Nếu có một điều ước, lũ nhỏ chắc sẽ ước nhà chúng không còn nghèo!
Nếu có một điều ước, lũ nhỏ chắc sẽ cầu mong cha chúng khỏi bệnh!
Nếu có một điều ước, lũ nhỏ chắc sẽ nguyện cầu mẹ chúng một đời sung sướng!
Và nếu có một điều ước, lũ nhỏ chắc sẽ...
An, Công, Tình (tên 3 bé đã được thay đổi) được người dân sống ở khu vực đường An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) đặt cho cái biệt danh chẳng "oai phong" gì cho cam.
"3 đứa chúng nó hở? Là những đứa trẻ nhặt rác! Nhà chúng ở trong con ngõ kia kìa, cả xóm ai cũng biết" - chị Sáu đáp gọn lỏn trong khi tay đang lia lịa xếp mấy thùng giấy. Chị mặc bộ đồ lao công, làm nghề nhặt rác y như 3 anh em nhà An. Xung quanh chị và lũ nhỏ mùi xú uế cứ bủa vây, đứng ở cái nơi tập kết rác này chỉ 5 phút thôi đã không chịu được rồi.
"Nói chứ cái nghề này không có gì mà vinh dự với cả tự hào, khổ nên phải làm thôi!".
2 đứa trẻ phụ mẹ nhặt rác mỗi tối.
Bên cạnh chúng là chị Sáu - nữ "đồng nghiệp" tốt bụng.
Chuyện anh em nhà An, Công và Tình
Chị Sáu kể, hồi tối chị bán thịt đầu xóm còn đúng 10 xiên thịt nướng là hết hàng. Chị bán thịt nài nỉ chị Sáu: "Mua đi, tôi lấy giá rẻ cho". Nghĩ một mình ăn không nổi 10 que xiên, lại nhân tiện có thằng Công với thằng Tình, chị Sáu mua thịt chia cho chúng nó cùng ăn. Còn riêng thằng An (anh cả, 15 tuổi) dạo này đã đi làm công việc khác nên buổi tối không đi nhặt rác nữa. Trước đây, An có "thâm niên" 4, 5 năm trong "nghề"!
Đợt này sắp nghỉ hè, 2 anh em Công và Tình càng tích cực phụ giúp mẹ bán ve chai. Sáng tụi nhỏ đi học, tối ra bãi tập kết rác mót từng cái vỏ lon, thùng giấy. Công việc của chúng bắt đầu từ 7h tối đến 10h30 đêm, đều đặn hôm nào cũng thế. Người dân sống quanh đây đã quá quen mặt 2 đứa trẻ lém lỉnh. Thỉnh thoảng đi qua, họ lại hỏi bâng quơ: "Nay nhặt được nhiều không mấy đứa?".
Công đang xếp mấy hộp giấy phụ chị Sáu.
- "Nè, mẹ 2 đứa đâu?". (Chúng tôi mở lời).
- "Đi hò ve chai rồi chị".
- "Thế tụi em đã ăn cơm chưa?".
- "Ăn xong rồi mới đi nhặt rác á".
Lũ nhỏ không giấu diếm việc phải đi bới rác giúp mẹ kiếm đồng tiền mỗi ngày. Có thể một phần chúng đã quen, phần nhiều vì khổ nên đành chấp nhận. Một khi no cái bụng rồi, tụi nhỏ tay không "bắt" rác. Không đồ bảo hộ, thỉnh thoảng có thêm đôi găng tay ni lông mỏng là quá ổn, còn đâu 2 anh em cứ lao vào bới đống đồ lên không cần suy nghĩ quá nhiều.
Hễ người dân ném cái túi vào thùng rác đánh tiếng "bịch" rõ to, Công và Tình lại chia nhau "khám phá" xem có gì trong đó. À vỏ chai, lon nước, đồ nhựa,... chúng sắp xếp lại rồi để riêng một chỗ, chờ mẹ tới cùng "hốt" đưa về nhà.
Còn Tình tranh thủ ngồi nghỉ nơi kệ đựng thùng rác.
Chỗ tập kết rác mùi thì hôi thối ghê đó, nhưng chả hiểu sao thằng Tình ham chơi. Hình như nó nghĩ đây chính là một sân chơi dành riêng cho anh em nhà nó. Cái kệ sắt đựng thùng rác cậu út cũng nhảy lên nhảy xuống đùa nghịch được.
