Nhiều ca bệnh hy hữu chửa trong ổ bụng

Mới đây, trường hợp của một người phụ nữ trẻ 30 tuổi mang thai ở gan khiến hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp bất ngờ và nhận định đây là trường hợp vô cùng hy hữu.

Được biết, bệnh nhân đã có tiền sử mổ chửa ngoài tử cung ở vòi tử cung phải trước đây không lâu. Bình thường, bệnh nhân có chu kỳ vòng kinh rất đều. Tuy nhiên, một ngày, chị bỗng thấy chậm kinh một tháng kèm theo những cơn đau bụng dữ dội tại vùng hạ sườn phải. Bệnh nhân tới khám tại bệnh viện phụ sản Trung ương, bác sĩ tá hóa khi nhìn kết quả siêu âm trong gan của chị là một túi ối 35mm, chiều dài phôi 22mm.

Cũng ở một trường hợp khác, chị Thoa (Đống Đa, Hà Nội) vào viện trong tình trạng ra máu, đau bụng dữ dội. Mới đầu chị nghĩ do mình bị ngộ độc thực phẩm, hệ tiêu hóa của mình có vấn đề nhưng khi khám phần phụ, bác sĩ siêu âm và phát hiện ở cùng đồ bên trái của bệnh nhân có "dấu hiệu lạ". Bằng những thao tác nghiệp vụ nhanh, bác sĩ khẳng định chị bị chửa ngoài dạ con, cụ thể là chửa trong ổ bụng và đề nghị chị phải nhập viện cấp cứu gấp. 

Chửa trong ổ bụng: hiếm gặp và cực nguy hiểm 1
Trường hợp của một người phụ nữ trẻ 30 tuổi mang thai ở gan khiến hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp bất ngờ và nhận định đây là trường hợp vô cùng hy hữu (Ảnh minh họa)

Chửa trong ổ bụng - chửa ngoài dạ con: không thể chủ quan

Trường hợp thai nằm trong ổ bụng rất hiếm gặp (tỉ lệ chỉ khoảng 1,4% các trường hợp chửa ngoài tử cung). Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong do mang thai trong ổ bụng lại cao gấp 7,7 lần so với chửa ở các vị trí khác ngoài tử cung.

Thai trong ổ bụng có thể là ở gan, mật, ruột... Khi mang thai trong ổ bụng, thai phụ dễ chảy máu và có thể choáng do mất máu. Khối thai nằm ở gần túi mật và ruột sẽ gây nên các triệu chứng về đường mật và dạ dày ruột. Thai phụ dễ gặp tình trạng chảy máu, nhiễm trùng, nhiễm độc máu, thiếu máu, đông máu rải rác trong lòng mạch, tắc mạch phổi, hoặc do sự hình thành đường dò giữa túi ối và ruột do xương thai nhi đâm thủng... có thể đe dọa tình mạng.

Thai trong ổ bụng cũng có cơ hội sống sót nhưng không cao. Hầu hết trẻ sinh ra và sống sẽ bị dị dạng. Những dị tật mà thai nhi có thể gặp là vẹo cổ, bất cân xứng khuôn mặt, biến dạng chi, đầu dẹt, và dị dạng lồng ngực...

Chính vì vậy, một khi chẩn đoán thai ổ bụng, các bác sĩ thường phải kiểm tra kỹ lường và liên tục hơn các trường hợp mang thai khác. Nếu cần thiết, chỉ định phẫu thuật được thực hiện để tránh nguy cơ cho mẹ do thai nhi không thể phát triển một cách bình thường.

Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung cho biết, trên đây là những trường hợp rất hy hữu. Chửa trong ổ bụng rất hiếm gặp và chửa ở gan là một dạng của chửa trong ổ bụng lại vô cùng hiếm gặp.  

Nếu như một thai kỳ bình thường, trứng được thụ tinh với tinh trùng, nơi gặp gỡ của trứng với tinh trùng thường là ở vòi trứng. Khi trứng đã được thụ tinh sẽ di chuyển từ vòi trứng vào đến tử cung để bám vào lớp nội mạc tử cung, làm tổ và phát triển tại đó. 

Chửa ngoài tử cung là một hiện tượng thai nghén bất thường. Trứng đã thụ tinh không làm tổ ở tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển về tử cung, có thể là ở  vòi trứng (phổ biến nhất, chiếm 90%) hoặc trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí trong ổ bụng. 

Điều bất thường này khiến trứng đã thụ tinh không thể tồn tại lâu dài, thậm chí nó còn có nguy cơ phá hủy các cấu trúc khác trong cơ thể người mẹ. Và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, người mẹ có nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên cũng có những trường hợp vô cùng hi hữu, thai vẫn phát triển đến khi đủ tháng.

Bác sĩ Kim Dung nhận định, dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của chửa trong ổ bụng - chửa ngoài dạ con là bà bầu bị ra máu, đau bụng. Vì thế nếu thai phụ gặp hiện tượng lạ này cần phải đi khám ngay, không được chần chừ bởi nếu chậm một ly, sẽ đi một dặm... Bệnh này thường xảy ra ở những người viêm nhiễm đường sinh dục, nạo hút thai quá nhiều lần hoặc những người đã có tiền sử mang thai ngoài tử cung trước đó.

Khi bị chảy máu trong ổ bụng, bệnh nhân có biểu hiện sốc, da xanh, vã mồ hôi, hai tay lạnh, khát nước, thở nhanh, lịm dần, thậm chí đe dọa tính mạng.

Vì thế, để phòng tránh mang thai ngoài tử cung nói chung, chị em nên cần quan tâm hơn đến sức khỏe sinh sản của mình bằng cách hạn chế nạo phá thai, giữ gìn vệ sinh tốt, nhất là trong những ngày "đèn đỏ". Nếu bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục thì nên đi khám, tránh biến chứng viêm dính tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau. 



Sau hơn 10 ngày đau bụng, đi khám nhưng không tìm ra bệnh, chị bỗng cảm thấy có gì vỡ “ục” trong ổ bụng, cơn đau ập đến, chị mới nhập viện và phải mổ cấp cứu lấy thai

Chửa trong ổ bụng: hiếm gặp và cực nguy hiểm 2