Mỗi bậc cha mẹ có các cách nuôi dạy con khác nhau ở các hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Nên đừng nhìn vào "trailer" đẹp long lanh của hàng xóm rồi so với "hậu trường" nhà mình; đừng vì những kinh nghiệm của dì Ba, chú Bảy mà hoài nghi năng lực làm cha mẹ của chính mình. Việc chúng ta cần làm, chỉ là nhìn vào đôi mắt trẻ thơ thôi…

"Tụi con chỉ vẽ chuyện, khoa học vớ vẩn, ngày xưa ông bà nuôi con dễ không, đứa nào đứa nấy như ngan như ngỗng, cứ thế mà lớn thôi!". Đã bao giờ bạn nghe thấy bố mẹ mình, hoặc một người lớn càm ràm mình như thế chưa? Nếu gạt bỏ sự khó chịu vì bị chỉ trích, bạn sẽ thấy lời họ nói có một sự thật: Xã hội càng hiện đại, chúng ta càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn "hoàn hảo" trong việc làm cha mẹ. Cùng với những tiêu chuẩn đó áp lực cũng ùa theo sau.

Chúng ta không bao giờ là bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất - Ảnh 1.

 Chúng ta sống trong thời đại công nghệ, trong thế giới phẳng, nơi biên độ "di chuyển" không chỉ gói gọn trong khái niệm vật lý nữa. Mạng xã hội và sự cởi mở của một thế hệ thích chia sẻ cuộc sống riêng tư khiến chúng ta dễ dàng nhìn vào nhà "hàng xóm" hơn. Đó không nhất thiết phải là người láng giềng có nhà sát vách, mà có thể là một ông bố, bà mẹ nào đó ở đầu kia đất nước, hoặc cách xa nửa vòng địa cầu,có thể là một ngôi sao nổi tiếng có con sàn sàn tuổi con chúng ta.

Ta thích thú với cuộc sống nhiều màu sắc của họ, ta ngưỡng mộ cách họ nuôi con, cách họ đầu tư cho con quần áo đẹp, cho chúng đi chơi, học trường sang xịn.Ta bị "bỏ bùa" với hình ảnh những đứa trẻ vui vẻ, có kỷ luật, ngưỡng mộ cách hot mom này, hot dad kia nuôi con nhàn tênh mà cửa nhà vẫn sạch sẽ, ngăn nắp…

Chúng ta không bao giờ là bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất - Ảnh 2.

 Cho đến khi, ta nhìn lại thực tế gia đình mình, trẻ con nhà mình mà cảm thấy… tủi thân. Dưới những bài đăng chia sẻ cách rèn con ngủ, những đĩa ăn rực rỡ đúng tiêu chuẩn các thực phẩm màu cầu vồng hay khoe thành tích của con ở trường, bên cạnh những ngưỡng mộ, bao giờ cũng là bình luận ngậm ngùi của nhiều người khác.

Thậm chí, nhiều người tự hoài nghi năng lực làm cha mẹ của mình. Sao người ta cũng có 24h như mình, mà chăm con khéo thế? Mình có lười quá không khi chỉ cho con ăn thực phẩm của gia đình? Có tận x đứa con mà người ta vẫn thảnh thơi nhỉ, trong khi mình 1 đứa đã bù cả đầu. Nếu mình kiếm được nhiều hơn, con sẽ được học trường tốt hơn…

Nhưng chúng ta quên mất một điều, những gì chúng ta xem chỉ là... trailer của nhà hàng xóm - nơi người ra đưa ra những điều tuyệt nhất, thành công nhất, đem so với "hậu trường" nhà mình, chẳng phải bất công quá sao? Những đêm mất ngủ, những bát đĩa ngổn ngang, những lúc tức giận muốn "xịt khói"... họ giấu tiệt đi rồi, ai mà kể cho chúng ta nghe?

Chúng ta không bao giờ là bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất - Ảnh 3.

 - Khi tôi chia sẻ hình ảnh con gái tôi lên mạng cho người thân và bạn bè cùng xem, có lúc mọi người khen ngợi, có lúc họ lại chê bai kiểu: "Lớn thế rồi vẫn dùng bỉm à, bố mẹ lười thế", "Ôi cho ăn ít thôi nhé, mới x tuổi đã mập thế này coi chừng béo phì", "Mẹ nó không biết buộc tóc à, toàn thấy tóc con như bú rù"... khiến bố con tôi rất buồn.

