hiểu cho con có học phí lên tới cả chục triệu đồng một khoá học, với lớp học cá nhân.
Dù áp lực kinh tế thêm phần nặng gánh, nhưng bài toán tìm chỗ gửi con dịp hè được giải quyết, vợ chồng chị Kim Anh mới có thể an tâm đi làm mà không phải thấp thỏm lo cho con.
Tương tự, anh Bùi Văn Thanh (Quảng Ninh), phụ huynh của hai học sinh lớp 6 và lớp 8 quyết định biến kỳ nghỉ hè của các con thành "kỳ học hè".
Ban đầu, gia đình anh dự định đưa hai con về quê với ông bà nội một thời gian, nhưng suy đi tính lại, nhiều lớp học thêm đã bắt đầu mở ngay sau khi các trường hoàn thành tổng kết. Anh cũng lo nếu để các con về quê chơi rồi mới lên đăng ký học thì sợ con bắt nhịp chương trình chậm so với các bạn.
Hơn nữa khi về quê, các cháu thường được ông bà nuông chiều, dễ mất đi sự kỷ luật như khi ở với bố mẹ. "Do đó, tôi tìm lớp đăng ký cho hai con đi học thêm ngay trong tháng 6 tới” , anh Thanh nói và cho biết ngoài học kiến thức, dịp này cũng cho hai con học thêm kỹ năng bơi lội.
Ám ảnh 'mùa hè như học kỳ thứ 3'
Nghỉ hè vốn là thời gian nghỉ ngơi, nay lại trở thành nỗi ám ánh của con trẻ. Em Phạm Thái Sơn, học sinh trường THCS Tân Phong (Thái Bình) ước dành cả kỳ nghỉ hè để được "ngủ nướng" cho bõ những ngày miệt mài với sách vở, chiều đến được đi đá bóng với các bạn trong xóm. Mọi mơ ước của Sơn đều biến mất khi nhìn thấy thời khóa biểu mẹ sắp xếp.
"Một tuần có 7 ngày thì 5 ngày em học thêm. Mơ ước về một kỳ nghỉ hè trọn vẹn có lẽ là điều quá xa xỉ với em ”, Sơn buồn bã, chán và không muốn đi học theo lịch mẹ sắp xếp, nhưng không đủ can đảm để nói trực tiếp.
Với em Bùi An Ngọc, trường THCS Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), dự định được về quê chơi cùng ông bà hết tháng hè bị lịch học thêm cũng bị "xoá sổ".
"Chưa hết năm học, mẹ đã đăng ký học thêm 2 môn Toán, Ngữ văn và học bơi ở nhà thi đấu quận. Kế hoạch về quê chơi với ông bà chỉ có thể tạm gách lại vào dịp chớp nhoáng nào khác", Ngọc nói và cho hay, hè bây giờ không còn vui vẻ nữa, giống như học kỳ thứ 3 được sắp xếp bởi gia đình. Thậm chí nữ sinh ước không có kỳ nghỉ hè, cứ đi học như bình thường. Ngọc cho biết em không phải là trường hợp duy nhất, đa số các bạn trong lớp của em cũng đều phải đi học hè.
Dành lời khuyên cho các bậc phụ huynh đang ngược xuôi tìm lớp học thêm cho con vào dịp hè, cô Bùi Thị Nhơn, giáo viên trường Tiểu học Tân Thành A (Bình Phước) cho rằng, kỳ nghỉ hè là thời điểm giúp học sinh nạp lại năng lượng, để các em tự tin bước vào năm học mới. Vì vậy, nếu 3 tháng hè lại phải tiếp tục học với lịch học dày đặc thì những đứa trẻ sẽ rất dễ "bội thực" kiến thức, dẫn đến tâm lý mệt mỏi, chán nản.
“ Cha mẹ nên trò chuyện tâm sự cùng con để lắng nghe và tôn trọng những nguyện vọng, mong muốn của con. Đừng để những kỳ vọng của cha mẹ trở thành gánh nặng trên vai con cái", cô Nhơn khuyên.
Theo cô, việc đồng ý hay không đồng ý tham gia các lớp học hè phải dựa trên tinh thần tự nguyện của con. Như vậy, các con mới có một kỳ nghỉ hè trọn vẹn và ý nghĩa.