Yêu thương con cái, có lẽ là tình cảm tự nhiên của bất cứ ông bố bà mẹ nào. Tuy nhiên, không ít người đang yêu thương con sai cách. Ví dụ, họ cho rằng mình phải bắt con làm việc A, việc B vì đó là việc tốt, có thế con mới nên người. Con trẻ có khi nghe lời, có khi không, còn cha mẹ sẽ sử dụng những lời nói đe dọa, trách móc, thậm chí là đòn roi để ép con vào khuôn khổ.

Cách giáo dục của mẹ khiến cậu bé tiểu học tổn thương, chỉ thấy vui vẻ khi ra ngoài chơi

Trong tập 3 của chương trình "Cha mẹ thay đổi" mới phát sóng tối thứ 2, 30/12 là câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Liên (Văn Lâm – Hưng Yên) cùng cậu con trai cả tên thường gọi là Tí. Chị Liên là người phụ nữ "thép", thường xuyên gào lên sai bảo, trách móc, dọa nạt con. Còn Tí không biết bao nhiêu lần phải rơi nước mắt khi mẹ mắng, mẹ đánh...

Một ngày như nhiều ngày, chị Liên thấy mặt cậu cả liền đưa ra lời sai khiến: "Mang quần áo đi phơi đi, nhanh, khẩn trương!".

Tí từ trên cầu thang ngó xuống, cự lại: "Mẹ bảo con lên tầng xếp sách vở rồi mới xuống phơi quần áo mà!".

Mẹ không giải thích lý do mà khá ngang ngược và độc đoán ra lệnh: "Thay đổi ý định rồi. Bây giờ xuống phơi quần áo!".

Cha mẹ thay đổi: Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 1.

Biểu cảm và cử chỉ quen thuộc của chị Liên mỗi khi ra lệnh, quát mắng cậu con trai đầu lòng.

Sau đó là sự vùng vằng chống đối của Tí, nhưng mẹ Liên rất biết cách khiến con trai ngang bướng phải nghe lời: "Có xuống không? Đếm đến 3 không xuống thì cứ liệu hồn".

Rồi chị chỉ tay vào mặt con, đếm chậm rãi tới 3 thì cậu bé cũng chịu làm. Nhưng Tí bật khóc và miễn cưỡng. Vừa ra ngoài sân, cậu bé vẫn vùng vằng nói: "Mẹ là đồ nói dối", "Con suốt ngày phải làm cho mẹ con chẳng được lợi ích gì", "Từ lúc con sinh ra tới giờ, mẹ chẳng mua cho con đồ chơi gì hết"...

Cha mẹ thay đổi: Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 2.

Cậu bé tiểu học ngồi thu lu trong góc.

Sau khi những cảm xúc bị dồn nén được bộc phát ra, Tí đã bỏ đi lên phòng riêng, mặc kệ việc phơi đồ mà mẹ giao. Khi tới cầu thang thấy cậu em trai đang lò dò đứng ở đó, Tí chẳng nghĩ gì mà đập "bộp” vào lưng em. Dường như cậu bé tiểu học coi đó như 1 vật trút giận, giải tỏa những bức bối và phẫn nộ trong lòng. 

Mẹ phì cười lên ôm và dỗ em trai, hỏi: "Thằng bé nó làm gì mà đánh nó", Tí trả lời 1 câu khiến nhiều khán giả bất ngờ: "Cho nó chết luôn đi".

Rồi chị Liên ôm và dỗ dành cậu em nhưng lại không thấy được nỗi đau của cậu anh. Không một ai đến an ủi vì thế cậu bé ngồi 1 mình trong góc tối tự đánh mình, giọng điệu rất phẫn uất: "Thằng cu làm đi, giỏi thì cho thằng cu làm đi", "Bé cũng phải làm", "Đập chết thằng bé đi".

Chị Liên chỉ cười, ngước lên nhìn cậu con trai cả và bảo: "Tị đấy! Cứ nói được 3 câu là lại thế đấy!".

Cha mẹ thay đổi: Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 2.

Rõ ràng là chị Liên không hề cảm nhận được bất cứ cảm xúc gì từ con. Thậm chí, ngay cả câu nói rất vô tình từ Tí dành cho em trai, chị cũng không ý thức được nó thật nguy hiểm...

Có lẽ, chị chưa nhận ra sâu sắc được cách giáo dục của mình ảnh hưởng tới tính cách, hành động của con trai như thế nào!

Trút giận lên người em nhỏ mỗi khi bực bội

Cuộc sống thường ngày của gia đình chị Liên thật không êm ả. Những tiếng quát mắng của mẹ, tiếng khóc lóc, cãi cọ từ con khiến không khí thật căng thẳng. 

Chị Liên ý thức được gia đình không hạnh phúc: "Nhiều lúc cũng chán lắm, đi làm còn tốt hơn ở nhà", nhưng chính chị cũng không biết phải làm sao. 

Và cuộc sống cứ tiếp diễn... Chị sai con trai đi nấu cơm, cậu bé vùng vằng: "Nấu cơm có phải việc của con đâu. Mẹ con toàn bắt nấu ăn thôi".

