"7749" bữa tiệc tất niên dịp cận Tết

Một mùa Tết sắp đến báo hiệu một năm Âm lịch đã sắp trôi qua. Khắp các nẻo đường, nhà nhà, người người nô nức, tất bật chuẩn bị đón mừng năm mới, đồng thời hoàn thành những dự định, công việc còn dở dang trong năm cũ. Nơi văn phòng, dân công sở cũng đang náo nức “chạy” cho kịp KPI; đợi chờ những khoảng thưởng cuối năm cũng như đắm mình trong tiệc tùng tất niên tổng kết.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 1.

Bên cạnh mục đích tổng kết lại những thành tựu đã đạt được sau một năm dài đằng đẵng; vinh danh những cá nhân, tập thể đã cố gắng phấn đấu đạt được thành tích xuất sắc; tiệc tất niên còn là cơ hội để các bộ phận, các phòng ban trong cùng một công ty cùng nhau vui vẻ và kết nối với nhau nhiều hơn. Cái không khí nhộn nhịp cũng những khoản thưởng hậu hĩnh của những buổi tiệc cuối năm khiến nhiều người khó có thể nói lời từ chối.

Và thật sự sẽ là một thiếu sót to lớn nếu không nhắc đến một “đặc sản” của hầu hết tất cả các bữa tiệc tất niên đó chính là những màn chúc tụng, ăn mừng bằng bia rượu. Bia rượu dường như là cách để những câu chuyện trở nên cởi mở và rôm rả hơn. Vì lẽ đó, nhiều người không ngần ngại uống hết mình để vui hết cỡ cùng bạn bè, đồng nghiệp. Nghiêm trọng hơn, không ít người còn viện lý do “cả năm chỉ có một ngày” để ép đồng nghiệp quá chén cùng với mình.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 2.

Việc “cháy hết mình” cùng đồng nghiệp trong những buổi tiệc tùng cuối năm không có gì là quá đáng, chẳng ai có thể ngăn cấm và còn là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, không phải cứ bia rượu, chè chén say sưa mới là hết mình. Bởi lẽ, những tác động tiêu cực của bia rượu, thức uống có cồn là điều mà chắc hẳn ai cũng rõ.

Chè chén hết mình, tai hại hết hồn

Đơn cử như vừa mới đây, B.A (nhân viên truyền thông) đã có dịp say hết mình cùng đồng nghiệp trong một tất niên linh đình để ăn mừng công ty có một năm thành công vượt bậc. Tuy đạt được nhiều thành tích, nhưng trong năm qua, B.A cũng mâu thuẫn với không ít người, trong đó có sếp trực tiếp.

Rượu vào lời ra, không kiềm chế được suy nghĩ cũng như cảm xúc, B.A đứng lên giữa bàn, chỉ thẳng mặt sếp mà chửi, không kiêng dè bất cứ ai, cũng không thèm lựa chọn ngôn từ. Dường như mọi bực dọc dồn ép cả một năm nén lại và trút hết ra trong 3 phút ngắn ngủi. Chửi đã mồm xong, B.A gục luôn xuống bàn rồi được đồng nghiệp đưa về trong tình trạng không biết trời trăng mây gió là gì.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, những ngày cuối năm, khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, việc uống bia rượu rồi lái xe trong trạng thái không tỉnh táo thường mang đến những hậu quả đáng tiếc. Hơn nữa, “đô” của mỗi người mỗi khác, có người chỉ cần 1 ly đã choáng váng nên việc “ép uổng” đồng nghiệp là vô cùng không hợp lý.

Bên cạnh đó, đầu tháng 1 năm 2020 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có hiệu lực. Các hành vi lái xe khi tham gia giao thông mà trong hơi thở, trong máu có nồng độ cồn đều bị xử phạt rất nặng.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 4.