- Mỗi lần tôi đem con ra sân chung cư, thể nào cũng nghe các bà giúp việc quanh đấy bàn tán về cách nuôi con của nhà người khác: "Cô A con 3 tuổi rồi mà còn cho bú", "Anh B. toàn cho trẻ con đi xe thăng bằng lao dốc, nó mà ngã gãy chân gãy tay thì ân hận không kịp", "Trẻ con mẩn ngứa là bình thường, tắm lá mát là tịt, thế mà nhà C toàn vác đi viện, tốn bao tiền mua thuốc bôi, xong lại còn sữa tắm riêng, nước giặt quần áo riêng. Vẽ chuyện!".Những lời thú nhận ấy của các bậc cha mẹ có khiến bạn thấy quen quen không?Chúng ta không lạ gì sự va chạm giữa các thế hệ, đặc biệt là trong chuyện nuôi dạy, chăm sóc trẻ nhỏ nữa. Chúng ta đối mặt với điều đó mỗi ngày. 

Chúng ta không bao giờ là bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất - Ảnh 4.

 Khác với thế hệ trước kia, chúng ta được học hành nhiều hơn, có nhiều kiến thức hơn. Trước khi có con, có khi chúng ta đã nghiền ngẫm đủ loại sách hay, tham gia đủ thứ khóa học để trở thành cha mẹ hoàn hảo. Nhưng những khác biệt giữa lý thuyết và thực tế vẫn có thể xảy ra, khiến ta bối rối. Ta làm y như sách, nhưng kết quả lại… trật lất. Đó là lúc tự tin trong ta sa sút.

Cũng có đôi khi, người lớn tuổi với "hàng trăm năm kinh nghiệm" tác động vào cách nuôi dạy con của chúng ta, khăng khăng rằng "tao nuôi cả đàn con rồi, tao biết". Những lời khuyên đôi khi hữu ích, nhưng cái khoảnh khắc ta lao theo mọi kinh nghiệm xưa cũ mà không nghĩ gì nhiều, đó là khi ta ngầm thừa nhận mình "kém cỏi".

Áp lực trở thành cha mẹ hoàn hảo có thể đã làm ta quên mất rằng, không ai có thể trưởng thành nhờ kinh nghiệm của người khác, cũng như không cuốn sách nào có thể giúp ta "đọc vị" được một đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ là cả một thế giới đợi ta khám phá. Việc của ta không phải là trở thành cha mẹ hoàn hảo theo kiểu cha mẹ "nhà người ta", mà là lớn lên cùng con với sự tự tin và háo hức.

Chúng ta không bao giờ là bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất - Ảnh 5.

Chúng ta không bao giờ là bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất - Ảnh 6.

 Theo chỉ số về nuôi dạy con thời hiện đại mang tên The Parenting Index (TPI) của Tập đoàn Nestlé cho thấy, 1/3 số cha mẹ trên toàn cầu cảm thấy lạc lõng dù sống trong thế giới đầy sự kết nối. Theo nghiên cứu này, yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con chính là áp lực, chiếm 23% trong tổng số.

Việc gánh vác trách nhiệm nuôi con, cảm giác hụt hẫng và lo sợ hay những tác động từ bên ngoài khiến nhiều người áp lực hơn trong hành trình làm cha mẹ. Không chỉ thế, nhiều người trong chúng ta còn tự áp lực với chính mình. Chúng ta kỳ vọng mình sẽ có một đứa trẻ ngoan và hạnh phúc, nhưng thực ra, sâu bên trong, chúng ta đang đặt kỳ vọng mình sẽ trở thành bậc cha mẹ hoàn hảo.

Thử nghĩ xem nào, bạn sẽ tìm thấy những bậc cha mẹ hoàn hảo ở đâu? Sự thật là không ai hoàn hảo cả, mà chỉ có tình yêu thương hoàn hảo. Bạn có thể không giàu có, không khéo tay, không nhiều tài lẻ… như "người ta", nhưng bạn luôn có tình yêu hoàn hảo dành cho con mình. Không ai trên đời có thể yêu thương những đứa trẻ của bạn một cách trọn vẹn, ngoài chính bạn, đó là sự thật không thể chối cãi!

Chúng ta không bao giờ là bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất - Ảnh 7.

 Bạn sẽ làm điều ấy thế nào đây, nếu bạn không hoàn hảo? Hãy bỏ khái niệm đó ra khỏi đầu đi, vì chỉ cần yêu con theo cách của chính mình và phù hợp nhất cho con, thế là đủ. Chỉ cần bạn lắng nghe những nhu cầu của con và đáp ứng chúng trong khả năng của mình, thế là đủ. Tình yêu và sự tự tin của cha mẹ khi nuôi con là đủ hoàn hảo với đứa trẻ rồi.

Những kiến thức, những góp ý, hỗ trợ từ bên ngoài cũng cần thiết, nhưng chỉ nên là gợi ý cho cha mẹ để chọn ra cách chăm con thích hợp nhất thôi. Thay vì tìm kiếm sự hoàn hảo, hãy tìm sự "vừa vặn", tức là trạng thái mà cha mẹ được thoải mái nuôi con không áp lực, con được sống trong sự ấm áp và bình yên.

Chúng ta không bao giờ là bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất - Ảnh 8.