Nhân chuyện mua vé tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam), ông Thái Công Nguyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế từ năm 1989-2002 kể lại chuyện lần đầu tiên Đại nội Huế tiến hành thu vé tham quan.

Chuyện chưa kể về việc Đại nội Huế lần đầu bán vé tham quan - Ảnh 1.

Khách du lịch vào tham quan Đại nội Huế

Ông Nguyên kể rằng khi đó là vào những năm cuối thập niên 1980 và vẫn chưa chia tách tỉnh Bình – Trị – Thiên nên UBND tỉnh này đã hai lần ra quyết định bán vé thu tiền đối với khách du lịch vào tham quan Đại nội với mục đích có kinh phí cứu vãn di tích đang mối mọt, xuống cấp trầm trọng.

Tuy nhiên việc thu vé đành phải dừng lại vì ngành du lịch, dư luận phản đối với quan niệm di tích là của chung, ai cũng có quyền vào tham quan nên không được thu tiền.

Chuyện chưa kể về việc Đại nội Huế lần đầu bán vé tham quan - Ảnh 2.

Đại nội Huế

Khoảng vào đầu năm 1990, khi Thừa Thiên – Huế vừa mới tái lập sau khi chia tách tỉnh, ông Nguyên ra Hà Nội, tìm đến Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) để thuyết phục xin được thu vé tham quan Đại nội. Lãnh đạo bộ chỉ sang Bộ Tài chính mới đúng thẩm quyền, nên ông Nguyên tiếp tục sang gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày và được hướng dẫn sang gặp Ủy ban Vật giá Nhà nước.

"Tôi qua gặp ông Phan Văn Tiệm, thời điểm đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước khi ông mới vừa đi Pháp, Mỹ về và thấy chỗ nào cũng bán vé thu tiền khách du lịch. Tôi nói nhờ anh ra quyết định cho Huế bán vé thu tiền du khách vào tham quan Đại nội nhưng bị ông từ chối vì việc bán vé là thẩm quyền của tỉnh. Để có căn cứ, tôi nhờ ông Tiệm viết cho chủ tịch tỉnh lá thư ủng hộ việc này và được ông đồng ý".

Chuyện chưa kể về việc Đại nội Huế lần đầu bán vé tham quan - Ảnh 3.

Chính nhờ nguồn thu từ bán vé nên di tích Huế được trùng tu nhiều hơn. Trong ảnh là lăng vua Gia Long vừa được trung tu hoàn thành.

Rời Hà Nội, ông Thái Công Nguyên trở lại Huế với lá thư gửi ông Phạm Bá Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và một số cuống vé tham quan các điểm di tích trên thế giới của của ông Phan Văn Tiệm đưa để làm "kim bài".

Về tới Huế, thay vì lên gặp và trao lá thư ngay cho Chủ tịch tỉnh nhưng ông Nguyên lại giữ lại lá thư này rồi tự ra quyết định thu vé tham quan Đại nội Huế đối với khách người nước ngoài 5 USD/vé, khách trong nước là 5.000 đồng/vé, người nào không mua vé là không cho vào.

Chuyện chưa kể về việc Đại nội Huế lần đầu bán vé tham quan - Ảnh 4.

Lăng Khải Định.

Thời điểm này một doanh nghiệp ở TP Huế làm ăn khấm khá thì mỗi năm chỉ thu được 20 triệu đồng, trong lúc đó chỉ mới 3 tháng bán vé thì Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã thu được hơn 100 triệu đồng. "Chúng tôi đưa toàn bộ tiền thu được lên nộp ở Sở Tài chính thì bà giám đốc ở đây hỏi tiền đâu mà anh nộp nhiều vậy. Tôi nói đó là tiền bán vé tham quan, trung tâm không giữ lại đồng nào, mai mốt chúng tôi làm kế hoạch trình tỉnh xin lại để tu bổ di tích"- ông Nguyên kể.

Việc bán vé tiếp tục bị ngành du lịch, báo chí, dư luận phản đối, chỉ trích nên ông Phan Bá Diễn tổ chức họp báo để báo chí chất vấn. Đến lượt mình phát biểu, ông Nguyên đưa ra một xấp vé tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới và Đông Nam Á như Supachai (Thái Lan), Indonesia, Bắc Kinh (Trung Quốc), các bảo tàng ở Pháp, ở Mỹ... để khẳng định kế hoạch bán vé của mình là đúng.

Giữa cuộc họp, ông nói rằng người dân chúng ta còn nghèo, đất nước còn khó khăn nên Chính phủ không có tiền cấp tu bổ di tích. Vậy nên bây giờ di tích tự cứu vãn lấy, bán vé khách du lịch đóng góp vào đây để cứu vãn di tích. "Đây, các nước bán vé đây, sao chúng ta không bán?. Tôi đưa cho ông Diễn lá thư ủng hộ của ông Phan Văn Tiệm. Ông xem xong rồi tuyên bố rằng không bàn cãi nữa, giao Sở Tài chính và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sửa lại quyết định thu vé tham quan Đại nội rồi trình ông ký"- ông Nguyên nhớ lại.

Thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, năm 2019 Trung tâm Bảo tồn di tích Huế đạt doanh thu bán vé tham quan 387 tỉ đồng với lượng du khách đạt hơn 3,5 triệu lượt, cao hơn năm 2018. Nguồn thu góp phần rất lớn trong việc tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.