"Ơ, hai anh em mày lại giúp chị xếp mấy cái thùng giấy đi chứ, chơi hoài", chị Sáu giọng "van xin" hai đứa nhỏ. Thường thì, Công và Tình cũng luôn tay luôn chân phụ giúp các anh chị lao công những lúc xử lý, phân loại rác thải.
2 anh em chúng nó hớn hở trêu đùa.
Những ước mơ theo gió bay lên cùng những vì sao
Tôi hỏi chị Sáu về hoàn cảnh của lũ nhỏ. Chị kể bố chúng bị bệnh nên mất khả năng lao động, chỉ nằm một chỗ ở nhà thôi, mọi việc lớn nhỏ đều một tay người mẹ lo toan. Căn nhà thuê trong ngõ được người ta thương nên lấy giá rẻ, dân quanh xóm người thì cho cái này, người cho cái kia.
"3 anh em tốt bụng, nghe lời nên dân ai cũng quý, cũng thương. Thỉnh thoảng bạn bè chúng còn ra phụ giúp nhặt rác hộ" - chị Sáu nói.
Đến tầm 8h tối hôm đó, có người phụ nữ đạp xe lóc cóc đi qua, phía sau cô nào túi to, túi nhỏ đủ loại đồng nát ve chai, phía trước có chai nước lọc đong đầy. Thằng Công, thằng Tình như có phản xạ cực lẹ vội chạy nhanh về phía người đó. Hóa ra, cô ấy là mẹ chúng.
Người phụ nữ cùng chiếc xe đạp cà tàng lượt qua, chúng nhận ra đó là mẹ!
Uống ực ngụm nước, Tình thủ thỉ: "Mẹ em đó chị, vừa đi hò ve chai về. Mẹ ghé xem tụi em như nào".
Cô Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi) ngồi bệt xuống hiên nhà người ta, thở hổn hển rồi lấy tay lau mồ hôi. Trời Hà Nội tháng 5 oi muốn xỉu, nhưng cô Thanh vẫn tậu nguyên bộ đồ kín mít từ đầu đến chân. Phơi mặt cả ngày nên khi đêm xuống, cô chưa kịp tháo bớt mũ miều, găng tay.
3 mẹ con đẩy xe vào góc đường.
Cái xe đạp cũ của mẹ với ty tỷ thứ đồng nát ve chai.
Cô bảo khổ lắm, chồng ốm đau bệnh tật nên một thân một mình đi làm từ sáng tới tối. May có 3 đứa con phụ giúp nhưng cô cũng lo cho chúng nhiều, 3 đứa vẫn đang "tuổi ăn tuổi học" đã phải phụ mẹ đi nhặt rác.
"Giờ chỉ mong được giúp đỡ để 3 anh em nhà nó không cần mất công nhặt rác suốt đêm nữa, lo chú tâm vào học hành thôi. May là sắp nghỉ hè rồi nên 3 đứa cũng có thời gian giúp cô phần nào" - cô Thanh than thở.
Dưới mái hiên nhà, 3 mẹ con mỗi người một góc nghỉ ngơi lấy sức trước khi tiếp tục công việc. Thằng Tình được mẹ sai về nhà làm việc riêng, nó đưa tay vẫy vẫy chào tạm biệt chúng tôi, đôi mắt sáng rực, Tình cười đáng yêu nhiều lắm. Còn Công đang đọc tờ giấy vừa mới bới được từ đống rác, nó nhìn xa xăm chẳng hiểu đang nghĩ ngợi điều gì.
Mệt quá, thằng Tình vội uống ngụm nước.
3 mẹ con nghỉ ngơi nơi mái hiên nhà hàng xóm.
Còn riêng mẹ chúng, cứ miên man mãi về nỗi khổ cuộc đời. Cô ước có một phép màu giúp chồng mình khỏi bệnh để hai vợ chồng cùng nhau đỡ đần, để gánh nặng trên vai người phụ nữ vơi đi phần nào nhọc nhằn.
Và nếu có một điều ước, lũ nhỏ chắc sẽ ước cả nhà không phải đi nhặt ve chai nữa, không phải lo cay cáy đồng tiền bát gạo mỗi ngày nữa. Thay vào đó là một cuộc sống không cần quá sung túc nhưng đủ ấm êm. Ở đó, cha chúng không còn bệnh tật, mẹ có công việc nhẹ nhàng và 3 anh em được sống đúng với tuổi của chúng.
Một đêm hè tháng 5, những ước mơ theo gió bay lên cùng những vì sao.
Công đang đọc tờ giấy em bới được trong đống rác lúc nãy.