Chúng ta sinh ra gần như là để xa nhà...

Giờ này là thời khắc mà bất cứ ai cũng có thể nói những từ liên quan đến "Tết". Nào là sắm đồ mặc Tết, nào là đi chơi Tết, nào là mua vé về Tết. Trần trụi hơn, thì có hai từ luôn văng vẳng: "nghỉ Tết" và "thưởng Tết".

Hôm nay, xét về lịch âm, đã bước sang ngày mùng 2 âm lịch của tháng cuối cùng trong năm cũ. Tức là thời khắc để ta đếm ngược việc... đến lúc nào thì được nghỉ Tết. Ông bạn tôi đã lên sẵn kế hoạch Tết này sẽ đi những đâu, làm những gì. Cậu em thì chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt bố mẹ về nàng dâu tương lai và đang chuẩn bị các "bài" thuyết phục nhất để phụ huynh không có chút "lăn tăn" nào về cô con dâu "thời đại mới". Đứa em làm cùng thì đang nghĩ rằng, sẽ ăn Tết ở quê chồng từ ngày nào đến ngày nào, làm những gì và về ăn Tết cùng bố mẹ khi nào.

Chúng ta sinh ra gần như là để xa nhà. Bạn có thể muốn bỏ Tết, tôi thì không! - Ảnh 1.

Dù bạn thích hay không thích Tết, thì nó đang về dần dần trong cuộc sống của bạn. Khắp các con đường, những quầy trang trí Tết với tông màu đỏ đã rực phố. Những túi quà cuối năm đã in thêm dòng chữ nghiêng nghiêng "Chúc mừng năm mới". Nhân viên ngân hàng bận rộn thêm một chút về việc đổi tiền lẻ. Các trang đăng ký vé tàu, vé máy bay Tết cũng nghẽn hơn một chút vì lượng truy cập nhiều.

Việt Nam, dù khí hậu hai miền rất rõ nét nhưng mỗi miền cũng đã có một không khí Tết riêng đang thập thò ngoài cửa. Một miền Bắc mưa phùn lép nhép kéo theo những màn sương chiều. Trong cái thời tiết ấy, đâu đó những chiếc xe chở hoa đào đã rải rác khắp các con phố cũ. Một miền Nam nắng đã rất vàng, lác đác trên các vườn phố, những sắc vàng của mai đã bắt đầu khoe. Những bà bán cây kiểng dạo đã bắt đầu chở những chậu cúc vàng rực, những chậu hướng dương đi bán.

Cũng chẳng cần nghe mấy bài nhạc hơi gường gượng bằng chữ "Tết" cho xôm, cũng chẳng cần chờ đến ngày bắn pháo hoa thì mới là Tết. Abba đã hát "Happy New Year"...dành cho người Việt cũng đã mấy ngày rồi. Và những suy nghĩ như mặc định rằng vâng, chúng ta đang ở thời khắc cận Tết và chẳng bao lâu nữa điều đó sẽ đến, đã thường trực lắm rồi.

Bạn đang nghĩ gì? Tôi thì nghĩ, chúng ta, những người Việt như có sẵn cung "thiên di" ở bản mệnh. Chúng ta sinh ra gần như là để xa nhà, xa quê học hành lập nghiệp. Chúng ta làm lụng cả năm cho tương lai của mình và cũng dành một quỹ thời gian khá ổn định cho chốn chúng ta về. Đó là Tết.

Và Tết là để về với những gì thân thuộc

Tôi sinh ra ở miền Bắc, là một đứa con tha phương, có thể sớm hơn các bạn, từ năm tôi 10 tuổi, hết Hà Nội đến Sài Gòn. Tôi hiểu rất rõ cái sự đi và thời khắc trở về.

Những ngày này, tôi ngồi ở Sài Gòn, mà lòng đang nghĩ về cái vườn rau xanh mướt của mẹ, với những lá xà lách quăn quăn, lá mùi thơm ngát, với bát nước sốt cà chua đỏ mọng, chấm chấm, cho vào miệng, trong cái lành lạnh trời Bắc. Mẹ tôi hay làm món nước sốt đó cho cả nhà, trong các bữa cơm cuối năm. Ở miền Bắc, nhiều người cũng biết món này.

Mỗi năm, tôi về nhà khá nhiều lần. Tôi thường lên kế hoạch trước và săn vé rẻ để về. Nhưng không vì thế mà tôi không nao nao lòng mình trong những thời khắc này khi nghĩ về một chuyến nghỉ dài sắp tới.

Tôi đang lên các kế hoạch cho kỳ nghỉ đó của mình. Bắt đầu bằng việc cùng anh chị và các cháu ra nghĩa trang lau chùi những ngôi mộ của tổ tiên ông bà. Sẽ ghé vào bia mộ của bố để báo cáo tình hình một năm cho bố biết.

Rồi chỉnh trang lại ngôi nhà cũ của mẹ, soạn lại căn phòng sinh hoạt chung của đại gia đình để họp mặt vào dịp Tết; dẫn mẹ và các cháu đi siêu thị sắm đồ mới. Sau đó, tranh thủ những ngày cuối năm, thăm lại thầy cô giáo và bạn bè cũ.

Thèm lắm cái ngày giáp Tết, bò lên đường đê Yên Phụ chọn một cành đào, mua ít hoa Lay - ơn, ít Violet tím đưa về nhà. Trong cái mưa phùn phây phây, nhìn anh trai gói bánh chưng, chị dâu dọn nhà, thằng cháu cầm cái bình tưới mấy bụi hoa hồng vừa trồng. Rồi cả nhà chung bữa ăn, trong cái gian nhà gỗ cũ ấy.

