Thấy anh về nhà hớn hở khoe vừa được lĩnh hơn 20 triệu tiền dự án ở công ty mà cô chẳng thấy mừng cho lắm. Bởi vài lần như thế rồi, thậm chí cô còn có thể đoán được tiếp theo anh sẽ tiêu số tiền ấy thế nào cơ.

Y như rằng, tối đấy anh rủ vợ con ra ngoài ăn nhà hàng một bữa. Sau đó cả nhà đi mua sắm, anh chọn mua bếp ga và một dàn karaoke, rồi chở thẳng về nhà ông bà nội của con trai cô. Lúc tới nơi, anh còn biếu mẹ đẻ 2 triệu tiền mặt để bà tiêu vặt nữa. Anh nhìn nhìn phòng trọ của vợ chồng, rồi bảo: "Nhà mình không cần mua gì đâu nhỉ, chỗ còn lại để dành tiết kiệm". Thì đúng là nhà riêng của bọn cô chẳng cần mua gì thật, nên cô gật đầu đồng tình với anh.

Nhưng lần trước lĩnh tiền thì anh mua cho mẹ anh chiếc xe đạp điện, khi là chiếc ti vi màn hình phẳng đời mới, còn chuyện biếu tiền mặt luôn không thể thiếu. Cô không có ý kiến gì với việc anh báo hiếu bố mẹ, chỉ là đôi lúc cô thấy hơi tủi thân khi anh chưa bao giờ hỏi ý kiến của cô về việc chi tiêu. Song cô lại nghĩ, tiền anh làm ra, anh thích tiêu gì, cho ai là quyền của anh, cô có tư cách gì mà bắt bẻ? Anh vẫn hàng tháng đưa cô tiền sinh hoạt cả nhà không đến nỗi nào là được rồi.

Chua xót cảnh “ăn bám” chồng: muốn biếu bố mẹ vài đồng trầy trật xin chồng chả được - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hôm sau mẹ đẻ gọi cho cô, than thở tháng này bà không còn tiền trả tiền lãi. Cô biết, bà bần cùng lắm mới kêu ca tiền nong với con cái. Hai năm trước, bố cô ngã bệnh, phẫu thuật mất một khoản tiền. Nhà cô nợ nần từ đấy. Bố mẹ cô lại già cả, sức khỏe yếu, hàng ngày buôn bán nhỏ cóp nhặt từng đồng đủ trả tiền lãi, chẳng biết bao giờ mới thanh toán xong nợ gốc. Em trai cô đang học đại học cũng phải làm thêm ngược xuôi trang trải học phí, chỉ dám xin bố mẹ thêm chút ít. Còn cô, vừa học xong đã "tót" đi lấy chồng vì có bầu trước cưới xong lại ở nhà trông con, chẳng làm ra đồng nào, càng chưa báo đáp bố mẹ được gì.

Cô nghĩ tới chồng mình vừa có một khoản tiền, nên hứa với mẹ sẽ lo giùm bà 2 triệu ấy. Buổi tối, cô nửa đùa nửa thật: "Con rể cũng biếu bố mẹ 2 triệu đi, để ông bà thuốc thang bồi bổ…". Ai ngờ anh từ chối luôn: "Đã bảo còn lại để tiết kiệm rồi mà, hơn nữa ông bà vẫn đi làm có thu nhập cần gì mấy đồng tiền biếu của anh". Cô lặng người chẳng biết nói gì, thực ra mẹ chồng còn khỏe mạnh hơn bố mẹ cô nhiều, chẳng qua bà có chút lương hưu và con cháu phụng dưỡng nên bà không đi làm. Bố mẹ cô còn gánh nặng, buộc lòng phải bươn chải đấy thôi.

Mãi sau cô mới nhẹ nhàng nói: "Nói thật với anh, tháng này ông bà không đủ trả tiền lãi nên muốn vay của vợ chồng mình 2 triệu, lúc nào có ông bà sẽ trả". Khoản nợ ấy chồng cô biết rõ ràng, và lần bố cô nhập viện đó chồng cô biếu ông đúng 500 nghìn dưỡng bệnh. Anh gật gù: "Vậy à, nhưng anh gửi hết vào sổ tiết kiệm rồi, em không nói sớm, bây giờ làm sao rút ra được, là sổ tiết kiệm có kì hạn mà. Thôi em bảo ông bà vay tạm ở đâu đó, có 2 triệu bạc vay đâu chả được".

Chua xót cảnh “ăn bám” chồng: muốn biếu bố mẹ vài đồng trầy trật xin chồng chả được - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cô ậm ừ rồi quay mặt vào tường giả vờ ngủ. Nhưng nước mắt cô không tự chủ được lăn dài trên má. Anh nói có 2 triệu bạc nhưng anh lại tìm đủ mọi lí do để kể cả cho vay cũng không đồng ý, chưa nói biếu hẳn. Cô chẳng dám đòi hỏi anh đối với bố mẹ vợ phải công bằng như bố mẹ anh, bởi sự so sánh như vậy là khập khiễng khi mà mẹ chồng mới là người sinh ra và nuôi lớn anh. Song chẳng lẽ bố mẹ cô trong lòng anh chẳng có chút quan trọng nào? Anh dành cho mẹ chồng 10 phần chẳng lẽ không hiếu kính bố mẹ vợ được 1 phần, chưa nói còn chẳng cần thường xuyên? Lẽ nào đối với anh, bố mẹ ai người đấy phụng dưỡng, bố mẹ vợ không thuộc phạm trù quan tâm của con rể?

Cô biết trách ai bây giờ? Trách anh vô tâm, ích kỉ, thờ ơ với người sinh ra và nuôi lớn vợ mình, hay trách chính bản thân cô vô dụng, ở nhà "ăn bám" chồng? Phải, nếu cô cũng kiếm ra tiền như anh, thì đừng nói 2 triệu, kể cả cô biếu bố mẹ 12 triệu cũng chẳng ai dám nói gì cô.

Hôm sau cô rơm rớm nước mắt xin lỗi vì thất hứa với mẹ. Bà ngầm hiểu mọi chuyện, vội vã khuyên cô: "Thằng Huy là đứa tốt, con đừng vì chuyện này mà cãi nhau với nó. Quan trọng nó lo cho vợ con, không tệ nạn chơi bời gì, còn lại đều không quan trọng đâu con ạ. Số tiền không lớn, để mẹ đi vay chỗ khác cũng được".

Cúp điện thoại, cô tự hứa với lòng mình, đợi một thời gian nữa con cứng cáp cô sẽ đi làm kiếm tiền. Để độc lập, tự chủ trong tài chính, để có tiếng nói hơn trong gia đình, và nhất là có muốn biếu bố mẹ mình vài đồng cũng không phải trầy trật xin chồng mà chẳng được nữa!