TRẢI NGHIỆM CĂN BẾP "BÍ MẬT" CỦA MÁ NĂM TẠI CẦN THƠ, NẾU MUỐN ĂN PHẢI CHUI VÔ VƯỜN
Ăn uống với nhiều người có thể là một việc đơn giản tới mức chỉ cần no cái bụng hoặc cao hơn là đồ ăn ngon, hợp ý. Thế nhưng khi có cơ hội du lịch hay được đi đến một vùng đất mới nào đó thì cái ăn uống nó đã không còn là nhu cầu hàng ngày mà sự trải nghiệm, khám phá với những cái mà ta chưa từng thấy mới thật sự là quan trọng.
Chính vì vậy mà cách đây 1 năm, khi tôi cùng nhóm bạn kéo nhau làm chuyến miền Tây 3 ngày 2 đêm đã tình cờ tìm đến "Bếp Má Năm" nằm trong con đường nhỏ quanh co dẫn sâu vào bên trong khu vườn lớn với hàng dừa, bờ ao, cây ăn trái sum sê trông khá hẻo lánh nhưng lại cực nổi tiếng, thậm chí "vang" lên tới tận đất Sài thành vì những món ăn được chế biến tại đây.
Vào đến bên trong, tôi và mấy đứa bạn không khỏi ngạc nhiên vì chẳng biết phải gọi nơi đây là nhà hàng hay quán ăn!? Cảm giác gọi kiểu nào cũng sai
Được biết chủ nhân của căn nhà này chính là "Má Năm" - một người phụ nữ gốc miền Tây sống tại Cần Thơ. Má Năm có 2 người con trai sinh đôi tên là Nguyễn Đức Thao và Nguyễn Chiến Lược (sinh năm 1990) do tình hình Covid năm 2019 công việc kinh doanh không còn thuận lợi nên đã quyết định dọn về đây cùng người mẹ của mình dựng lên căn bếp mang tên "Bếp Má Năm" buôn bán, phục vụ các món ăn dân dã của vùng sông nước miền Tây.
Trong đó gian nhà chính thì để nấu nướng, bày biện đồ đạc, còn chỗ ngồi của khách là phải đi ra phía sau hoặc vào bên trong vườn cây ăn trái của gia đình. Nơi đó được Thao và Lược xây lên 7 căn chòi nhỏ rộng rãi, thoáng mát nhưng lại vô cùng biệt lập, phù hợp cho việc ăn uống hay vui chơi của mỗi người.
Thế nên nếu bạn là người lần đầu tới đây chắc chắn sẽ cảm thấy rất phấn khích vì trải nghiệm cảm giác thú vị giữa một không gian hoàn toàn cây nhà lá vườn.
MÓN GÀ QUAY BẰNG CHIẾC LU HƠN 100 NĂM
Tính đến nay tuy Bếp Má Năm chỉ mở cửa được hơn 1 năm nhưng lượng người tìm đến đã đông đến mức vào thời điểm trước khi Covid bùng phát lúc nào cũng không đủ chỗ để phục vụ. Phần là người ở trong vùng tìm tới và phần đông trong số đó là các gia đình, nhóm bạn từ Sài Gòn đến đây ăn uống, kết hợp như kiểu dã ngoại. Tuy nhiên dù là ai đi chăng nữa thì tất cả cũng chỉ muốn được thưởng thức món gà quay lu cực kỳ nổi tiếng tại Bếp Má Năm.
Từng khâu chế biến đều được làm rất kỹ nên thường để nấu món này phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ mới xong.
Theo anh Thao tiết lộ: "Hồi trước mấy anh em mình hay rủ mấy người bạn về đây chơi, tổ chức ăn uống nên mình nghĩ làm món gà quay đặc sản của miền Tây đãi mọi người thì không ngờ ai cũng khen. Dần dần theo thời gian nó trở thành "món ruột", "món tủ" mà cứ ai gặp cũng bảo tụi mình làm. Thấy vậy 2 anh em mình nghĩ ra ý định lập nên Bếp Má Năm lấy theo tên gọi của mẹ, bởi mẹ là chủ nhân của ngôi nhà và mảnh đất này".
Bắt đầu ra kinh doanh, Thao và Lược quyết định nghiên cứu và đầu tư kỹ hơn cho món ăn được cho là "đặc sản" của Bếp Má Năm bằng cách đồng nhất quy chuẩn trong khâu chọn gà ta vì thịt dai, chắc, ngọt và tiếp đến là các loại gia vị tẩm ướp làm theo công thức, liều lượng riêng mà Thao và Lược tin rằng nó sẽ ngon và phù hợp với tất cả mọi người.
Để cho gà chín đều, giữ trọn vị ngọt, dậy được mùi thơm từ các loại gia vị mình tẩm ướp, Thao và Lược dùng chiếc lu cổ hơn 100 năm của gia đình ngày xưa chuyên dùng để ủ nước mắm làm lò quay. Đây được xem là phương pháp quay - nướng gà quen thuộc của bà con miền Tây từ xưa tới nay. Tương tự như món gà đắp đất sét hay gà ủ rơm, tưởng chẳng có gì đặc biệt nhưng nhờ việc sử dụng các nguyên vật liệu quen thuộc trong vườn nhà của người miền Tây, đã vô tình khiến các món ăn được quay trong lu, trong bọc đất hay vùi trong ụ rơm trở nên thơm ngon một cách lạ thường.
Đặc biệt các loại nguyên liệu, gia vị, nước sốt tẩm ướp gà được gia đình làm theo công thức riêng nên vô tình tạo thành nét đặc trưng riêng không nơi nào có.
Trung bình một con gà ở đây có giá là 350k ăn kèm với bánh bao sữa chiên, rau sống, dưa leo chấm với muối ớt đỏ kẹo kẹo, chua chua, ngọt ngọt, cay cay.
Mà quên là món gà này sẽ đậm vị, "ngọt nước" hơn khi xé thịt bằng tay. Không chặt bằng dao hay dùng kéo cắt sẽ làm mất đi cảm giác ngon của món gà. Khi dọn ra mâm ăn thì bốc bằng tay vẫn là cách ăn ngon nhất. Nếu sợ dơ thì bạn có thể xin mỗi người một chiếc bao tay rồi cứ thế kẹp chút rau, chút gà, chấm vào nước sốt rồi đưa vào miệng cảm nhận.
Gà vườn thì ngon nhất phải xé bằng tay cho thịt thành từng sớ chứ không nên chặt.
Đến hiện tại, chiếc lu cổ này luôn là nơi để gia đình Thao và Lược thổi lửa, quay hàng nghìn con gà phục vụ cho vô số lượt khách đến rồi đi khác nhau. "Má Năm thấy vậy cũng rất vui, rất ủng hộ hai anh em phát triển công việc này. Đó cũng là một cách vừa để giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực của bà con miền Tây mà còn giúp gia đình có thêm tài chính phục vụ cuộc sống hằng ngày" - Thao tâm sự.