Theo bệnh nhân, cách đây 4 năm, khi nghe mách ngâm lá trầu không có thể trị căn bệnh tăng tiết mồ hôi chân, cô gái trẻ đã làm theo. Cô ngâm 2 chân vào chậu nước chứa lá trầu không, để tăng hiệu quả cô gái lấy tay phải vớt nước tưới thêm vào mu và cẳng chân, tay trái được rảnh rang lướt điện thoại.
Ngày hôm sau, tay phải và 2 chân của mình xuất hiện đỏ da, sau vài ngày bong vảy và tạo hình ảnh giống như bạch biến. 4 năm tiếp theo là quãng thời gian cô gái vật vã điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi nhưng hiệu quả chỉ là con số 0. Tuyệt vọng, cô gái tham gia vào câu lạc bộ các bệnh nhân bị bạch biến. Lúc này, bệnh nhân gặp được BS. Hoàng Văn Tâm là bác sĩ của BV Da liễu Trung ương.
Theo BS. Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Da liễu Trung ương, thoạt nhìn bệnh nhân rất giống ca bệnh bạch biến vì những tổn thương rất điển hình. Sau khi khám, giật mình nhận thấy, nếu là bạch biến thì phải cả 2 tay đều bị, nhưng cô gái chỉ bị một tay. Sau khi khai thác lại tiền sử của bệnh nhân thì mới biết được chính xác nguyên nhân: Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc giảm sắc tố do lá trầu không. Đây là ca bệnh rất hiếm.
Theo BS. Hoàng Văn Tâm trong lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng da nhanh. Nhóm này bao gồm benzen, phenol, catechol, hydroquinone.
Chính điều này khiến nhiều người thích thú sử dụng lá trầu không để làm trắng da nhưng nếu dùng lâu dài thuốc sẽ làm mất hoàn toàn màu da tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố. Việc sử dụng lá trầu không trong dân gian là khá nhiều, tuy nhiên tác dụng phụ của lá trầu không khi được hấp, chiết xuất để bôi hoặc ngâm có thể gây viêm da tiếp xúc nặng, tăng, giảm sắc tố. Vì vậy, chuyên gia da liễu khuyến cáo trước khi sử dụng phương pháp dân gian trên cần thận trọng để giảm thiểu tối đa tác dụng phụ.