Mạng xã hội một lần nữa lại bị chia rẽ theo một cách rất khó chịu: Chia rẽ vì một hành động đẹp.
Xuất phát từ bức ảnh hai chiến sĩ cảnh sát cơ động đang cứu một cháu bé bị lên cơn co giật trên sân Thiên Trường (Nam Định). Một người bế cháu bé, một người cố cho tay vào miệng cháu bé để đè lưỡi tránh ngạt. Một khuôn mặt hốt hoảng, một khuôn mặt nhăn nhúm lại vì đau đớn đã khiến cộng đồng mạng xúc động.
Ảnh: Tuấn Mark
Bức ảnh đẹp. Hành động đẹp. Và một nỗi xúc động đẹp.
Tuy vậy, một số người có hiểu biết và chuyên môn về y khoa nhận ra rằng có gì đó không đúng lắm trong hành động đẹp ấy. Đó là cách sơ cứu chưa thật chính xác. Dù rằng, rất nhiều cầu thủ trên sân đã sử dụng cách thức này để sơ cứu đồng đội trước khi lực lượng y tế xuất hiện như trọng tài Ngô Duy Lân, hậu vệ Đỗ Duy Mạnh.
Những lời góp ý đã được đưa ra để cộng đồng có thêm kiến thức và kĩ năng cần thiết cho cuộc sống. Nhưng theo cách nào đó, trái tim và lý trí đã tấn công nhau.
Phe trái tim cho rằng, có thể anh chiến sĩ cơ động không có chuyên môn, có thể anh ấy học không kĩ càng một phần nội dung nghiệp vụ được đào tạo, nhưng hành động tức thời của anh ấy vẫn đáng quý vì nó thể hiện tấm lòng đẹp đẽ của anh dành cho một đứa trẻ xa lạ.
Thêm nữa, thời gian hai chiến sĩ cơ động nhận đứa trẻ được truyền tay từ trên khán đài xuống và đưa đến xe cứu thương chỉ vẻn vẹn 26 giây. Trong tay họ không có băng gạc hay vật mềm nào. Trận bóng thì vẫn đang diễn ra. Việc hai chiến sĩ một người ẵm một người cho tay vào miệng cháu bé đè lưỡi để chạy thẳng tới xe cấp cứu có thể chưa phải cách đúng nhất nhưng là cách hợp lý nhất trong hoàn cảnh đó. Họ vừa đảm bảo việc cứu người, vừa đảm bảo không làm ảnh hưởng tới an ninh sân cỏ, hay diễn biến trận đấu.
Phe lý trí lại cho rằng, nếu nhiệt tình mà thiếu kĩ năng thì không thể giúp người. Hành động của anh chiến sĩ cảnh sát cơ động Đẹp nhưng chưa Đúng, và nếu hình ảnh đó được lan truyền mà không có bất kỳ lưu ý y khoa nào thì rất nhiều người sẽ làm sai theo, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ảnh: Giang Nguyễn
Không có lập luận nào sai trong cả hai lập luận trên. Nhưng, thay vì bình tĩnh lắng nghe nhau, người ta chỉ còn lưu giữ trong đầu những từ ngữ tóm gọn đầy cảm tính và định kiến. Và thế là, từ một hành động tử tế mà ai cũng tán dương, mạng xã hội chia làm hai phe quăng vào nhau những chai lọ ngôn từ khiêu khích. Người phỉ báng khoa học bằng sự hỗn xược, quy về đạo đức giả, người mỉa mai cảm xúc bằng sự cao ngạo, quy về ngu dốt. Không ai chịu bình tĩnh lại, đọc hết những gì đối phương phân tích, nghe hết những gì đối phương chia sẻ, để thấy rằng thứ mà cả hai bên hướng tới chỉ là một: Đẹp và Đẹp hơn nữa.
Nó cũng tương tự như cuộc tranh cãi không hồi phân giải quanh chuyện cứu chú chó bị dán băng keo kín miệng đến hoại tử ở Bến Tre. Không ai phủ nhận hành động của đội cứu trợ động vật, nhưng người ta chỉ trích nhau chỉ vì tại sao cứu chó thì chia sẻ, tung hô còn cứu người thì thờ ơ, lãnh đạm. Hay chuyện những người đau xót cho nạn cháy rừng ở Hà Tĩnh chỉ trích những người khóc thương cho Nhà thờ Đức Bà ở Paris. Cả hai phe đều nhân danh lòng tốt, nhân danh sự tử tế, nhân danh yêu thương.
Nhưng trái đất có bao nhiêu tỷ người thì có bấy nhiêu tỷ quan điểm, góc nhìn. Mỗi người có một nhãn quan khác nhau, một tần số rung động khác nhau trước cuộc đời. Người ta có quyền yêu cái này mà chưa yêu cái kia, thích cái này mà chưa thích cái kia. Và chưa yêu, chưa thích không đồng nghĩa với phủ nhận.
Vậy thì bình tĩnh lại và nghe nhau nói được không? Nghe nhau nói để hiểu nhau hơn, để nếu cảm thấy chưa thể chấp nhận góc nhìn của nhau thì cũng không vội vàng phủ nhận. Trừ phi ai đó mượn chuyện bày tỏ quan điểm để nâng bản thân lên trên người khác, còn lại, nếu mục đích chỉ là góp một tiếng nói cho cuộc đời tốt đẹp hơn, chẳng phải tất cả chúng ta đều gặp nhau ở một điểm chung sao?