Chúng ta sinh ra gần như là để xa nhà. Bạn có thể muốn bỏ Tết, tôi thì không! - Ảnh 2.

Nhà tôi xứ Bắc, cha mẹ dạy con sống theo nếp cổ truyền rất kỹ. Chúng tôi được lớn lên trong lễ nghĩa để rồi đi khắp mọi nơi, lại tự hào về cái lễ nghĩa ấy. Tôi xem đó là thứ tài sản vô hình để phân biệt điểm khác biệt giữa người Việt chúng ta với những bạn bè đến từ những quốc gia khác.

Dù tôi có nhiều kỳ nghỉ trong năm, cũng có một số thời khắc sống trọn vẹn với gia đình của mình, nhưng với tôi, Tết vô cùng quan trọng. Đó là một dịp dài dài cho mẹ gặp các con, một dịp dài dài để hương khói tổ tiên, thăm mộ ông bà. Là một dịp dài dài để gặp lại một số người xưa bạn cũ. Và cũng dịp dài dài để biết mình có bao nhiêu cháu chắt, chúng đã lớn như thế nào rồi.

Thế đấy, Tết với tôi là những gì thân thuộc. Mà chúng ta sẽ ra sao, nếu cuộc sống mất dần đi những điều thân thuộc?

Bạn có thể muốn bỏ Tết, tôi thì không!

Ừ, tôi người Việt, sống hơi hướng cổ nên hơi âm lịch một chút, có thể trong mắt một số người là vậy. Trước đây, tôi từng ghét Tết, rất ghét. Là lúc tôi 20 tuổi, tôi tranh thủ những dịp Tết để xách ba lô lên và đi đến những nơi tôi thích. Hồi đó, tôi muốn phản đối việc cả nhà, thậm chí cả họ ăn uống linh đình để cho hai bà chị dâu xuống bếp dọn rửa hết số bát giữa trời đông lạnh cóng, đến gần 11 giờ đêm mới xong. Tôi từng muốn phản đối những lời chúc tụng giao đãi, những quà cáp lễ lạt không cần thiết, những toan tính thiệt hơn trong những chuyến viếng thăm nhau.

Tôi từng chọn những cái Tết xa nhà. Rồi có một lần ăn nhậu bia bọt trong đêm giao thừa mà không phải nhà mình, tôi lặng lẽ đi ra phía sau tự hỏi mình: Giờ này bố mẹ chắc vẫn thức chờ con gọi điện phải không? Giờ này bố mẹ cũng muốn nhìn thấy con và nói một lời chúc nào đó tốt nhất cho con, phải không? Và muốn khóc.

Chúng ta sinh ra gần như là để xa nhà. Bạn có thể muốn bỏ Tết, tôi thì không! - Ảnh 3.

Tôi nhấc điện thoại, bố mẹ đang chờ tôi gọi. Và đang chờ tôi để nói lời chúc. Không trách móc, không đặt những câu hỏi có hàm ý xa xôi rồi quay về sự trách. Vì bố mẹ luôn muốn tôi có một năm mới thật vui.

Những năm sau đó cho đến bây giờ tôi không chọn Tết xa nhà nữa. Tôi cùng mọi người chia việc để các chị dâu không một mình gánh vác hết các việc vặt. Tự tôi làm các món ăn thết đãi bạn bè và người thân. Tôi tranh thủ tối đa những ngày nghỉ để sống cho gia đình, chăm sóc, thăm hỏi những người thân và huy động những bữa cơm sum họp. Từ đó, gia đình tôi có những ngày quần tụ thật ý nghĩa, những đợt Tết về.

Chúng ta sinh ra gần như là để xa nhà. Bạn có thể muốn bỏ Tết, tôi thì không! - Ảnh 4.

Tôi nhớ một lần phỏng vấn quán quân Olympia Lê Vũ Hoàng, hỏi về cái Tết, em nói rằng "hội Olympia Úc Châu" năm nào cũng tụ họp lại, tự gói bánh chưng, làm giò, làm mứt để đón Tết. Và đúng thời khắc giao thừa, mọi người đều gọi điện về cho người thân. "Việc gọi thì tuần nào cũng gọi nhưng gọi trong thời khắc đó vô cùng ý nghĩa. Ý nghĩa vì mình là người Việt, mình chỉ có một dịp để gia đình sum vầy được trọn vẹn nhất. Bọn em ở xa hơi thiệt thòi, nhưng lòng luôn hướng về thời khắc đó", Hoàng nói.

Giao thừa năm ngoái, tôi được mời tham gia một cuộc toạ đàm trực tuyến, với nội dung nên bỏ Tết hay nên giữ Tết, nên gộp Tết âm lịch với Tết dương lịch hay không. Tôi đồng ý gộp nhưng không được bỏ Tết. Tôi muốn giữ lại tất cả những cuộc sum họp thân mật mà trong cuộc sống bận rộn này không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội. Tôi muốn dù đi đâu, người Việt chúng ta cũng cần có suy nghĩ cho những chuyến về.

Chúng ta sinh ra gần như là để xa nhà. Bạn có thể muốn bỏ Tết, tôi thì không! - Ảnh 5.

Thế thôi, cũng tạm đủ những giây phút ý nghĩa đi qua cuộc sống này, của một cuộc đời, một thân phận người Việt trong mình.

Chúng ta bôn ba, chúng ta thành công, chúng ta có danh vọng, suy cho cùng sẽ còn ý nghĩa nhiều không nếu sợi dây thân tình lỏng lẻo và những giá trị cội nguồn bị đứt đoạn?

Tôi là người Việt, tôi mang tâm hồn người Việt. Nếu bỏ Tết, cái tâm hồn ấy sẽ trở nên công nghiệp.