Chung cư Hà Nội vẫn âm thầm tăng giá: Căn hộ được chào bán 5,2 tỷ sau 3 tháng môi giới quay lại báo giá tăng lên 6,3 tỷ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Có nhu cầu tìm mua chung cư từ hồi cuối năm 2023, nhưng đến nay chị Kim Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa mua được phần vì giá cả tăng mạnh, phần vì nguồn cung khan hiếm.

Theo lời kể của chị Ngân, hồi tháng 12/2023, vợ chồng chị Ngân quyết định chuyển lên chung cư ở. Chị Ngân có gửi thông tin về nhu cầu tìm mua chung cư cho hơn chục môi giới quanh khu vực Thanh Xuân. Một số môi giới có dẫn chị đi xem căn hộ nhưng vẫn chưa mua được do gặp phải nhiều tình huống phát sinh.

“Hồi cuối tháng 12, chồng tôi có đi xem gần chục căn ở 3-4 dự án quanh khu vực Thanh Xuân thì ưng được một căn với diện tích 84m2 ở chỗ Kim Giang với giá 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi vừa sinh em bé xong, gia đình khá nhiều việc chưa kịp thu xếp tiền xong thì căn đó đã bán mất. Vợ chồng lại bảo nhau thôi tìm dần dần, vẫn báo môi giới có căn nào giới thiệu để đi xem, ưng thì mua luôn”, chị Ngân kể.

Thế nhưng, sau thời điểm mua hụt căn chung cư này thì giá chung cư bắt đầu tăng “phi mã”. Cùng diện tích, cùng tầng, cùng dự án nhưng chỉ sau 3 tháng, môi giới báo lại với chị Ngân giá tăng lên đến nửa tỷ đồng.

“Quá ngỡ ngàng với tốc độ tăng giá của chung cư. Vợ chồng tôi bảo đợi thêm 1-2 tháng xem tình hình giá cả ra sao. Đến tầm tháng 5, thấy chung cư có phần hạ nhiệt, giá đi ngang, không còn tăng sốc như cách đó tầm 2 tháng. Vợ chồng lại bảo nhau thôi tìm mua đi chứ không thể ngồi chờ giá giảm được, đi ngang, không tăng là tốt rồi”, chị Ngân kể.

Nhưng, thời điểm giá đi ngang thì nguồn cung lại quá khan hiếm, một vài dự án chị Ngân tìm hiểu chỉ có 1-2 căn bán ra. “Giá chào bán cao cộng với việc không có lựa chọn. Bên cạnh đó, nhiều căn chất lượng cũng đi xuống như thấm, nứt nhẹ, nội thất không có… Nếu mua thì vợ chồng tôi xác định phải sửa chữa lại khá nhiều. Qua nhiều lần đi xem, tôi cũng nhận thấy nhưng căn chào bán thời điểm này hầu hết của nhà đầu tư, tầm này họ bán chốt lời”, chị Ngân chia sẻ.

Thấy rằng, nếu mua ở thời điểm này, chị Ngân vừa phải mua giá cao, vừa không có nhiều lựa chọn nên lại tiếp tục chần chừ, chờ đợi xem tình hình giỏ hàng có đa dạng hơn không? Thi thoảng khi có căn nào chủ rao bán, môi giới vẫn gửi thông tin về giá cả, diện tích và hình ảnh để chị Ngân xem. Nếu ưng sẽ hẹn với chủ nhà đến xem.

“Bẵng đi tầm 3 tháng, môi giới tên Tuấn đã hỗ trợ tôi trong việc tìm nhà thời gian qua có hỏi lại tôi còn nhu cầu tìm chung cư không? Tôi báo có vì vẫn chưa mua được, đợt trước nguồn cung hiếm quá nên tạm dừng tìm mua. Ngay lập tức, môi giới Tuấn báo tôi dự án chung cư trên đường Kim Giang đang có 2 căn rao bán. Căn có diện tích 88m2 đang chào bán giá 6,3 tỷ đồng. Môi giới gửi hình ảnh cho tôi, nếu ưng thì qua xem”, chị Ngân cho hay.

Sau khi xem ảnh xong, chị Ngân phát hiện trước đó hồi tháng 8 cũng có một môi giới gửi thông tin, hình ảnh chính căn này và báo giá 5,2 tỷ đồng. Sau tầm 3 tháng, căn chung cư này lại được chào bán với giá tăng thêm 1,1 tỷ đồng, tức đang chào giá 6,3 tỷ đồng.

“Mức độ quan tâm về chung cư có phần hạ nhiệt hơn cho với hồi đầu năm nay nhưng giá vẫn âm thầm tăng từng ngày”, chị Ngân than thở.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến câu chuyện tăng giá của chung cư Hà Nội thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nêu ra ba nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là mang tính chất chu kỳ. Giá chung cư tăng do bản chất thị trường đang trong giai đoạn phục hồi, loại hình phục hồi đầu tiên sẽ là sản phẩm mang tính chất ở thực.

"Sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, tâm lý trên thị trường rất yếu. Điều sợ nhất khi đầu tư không phải là việc bất động sản giảm giá mà là sợ sản phẩm không có thanh khoản. Do đó, bây giờ nhà đầu tư sẽ tìm đến các loại hình có pháp lý chắc chắn, mang tính chất dòng tiền, ít nhất có thể cho thuê như chung cư", ông Quốc Anh nói.

Nguyên nhân thứ hai là nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, trong khi lực cầu là rất lớn. Đơn cử như ở Hà Nội, mỗi năm cần thêm khoảng 100.000 - 170.000 căn hộ mới, trong khi nguồn cung từ đầu năm mới đáp ứng khoảng 30.000 căn, năm ngoái khoảng 10.000 căn.

Bên cạnh đó, sản phẩm ngày càng tập trung nhiều ở các phân khúc giá cao. Minh chứng là đầu năm 2020, phân khúc cao cấp trở lên (giá trên 55 triệu/m2) chỉ chiếm khoảng 6% tổng cung. Đến quý 3/2024, các sản phẩm này đã chiếm khoảng 60%.

Theo ông Quốc Anh, trong bối cảnh lượng cung trên thị trường ít, chủ đầu tư sau khi gỡ được pháp lý và ra hàng thì chủ yếu tập trung vào phân khúc từ trung cấp trở lên (giá trên 35 triệu/m2).

"Phải trải qua khoảng thời gian rất lâu mới ra được dự án, trong khi giá đất vẫn tăng hàng ngày, việc chủ đầu tư quyết định ra hàng chung cư với mức giá từ trung cấp trở lên cũng là theo logic", ông Quốc Anh nói.

Nguyên nhân thứ ba là do yếu tố tâm lý thị trường. Cụ thể, thời điểm giá chung cư tăng chưa nhiều, người dân có xu hướng chờ giảm giá. Nhưng khi thấy giá tăng khoảng 10-20% thì tất cả mọi người đều đổ vào mua vì sợ giá sẽ tiếp tục tăng nữa. Việc này bồi thêm một đòn tâm lý khiến cho thị trường lại dội lên.