Từ nhỏ, mẹ tôi luôn dành hầu hết thời gian của mình cho gia đình nói chung và tôi nói tiêng. Mẹ dẫn tôi đi nhà văn hoá thiếu nhi, xem kịch, mua sách. Tất cả những gì mà một cô bé năm tuổi hằng ao ước, cả về vật chất lẫn tinh thần, mẹ đều cho tôi. Tôi nhớ về những kỷ niệm với mẹ về giai đoạn này nhiều hơn là những giây phút tinh nghịch vui chơi cùng bạn, vì mẹ đã dạy tôi thật nhiều, ngay từ những ngày đầu ấy.
Vào cấp một, tôi nhớ như in hình ảnh mỗi chiều, mẹ đều đem nước cam theo khi rước tôi, rồi tối về nhà đều quan sát tôi làm bài và giúp đỡ khi cần thiết. Mẹ chưa hề bắt tôi học thêm một buổi, mà lại tạo điều kiện cho tôi học những môn nghệ thuật, thể thao để tôi được phát triển toàn diện nhất. Mẹ chắt chiu từng đồng, bỏ đi những sở thích từ thời con gái của mình để cho anh tôi du học tại London bảy năm trời. Tôi còn nhỏ nào đâu biết nỗi lo toan đó. Tôi chỉ nhớ về những khi khoe với các bạn rằng mẹ luôn an ủi và giải thích rằng điểm số không quan trọng khi tôi buồn về điểm kém, trong khi tụi nó bị đòn nát mông.
Rồi đến cấp hai, sự dẫn dắt và hướng dẫn của mẹ đã giúp tôi gặt hái được nhiều thành công trong học tập. Nhưng khi mẹ đang ở đỉnh cao của sự tự hào đó thì nhiều biến cố gia đình lại ập tới, những biến cố có thể làm người ta gục ngã. Nhưng không phải mẹ. Mẹ tôi tìm đến những thú vui mới cho mình: rèn luyện sức khoẻ với golf và khiêu vũ, rèn luyện trí lực với việc đọc hơn hàng trăm cuốn sách đủ lĩnh vực chính trị, triết học, cách sống v.v... Đây chính là sự thay đổi cần có của người phụ nữ chuẩn 10 mà tôi muốn đề cập chính trong bài viết này. Một người phụ nữ vừa biết lo cho gia đình, bản thân, và sự nghiệp mới là người phụ nữ thế kỷ 21, và sắp xếp thứ tự quan trọng ưu tiên ba vấn đề trên như thế nào cho đúng mới giúp người phụ nữ thế kỷ 21 trở thành người phụ nữ chuẩn 10.
Năm nay tôi đang học lớp 10, năm đầu tiên của cấp ba, cũng là lân đầu tiên tôi cảm thấy thực sự hiểu mẹ. Qua những chia sẻ và tâm sự của mẹ, một bức tranh về mẹ trước khi có tôi, trước khi lập gia đình dần hé lộ, và nó làm tôi thực sự bất ngờ. Mẹ tôi từng là lớp trưởng tại trường Gia Long- Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay, và trường Đại Học Bách Khoa khoa Hoá Cơ khí. Tại những cuộc họp lớp, mọi người vẫn nhắc tới mẹ một cách thật trang trọng và ngưỡng mộ, làm tôi thật tự hào về mẹ. Sau đó, mẹ là trưởng công xưởng tại Xí nghiệp dược 26- tiền thân của Công ty dược OPC ngày nay, và đã có nhiều sáng chế được trình bày tại nhiều đại hội Đảng viên tiêu biểu. Vậy mà xưa nay, tôi đã có khi nghĩ mẹ chỉ là một người nội trợ ở nhà. Sự nông cạn đã làm tôi nhiều lần ghen tị với những đứa bạn có mẹ là bác sĩ, doanh nhân, mà quên mất rằng mẹ mình cũng là một kỹ sư lành nghề!
Tôi đã được nghe một câu nói rất hay là "Đỉnh cao của sự ngưỡng mộ là cố gắng để băt chước". Tôi không mong gì hơn là có thể trở thành một người phụ nữ như mẹ: có thể vừa hướng dẫn thợ sửa điện, nước vừa nấu những món ăn ngon và trên hết là tốt cho sức khoẻ hay vừa tâm tình tư vấn tâm lý cho chị em phụ nữ, vừa tham gia tranh luận những vấn đề thời sự chính trị, khoa học kỹ thuật với đấng mày râu. Chắc ai củng biết, thật không dễ để được con gái thần tượng mình, trong thời đại các cô gái "chết mê chết mệt" các diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc.
Câu chữ không thể diễn tả hết những khả năng phi thường của mẹ trong mắt tôi. Đối với tôi, mẹ là người Mẹ, người Cha, người Bạn, người có thể "thiên biến vạn hoá" để thích nghi với mọi hoàn cảnh và thời đại, người phụ nữ chuẩn Mười.
Mong mọi phụ nữ Việt Nam có thể phá vỡ những tiền lệ truyền thống để thay đổi, để yêu bản thân hơn, và để luôn xứng đáng với điểm 10 trong mắt người thân và gia đình.
Từ xưa đến nay, trong mắt tôi, mẹ là người phụ nữa của gia đình, luôn hết mực vun vén gia đình và nuôi dạy con cái. Nhưng theo thời gian, với sự trưởng thành của mình tôi dần nhận ra những sự hy sinh về mặt xã hội của mẹ, để chăm sóc cho tôi một cách trọn vẹn, và sự độc lập tìm lại chính những cơ hôi ấy khi tôi đã khôn lớn. Những câu văn chưa mạch lạc của cô nữ sinh lớp 10 trường Quốc Tế chắc chắn sẽ không hoa mỹ như những bài dự thi khác, nhưng tình cảm và tấm lòng của đứa con 15 tuổi muốn biểu lộ với mẹ mới là điều tôi muốn bày tỏ. Mong đây sẽ là món quà tinh thấn lớn nhất cho mẹ kính yêu.
Từ xưa đến nay, trong mắt tôi, mẹ là người phụ nữa của gia đình, luôn hết mực vun vén gia đình và nuôi dạy con cái. Nhưng theo thời gian, với sự trưởng thành của mình tôi dần nhận ra những sự hy sinh về mặt xã hội của mẹ, để chăm sóc cho tôi một cách trọn vẹn, và sự độc lập tìm lại chính những cơ hôi ấy khi tôi đã khôn lớn. Những câu văn chưa mạch lạc của cô nữ sinh lớp 10 trường Quốc Tế chắc chắn sẽ không hoa mỹ như những bài dự thi khác, nhưng tình cảm và tấm lòng của đứa con 15 tuổi muốn biểu lộ với mẹ mới là điều tôi muốn bày tỏ. Mong đây sẽ là món quà tinh thấn lớn nhất cho mẹ kính yêu.