Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình giáo dục phổ thông mới) được ký ban hành năm 2018, bắt đầu đưa vào thực hiện từ năm 2020. "Cho đến nay, có thể nói chương trình mới đã được triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch và đồng bộ ở tất cả 63 tỉnh thành với quyết tâm cao.
Dù trước mắt còn nhiều vướng mắc, khó khăn nhưng cũng đã đạt được những mục tiêu cơ bản", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Không có nguồn để tuyển giáo viên
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, các địa phương đã quan tâm nhiều đến việc đầu tư cơ sở vật chất để tăng tỉ lệ học sinh được học hai buổi/ngày; phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập tiếp tục được nâng cấp, xây dựng thêm và ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được quan tâm và triển khai thực hiện. Tỉ lệ giáo viên phổ thông đạt trình độ chuẩn đào tạo theo Luật giáo dục 2019 năm học 2021 - 2022 theo từng cấp học như sau: tiểu học là 75,3%, THCS là 86,4%, THPT là 99,9%.
Bộ GD-ĐT đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đã đạt được kết quả tích cực, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng cao; sự công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục từng bước được cải thiện...
Tại hội nghị, đa số lãnh đạo các sở GD-ĐT đều phát biểu là các địa phương hiện đang thiếu rất nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo viên bậc mầm non, tiểu học.
Không những thế, các địa phương còn đang phải đối mặt với tình trạng giáo viên nghỉ việc ngày càng tăng, việc đấu thầu để mua trang thiết bị, biên soạn và in ấn tài liệu giáo dục địa phương đang gặp trở ngại... gây ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình mới.
Một số đại biểu phản ánh việc giảng dạy môn khoa học tự nhiên lớp 6, 7 gặp khó do giáo viên chỉ được đào tạo giảng dạy đơn môn, hoặc lý, hoặc hóa hoặc sinh thì nay phải dạy cả ba môn này trong môn khoa học tự nhiên, giáo viên bộ môn ở bậc tiểu học hiện đang phải thực hiện quá nhiều tiết nghĩa vụ đồng thời phải làm quá nhiều sổ sách...
Không để giáo viên cô đơn
"Tỉnh chúng tôi hiện đang thiếu 1.100 giáo viên, các cấp học đều thiếu nhưng thiếu nhiều nhất là giáo viên bậc mầm non. Vấn đề ở chỗ là chúng tôi không tuyển dụng được giáo viên do không có nguồn tuyển, đặc biệt là vùng sâu vùng xa rất khó tuyển giáo viên" - ông Phạm Ngọc Hải, giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh, nêu ý kiến.
Tương tự, bà Trần Thị Ngọc Châu, giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng thông tin: "Chúng tôi thiếu giáo viên là do nguồn tuyển không đạt được chuẩn như yêu cầu".
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Ngoài việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, tay nghề cho giáo viên, phải tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho các thầy cô giáo. Hiệu trưởng cần hiểu, cần có sự động viên, chia sẻ kịp thời với giáo viên để tạo động lực cho họ cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Bộ GD-ĐT đã chọn khâu đổi mới quản lý là khâu đột phá là vì vậy. Chứ tôi biết ở một số trường, hiệu trưởng như một ông vua con, bắt giáo viên làm này, làm kia khiến các thầy cô bức xúc".
Cần hướng dẫn sớm
Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn sớm trong việc thi học sinh giỏi bậc THCS. Ở bậc THCS, học sinh học môn khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý nhưng khi lên THPT thì lại tách ra thành môn lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý riêng biệt. Các lớp 10 chuyên cũng tuyển riêng. Vậy học sinh THCS sẽ thi học sinh giỏi môn gì và thi như thế nào?
Ông Đào Đức Tuấn (giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định)