Hơn 10.000 lần mớm cơm cho mẹ chồng
Mặc dù bà Nguyễn Thị Cúc (mẹ chồng của cô Nguyện đã mất cách đây 2 năm) sau 13 năm người con dâu tận tuỵ chăm sóc nhưng dân làng và mọi người vẫn còn nhắc nhớ để dạy con cháu mình khi mùa Vu Lan về.
Thầy Nguyễn Ứng Trung (chồng cô Nguyện) nhớ lại: “Năm 2002,
mẹ tôi bị chấn thương cột sống, rạn xương chậu, gãy xương sườn, gẫy răng do bị
ngã từ thang xuống khi lao động lặt vặt giúp con cháu. Mặc dù bác sĩ và gia
đình hết lòng chăm sóc điều trị, nhưng do tuổi già lại bị chấn thương liên tục
(đã 5 lần bị tai nạn lao động) nên mẹ tôi phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt
cá nhân phục vụ tại chỗ”.
Trong hoàn cảnh ấy, cô Nguyện ngoài việc trường còn việc nhà và lo cho 3 đứa con ăn học vẫn phụng dưỡng mẹ chồng chu toàn, lo cho mẹ chồng từ thuốc thang, giặt giũ, cơm cháo, tắm rửa.
Đến bây giờ nhiều người vẫn kể cho nhau nghe cảnh cô Nguyện dỗ mẹ chồng rất khéo để bế bà lên chõng tre gội đầu, tắm rửa. Hàng xóm thường chứng kiến mỗi buổi chiều mát mẻ, cô Nguyện bế bà lên chiếc xe lăn ra ngõ làng hóng mát hay chải, cột tóc cho mẹ chồng đầy yêu thương.
Bà Nguyễn Thị Liên (bạn của bà Cúc) nhớ lại: “Không ai có thể làm được như cô Nguyện. Cụ ăn nằm một chỗ, sinh hoạt đều trên giường mà cô Nguyện lau chùi sạch sẽ, gọn gàng. Phục nhất là cô ấy còn mớm cơm cho cụ Cúc, con dâu thời nay như vậy thật hiếm có.”
Tôi hỏi: “Cô Nguyện mớm cơm cho mẹ chồng ư? Sao lại phản khoa học và mất vệ sinh vậy? Tại sao không quấy hồ, nấu cháo cho bà cụ?"
Bà Liên bảo: “Quấy hồ, nấu cháo thì nói làm gì! Cháo gói, đường sữa con cháu gửi về nhiều lắm nhưng bà Cúc chỉ thích cô Nguyện “mớm cơm”. Chỉ có cô Nguyện “mớm cơm” mới chịu ăn. Còn cháo nấu lên cụ không đụng đến.”
Cô Nguyễn Thị Mai (Công đoàn Trường THCS Giang Lâm nơi cô Nguyện công tác) kể: “Tôi đã tận mắt chứng kiến cô Nguyện mớm cơm cho bà cụ. Từng miếng một, gọn ghẽ, như là chim mẹ “mớm” mồi cho con. Chỉ có yêu thương mới làm được như vậy. Mà không phải một lần, hơn 10 năm, sáng trưa chiều tối, hàng chục ngàn bữa cơm con dâu “mớm” cho mẹ chồng như vậy.”
Nhắc lại chuyện cũ, tôi hỏi cô Nguyện động lực nào để cô săn sóc mẹ chồng tận tuy như vậy? Cô cười hiền: “ Có gì đâu, vì đời mẹ quá khổ rồi. Bố chồng là thầy giáo. suốt ngày bận bịu việc trường, lương bổng không đủ sống. Một mình mẹ xoay đủ lợn gà, hươu, nai, đồng áng, bếp núc nuôi 6 con ăn học. Suốt đời chắt lót, dành cả cho con. Mẹ ốm đau, bệnh tật, tai nạn cũng vì con cái.”
Trọn đường hiếu nghĩa
Chị Nguyễn Thị Thanh Hảo (Con thứ 5 của bà Cúc, em gái thầy Trung) tâm sự: “Tôi lấy chồng xa, thành thử không trực tiếp phụng dưỡng cha mẹ được. Tôi cảm phục chị dâu. Là dâu nhưng chị đối xử với bố mẹ chồng quá tốt, một đời không có tiếng bấc, tiếng chì. Tôi biết ơn chị và học hỏi ở chị rất nhiều”.
Những năm tháng hoạn nạn, anh trai chồng hy sinh, bố chồng mất (năm 1995), mẹ chồng liên tục bị tai nạn, cô Nguyện đã sống vẹn tròn đôi đường hiếu nghĩa, riêng chung. Trong gian khổ khó khăn, mẹ chồng con dâu biết đoàn kết, dựa lưng vào nhau để sống, để đi qua những năm tháng gian truân.
“Chính những điều mà cô Nguyện cư xử với mẹ chồng có ảnh hưởng tích cực đến con cháu. Con cháu của cô thầy được sống trong gia đình có gia phong, hiếu nghĩa nên ra đời cũng trưởng thành, điều ăn nết ở với ông bà, cha mẹ, anh em, xóm làng có trước có sau”- Ông Hồ Quang (hàng xóm cô Nguyện) cho biết.
Bây giờ cô Nguyện đã ngoài 60 tuổi. Biết là yêu chồng, thương con mới có thể thầm lặng hy sinh và tận tụy như vậy. Nhưng khi ai đó nhắc tới chuyện chăm mẹ chồng của mình, cô vẫn chỉ bảo, chăm sóc mẹ chồng là bổn phận của dâu con, có gì đâu mà kể.