Chùa Cầu (còn gọi là Lai Viễn Kiều) là di sản kiến trúc - văn hóa có giá trị bậc nhất ở Hội An, được coi là biểu tượng của phố cổ và là điểm đến du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách mỗi khi có dịp đến Hội An.
Đây cũng là công trình kiến trúc duy nhất của người Nhật còn sót lại tại Quảng Nam và được xem là biểu tượng gạch nối "giữa quá khứ và hiện tại" trong mối quan hệ sâu rộng giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản từ hàng trăm năm qua.
Trải qua hơn 400 năm tồn tại, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người nên di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12/2022, Hội An đã đóng cửa di tích này để "đại trùng tu", với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Những ngày qua có thể thấy, sau khi diện mạo mới của Chùa Cầu lộ diện đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Một số người cho rằng màu sơn "mới cứng" đã làm mất đi vẻ cổ kính vốn có của Chùa Cầu, khiến di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây. Lắng nghe ý kiến của người dân, lãnh đạo thành phố Hội An đã giao cho Đơn vị thi công điều chỉnh lại màu sơn. Cụ thể, TP.Hội An sẽ giữ nguyên màu sắc chính của chùa Cầu, chỉ xử lý lại một số chi tiết nhỏ ở đà gỗ và dầm trắng dưới lan can chùa Cầu.
Vậy là sau gần 2 năm "đại phẫu", Chùa Cầu đã hoàn thành các hạng mục chính và sẽ chính thức mở cửa khánh thành vào ngày 3/8 tới.
Một số hình ảnh về diện mạo mới của di tích Chùa Cầu sau trùng tu:
Chùa Cầu gồm phần cầu có mái che bắc qua một rạch nước trên sông Hoài và phần chùa ở phía bắc, giữa cầu. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng.
Chùa Cầu có nét kiến trúc gỗ, mái ngói âm dương soi bóng bên phố cổ khiến công trình là điểm đến thu hút rất đông khách du lịch khi đến Hội An.
Sau gần 2 trùng tu, Chùa Cầu khoác màu sơn mới với lớp sơn màu đỏ, màu sắc này đã tồn tại từ trước năm 1985 - thời điểm Chùa Cầu được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Bên trong Chùa Cầu đã hoàn thiện việc trùng tu. Các hạng mục như nền, móng, trụ, mố... đều được gia cố. Phần kết cấu gỗ của chùa được gia cố bằng những cây gỗ mới. Việc bố trí đan xen này được cho là khá hài hòa giữa việc dùng các cây gỗ mới và phần gỗ còn tốt được giữ lại tối đa.
Giữa cầu là lối vào Chùa, bên trên lối vào gian thờ có tấm biển đề 3 chữ "Lai Viễn Kiều". Dưới tấm biển có hai mắt cửa, một chi tiết kiến trúc đậm nét của Hội An.
Gọi là chùa nhưng ở đây không thờ Phật, mà thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ - vị thần chuyên trị phong ba, lũ lụt, bảo hộ xứ sở, đem lại niềm vui và hạnh phúc. Văn bia và miếu thờ bên trong được quét sơn lại.
Các bức tường xung quanh Chùa Cầu được sơn mới cùng màu đỏ với màu trước đây, những mảng rêu bám đã được làm sạch.
Mái ngói âm dương Chùa Cầu được hạ giải theo trình tự để vệ sinh, phân loại bảo quản và tận dụng tối đa. Những mái ngói âm dương cũ hư hỏng đã được thay thế bằng những viên ngói mới tương đồng kích cỡ, hình dáng và cấu trúc. Tuy nhiên, những viên ngói mới làm cho mái Chùa Cầu nổi bật so với với màu rêu phong trước kia.
Trên mái chùa được khảm những đồ gốm men lam để trang trí rất tinh xảo.
Hình ảnh Chùa Cầu được in trên tờ tiền polymer 20.000 đồng hiện hành của Việt Nam.
Theo UBND TP Hội An, công trình trùng tu Chùa Cầu sẽ khánh thành vào ngày 3/8, nhân sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20.
Dù chưa chính thức khánh thành nhưng rất đông du khách đã đổ xô đến khu vực Chùa Cầu để chụp ảnh.
Nhiều bạn trẻ hào hứng check-in bên Chùa Cầu.
Một đôi bạn trẻ hôn nhau để lưu lại kỷ niệm bên Chùa Cầu ngày "khoác áo mới".