Cha mẹ thay đổi: Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 4.

Chị sai Tí rửa bát, cậu bé lại khóc lóc, những giọt nước mắt của sự ấm ức, tức giận: "Giúp đỡ mẹ 1 tuần chắc con chết. Cái nhà gì chỉ toàn chửi chửi. Chẳng sai cũng chửi".

Mỗi lần như thế, chị Liên cũng chỉ quay lưng mặc kệ Tí khóc. Chính những sự việc nho nhỏ gộp lại thành to to, tạo nên sự tổn thương cảm xúc trong lòng đứa trẻ đang độ tuổi tiểu học.

Thế nên, Tí tỏ ra khá bất cần: "Không cần học. Mẹ bảo không cho học thì con không cần đi, mẹ đốt sách đi". 

Nhưng suy nghĩ của Tí về gia đình mới thật đáng báo động. Khi được hỏi, "Có khi nào con thấy yêu em không?", cậu bé lắc đầu và dứt khoát: "Không".

"Có khi nào con thấy bố mẹ yêu con không?" - vẫn câu trả lời không cần 1 giây suy nghĩ "Không".

Cha mẹ thay đổi: Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 5.

Và cách đối xử của Tí với em trai cũng đáng quan ngại. Khi em làm sai, cậu bé liền túm lấy cổ áo, mắng mỏ hệt như cách mẹ đã làm với cậu. Thậm chí, Tí còn xô em ngã và khóc ré lên. Cậu bé tiểu học vẫn dửng dưng: "Ai bảo nó nghịch!".

Không chỉ vì không dành tình yêu cho em trai, hành động của Tí rõ ràng còn bởi vì cậu chứng kiến mẹ làm như thế. Đó chính xác là điều cậu bé học được từ cha mẹ mình: Đánh người khác khi cảm thấy bực bội, vì không biết 1 cách nào khác để giải tỏa.

Cha mẹ thay đổi: Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 6.

Tí túm cổ áo và xô em trai ngã, khi có người ngăn cản cậu bé vẫn không buông ra.

Giáo sư Peck Cho (ĐH Hàn Quốc, Ủy viên Hội đồng cố vấn chính sách – Bộ Giáo dục Hàn Quốc) cho biết, cách giáo dục của chị Liên còn gọi là "cây gậy", tức là cứng rắn để dạy con. Tuy nhiên, đánh con chỉ khiến cho trẻ trở nên cứng rắn chứ không kiên cường. Và trẻ dễ bị "gẫy" khi gặp vấn đề.

Ông cho rằng việc đánh con không phải cách hiệu quả để những đứa trẻ thành công và hạnh phúc mà vì nó rất tiện. Không chỉ thế, giáo dụng bằng đòn roi còn có nhiều tác hại khôn lường tới sự phát triển tính cách đứa trẻ.

Chương trình "Cha mẹ thay đổi": Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 7.

Sự thay đổi của người mẹ khiến cậu bé từng không yêu em lại thích chơi với mẹ và em

Giáo sư Pek Cho cũng tư vấn thêm về phương pháp giáo dục cây gậy - củ cà rốt. "Thường cha mẹ sẽ có 2 phương pháp: kẹo ở bên tay này và roi ở bên tay kia. Nếu con làm tốt, ngoan ngoãn sẽ được thưởng kẹo. Ngược lại, con sẽ bị phạt nếu học kém, không nghe lời. Và điều cha mẹ cần làm đó là áp dụng phương pháp này một cách hợp lý" - giáo sư cho biết.

Chị Liên đã dần thay đổi, học cách khích lệ và gắn kết cảm xúc với con trai nhiều hơn. Từ những cuộc cãi vã vô hồi mỗi khi đụng mặt, Tí đã chạy tới bên mẹ một cách rất tự nhiên. Thậm chí, từng không thích ở nhà, Tí giờ lại luôn trông chờ được chơi với mẹ và em trai mỗi tối. 

Cha mẹ thay đổi: Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 8.

Chia sẻ về bí quyết, chị Liên hào hứng chia sẻ: "Anh ấy đang hào hứng vì chiến thuật mới. Mỗi tháng sẽ dành 1 khoản tiền khi con làm việc nhà".

Bên cạnh đó, chị Liên đã trở nên nhẹ nhàng, quan tâm tới cảm xúc của con trai hơn rất nhiều. Khi cậu bé tự hái hoa thiên lý, chị đã đưa ra lời khen ngợi một cách hào hứng: "Tự hái luôn? Tự biết chăm sóc bản thân!".

Dù thế, giáo sư Pek Cho vẫn đưa ra một số góp ý cho chị Liên như cần tôn trọng trẻ, lắng nghe để đồng cảm.

Làm cha mẹ chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng nếu cha mẹ lắng nghe cảm xúc của con, tôn trọng và bình tĩnh với con, có lẽ mọi vấn đề giữa hai bên cũng dễ dàng được giải quyết!

Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.

Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.

Cha mẹ thay đổi: Bị mẹ tối ngày dọa "đánh chết", cậu bé 9 tuổi trút giận lên người em và nói 1 câu điếng người - Ảnh 10.