Chẳng nói đi đâu xa, cách đây ít hôm, mặc dù đã nghe qua về Nghị định xử phạt nghiêm của chính phủ nhưng H.N (nhân viên kinh doanh, TP.HCM) vẫn tích cực cạn chén chúc tụng đồng nghiệp trong tiệc tất niên của công ty. Thấy mình cũng còn chưa gục, H.N không ngại tự lái xe về nhà. Cái kết của H.N cũng không khá khẩm hơn ai khi bị cảnh sát giao thông cho dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn rồi tiến hành xử phạt.

Bấy nhiêu đó yếu tố đủ khiến cho việc sử dụng rượu bia, chè chén quá mức trong các buổi liên hoan, tất niên cuối năm càng không nên được khuyến khích.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 3.

Nhưng nếu không biết cách từ chối, dân công sở rất dễ khiến đồng nghiệp mếch lòng hoặc tệ hơn nữa là tạo cho sếp cảm giác không được tôn trọng.

Làm cách nào để có thể khéo léo từ chối bia rượu trong các bữa tiệc tất niên?

1. Viện lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và bia rượu tác động xấu đến sức khỏe như thế nào là chuyện mà ai cũng biết. Vì lẽ đó, hãy cứ viện cớ một số căn bệnh sẽ trở nên trầm trọng thêm nếu động đến bia rượu để đồng nghiệp hiểu ý mà tránh thúc ép quá độ.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 4.

2. Nói chuyện nhiều và giả vờ đánh trống lảng

Giả vờ mời rượu ai đó và chỉ nhấp môi một lượng nhỏ. Sau đó, hãy đi hỏi thăm sức khỏe, công việc hay kể một câu chuyện cười với mọi người. Đây là cách từ chối bia rượu hiệu quả được áp dụng nhiều nhất, có thể làm đối phương quên mất việc chúng ta đã uống hay chưa và kéo dài thời gian trò chuyện trên bàn nhậu.

3. “Mình còn phải lái xe”

Khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thì “mình còn phải lái xe” là cái cớ mạnh mẽ nhất để có thể từ chối mọi cuộc chè chén.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 5.

4. Cầm theo đồ uống khác

Nếu không muốn uống rượu bia nữa, chúng ta có thể cầm ngay chai soda, nước trái cây, nước chanh, cà phê, trà,… và nâng cốc. Khi đã có một thức uống trong tay, không ai muốn ép chúng ta phải nâng cốc bia rượu nữa.

5. Tránh giao tiếp nhiều hoặc ngồi gần với những "bợm nhậu"

Trong bàn nhậu, tránh ngồi gần những nhân vật có tửu lượng cao vì chắc chắn, chúng ta sẽ bị ép uống liên tục và nhanh chóng đầu hàng trước khi cuộc vui kết thúc. Thay vào đó, hãy tinh tế ngồi cạnh một người có khả năng uống hạn chế và giả vờ quay sang bắt chuyện mỗi khi nâng ly.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 8.

6. Bày trò lựa chọn

Trong những khoảnh khắc vui vẻ thế này, sao không thử bày ra trò chơi lựa chọn kiểu như “Để thêm phần hào hứng, chúng ta sẽ đặt ra lựa chọn thế này nhé: ai là người mở lời trước thì phải để đối phương lựa chọn cách đáp lại tấm lòng đó bằng cách ôm một cái, bắt tay thật chặt hay uống một ly. Anh kính tôi, tôi để anh chọn; bây giờ anh kính tôi thì tới lượt tôi chọn nhé. Nào, để tôi bắt tay anh thay cho tình đồng nghiệp của chúng ta nào”.

Tác hại bia rượu thì ai cũng biết; tuy nhiên, trong những dịp lễ lộc, người ta thường khó có thể nói lời từ chối. Tuy nhiên, vì sức khỏe cũng như mức phạt không hề thấp của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hãy nói không với bia rượu để có những ngày cuối năm trọn vẹn và tận hưởng một năm mới vui vẻ, hạnh phúc.

Chuyện bia rượu tiệc tất niên trong môi trường công sở: “Cháy” hết mình rồi bị phạt hay chịu mếch lòng để từ chối? - Ảnh 7.