Sắp đến kỳ chính đông mà nền nhiệt ở miền Bắc nửa sau tháng 11 có lúc lên đến 30 độ C, mặc chiếc áo sơ mi hơi dày một chút cũng đổ mồ hôi. Vài đợt không khí lạnh được dự báo cũng chỉ sượt qua nhẹ nhàng đủ để làm mát. Nhiều người phải than sao mùa đông mà oi bức như mùa hè!
Đông nóng, hè lạnh vốn là điều kỳ quái, trái tự nhiên. Nhưng hiện tượng này đã dần trở thành bình thường trong những năm gần đây. Nhớ lại thời gian này cách đây một năm, các chuyên gia cũng bận bịu trả lời thắc mắc của người dân về việc tại sao lập đông đã lâu mà nền nhiệt vẫn cao.
Lùi lại những năm trước nữa, sẽ thấy những dự báo kiểu “mùa đông tới sẽ ấm nhất từ trước đến nay”, “mùa đông năm nay sẽ ấm hơn”… cứ đến hẹn lại được đưa ra. Những ghi nhận thời gian qua cho thấy mùa đông có xu hướng ngắn lại do đến muộn và đi sớm, nhiệt độ trung bình cao lên, số ngày rét đậm ít đi.
Theo thống kê gần 60 năm qua, số đợt không khí lạnh từ Siberia tràn xuống nước ta ngày càng giảm mạnh, trong vòng 10 năm trở lại đây chỉ còn trung bình 25 đợt mỗi năm thay vì 29-30 đợt của trước kia. Đó là biểu hiện của sự nóng lên toàn cầu - một quá trình không thể đảo ngược do những điều mà con người đã làm với thiên nhiên.
Với đà này, chúng ta sẽ phải chấp nhận một thực tế rằng miền Bắc sắp không còn mùa đông nữa. Hay nói đúng hơn, mùa đông có thể sẽ là tập hợp kỳ quái những đợt nóng bức xen với một số ngày rét cắt thịt, cũng như mùa hè trở nên bất thường với cảnh mặc áo khoác co ro bên cạnh những ngày nóng đến mức chỉ hít thở cũng thấy phổi như sắp bốc cháy.
Nếu ai nghĩ đây chỉ là lời cảnh báo xa xôi thì họ đã nhầm. Ngay cả ở châu Âu, mùa đông cũng được giới khoa học dự báo là có thể biến mất sau 5 thập kỷ tới.
Và bạn đừng nghĩ không còn mùa đông chỉ là chuyện nóng hay lạnh, mặc nhiều lên hay ít đi một vài lớp áo. Sự dị thường, quái gở của thời tiết chính là hồi còi báo cháy mà thiên nhiên dóng lên để chúng ta biết rằng, Trái đất – chốn địa đàng được ban cho loài người – đang bị phá hủy đến mức trong tương lai không quá xa xôi, nhân loại sẽ không còn chốn dung thân.
Rất nhiều dấu hiệu khác cũng đã được mẹ thiên nhiên gửi đến thời gian qua mong con người thức tỉnh: Thời tiết kiểu “hỏa diệm sơn” vào mùa hè 2022 khiến hàng chục nghìn người chết vì nóng ở châu Âu - nơi có khí hậu ôn hòa, lý tưởng nhất thế giới; những trận lụt như hồng thủy kéo theo sạt lở kinh hoàng cướp đi bao sinh mạng và công trình ở khắp địa cầu; cháy rừng khốc liệt tại mọi châu lục… Đến cả Bắc Cực băng giá vô tận cũng ngùn ngụt bốc cháy, khiến người người kinh hãi cảm thấy ngày tận thế chẳng còn xa!
Những ngày này, các nhà hoạt động và người quan tâm đến môi trường trên thế giới đang hướng tới Hội nghị COP-28 diễn ra ở Dubai. Trong khi đại diện của gần 200 quốc gia đàm phán, thảo luận về việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra và cách thích ứng với sự ấm lên của Trái đất, mỗi người dân bình thường nên nghĩ về những việc cụ thể, thiết thực mình có thể làm.
Bạn có thể làm chậm quá trình nóng lên của Trái đất bằng những việc rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày: Tắt bớt một bóng đèn không cần thiết, bớt đi vài lần một mình “cưỡi” cả chiếc xe hơi ngốn xăng, giảm một tờ giấy ăn dùng vô tội vạ, trồng thêm vài cái cây cho không gian sống của mình, vặn vòi nước để tránh thất thoát, mang theo làn đi chợ thay vì dùng túi nylon…
Chúng ta mơ ngày di cư lên sao Hỏa hay một hành tinh mới nào đó thay cho Trái đất bị tàn hại đến mức sắp không còn thích hợp để sống. Nhưng nếu hôm nay bạn vẫn còn để bình nóng lạnh bật cả ngày hay làm những việc bức hại môi trường “nho nhỏ” tương tự thì cũng không cần nghĩ đến chuyện bước ra vũ trụ làm gì, bởi loài người sẽ diệt vong trước đó rất lâu.
Biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược nhưng nỗ lực làm chậm tốc độ của nó là chuyện sống còn ngay từ giây phút này. Thời điểm tận thế không phải do đấng toàn năng nào lựa chọn, mà ngày đó đến sớm hay muộn là do chính chúng ta.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.