Đội cơn nắng banh chành từ quận 3 sang tuốt quận 10, qua bùng binh ngã 6, tôi chui tọt vào con hẻm nhỏ trên đường Lý Thái Tổ, lách qua mấy chị làm nail túm tụm ngồi tám, "hạ cánh" an toàn bên hàng phá lấu thơm nức.

Chợ Hồ Thị Kỷ nhắc tên là hầu hết ai cũng nghĩ đến hoa. Nơi đây được mệnh danh là "Lang Biang giữa lòng Sài Gòn", bởi địa điểm này chuyên giao thương mối hoa lớn nhất thành phố. Tuy nhiên, một nửa khác của ngôi chợ cổ này lại chẳng dính dáng gì đến hoa lá, cộng đồng người gốc Campuchia quần tụ về đây từ những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước đã vẽ nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo, khiến ngôi chợ có thêm một danh xưng khác là chợ Campuchia. Vô Sài Gòn, đi ăn đi chơi ở hẻm Xóm Chiếu Q4, khu sủi cảo Hà Tôn Quyền Q11, khu Cô Giang... là mấy chốn quen đến mòn cả miệng, nhưng nếu không ghé chợ Campuchia thưởng thức đồ ăn xứ Chân Lạp, thì đáng tiếc lắm.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 1.

Đến chợ Hồ Thị Kỷ, cứ hỏi hàng đồ khô Tư Xê ai cũng biết.

Ngó nghiêng một lúc, tôi ghé vào tiệm khô Tư Xê, cũng không khó tìm lắm, ngay ngã ba giữa chợ to đùng. Nghe mọi người đồn là tiệm khô này lâu đời rồi, gia đình Tư Xê cũng "có máu" ở chợ Cam vì mỗi người bán một loại ẩm thực khác nhau, rải rác quanh chợ, khá nổi tiếng. Có lẽ họ mang trong lòng nhiều thứ để kể, vì chính họ cũng là nhân chứng đổi thay theo ngần ấy năm Sài Gòn thay tấm áo hào hoa.

Một chú bự con phóng xe đỗ ịch xuống lòng đường nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại lọt qua chiếc quần thủng lỗ chỗ. Giơ bàn tay mập mạp đen bóng ra lựa mấy con khô cá sặc, chú cười sang sảng mặc cả tới lui với cô chủ quán. Giọng cô dịu dàng êm ái. Tôi sà xuống bắt chuyện ngay khi vị khách vui tính rời đi. Cô đang ngồi lựa mấy bó rau xanh mướt, nhìn là lạ.

- Rau chi đây cô?

- Sầu đâu đó con. Lá này chấm mắm me, đắng lắm nhưng ngọt hậu, đặc sản của người Cam. Dân Sài Gòn có người ăn không quen, nhưng nhiều người thử rồi lại ghiền, họ hay qua mua lắm. Nay có ít rau tươi, con ăn không cô gói cho mang về nè.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 2.

Bà chủ người gốc Campuchia dễ tính nhất chợ Hồ Thị Kỷ.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 3.

Lúc tôi mới ghé qua, cô đang nhặt nhạnh đống rau đắng.

Tôi giật mình từ chối vội, sao mà cô ấy dễ thương quá chừng. Người phụ nữ ấy hồn hậu quá, tôi còn chưa kịp mua món gì, cô đã đòi tặng rau. Mấy bà bán bánh xung quanh cười xòa, phe phẩy quạt nhìn tôi ý nhị.

Sạp hàng bé xíu, cỡ 2-3 mét vuông nhưng bày đến mấy chục loại khô cá, mắm, lạp xưởng, đường thốt nốt, cả vũ nữ chân dài và những món tiếng Cam lạ lùng tôi chẳng biết tên. Cô chủ tên Mai, nhưng mọi người trong chợ vẫn gọi cô bằng tên tiếng mẹ đẻ. Cô phải viết ra giấy tôi mới đọc được.

"Ick Bư mẹ cô đặt nghĩa là Út đó con. Nhà cô đông lắm, mười mấy anh chị em, năm 70 cả gia đình kéo nhau qua đây sinh sống, đầu tiên ở phố Lê Hồng Phong ngay sát chợ, buôn bán hồi lâu có của ăn của để nên các cụ sắm nhà cho các con mỗi người một phần riêng. Tư Xê là tên mẹ cô đấy, giờ cô nối nghiệp buôn bán các loại hàng khô của bà, còn thân thiết xung quanh mỗi người bán một thứ đặc sản của quê hương".

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 4.

Ở tiệm cô Mai, có đủ loại hàng khô phục vụ nhu cầu cơm bữa, ăn nhậu, giá cả bình dân.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 5.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 6.

Tính cô xởi lởi, nên khách ai cũng thích.

Nom "cô Bư" vẫn còn trẻ trung vui tính vậy, mà đã 46 tuổi rồi. Song, tôi còn kinh ngạc hơn khi biết cô làm chủ sạp hàng này ngót 40 năm có lẻ, từ hồi bé xíu xiu đã biết tính tiền lấy đồ cho khách những lúc mẹ cô vắng nhà. Buổi sáng, cô mở hàng bán bún cá và chè ngay cạnh sạp đồ khô, gọi là bún num bo chóc. Tôi thắc mắc nó nghĩa là gì, cô cười bảo, không có từ phiên dịch ra tiếng Việt chính xác, hiểu đại khái là bún cá lóc Biển Hồ, chính hiệu Campuchia.

Tất cả hàng hóa ở sạp của cô từ cá sặc rằn, tra Biển Hồ, mắm cá, khô nhái, khô rắn, bò khô... đều chuyển từ quê nhà sang đây hết. Công việc kinh doanh thuận lợi, cả gia đình cô Mai đều tham gia phụ giúp bán hàng, nhiều năm qua sống yên bình, thoải mái nơi phố chợ đông đúc phồn hoa. Con gái lớn của cô ngồi cách đó mấy sạp, bán chả cuốn, nộm đu đủ, bánh tầm bì... đông khách từ sáng tới tối mịt.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 8.

Cô Mai dạy con gái khéo tay mở hàng ăn vặt, có chị dâu phụ bán.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 9.

Gần đó cũng là họ hàng nhà cô, bán chè cháo bánh trái đủ loại.

"Con nhỏ sắp lấy chồng rồi, cũng ở gần đây. Cho nó ít nghề gia truyền, còn cô vẫn bám cái sạp đó tới khi nào không bước đi được nữa thì thôi". Vừa nói, cô vừa kéo tay tôi dẫn vào nhà chơi. Tôi trố mắt ngạc nhiên, hỏi cô để xe để hàng chỏng chơ ở đó, chẳng có cửa khóa chẳng gì cả, không sợ trộm cắp gì hay sao? Cô đáp gọn lỏn: "Không có con ạ".

Hình như ở Sài Gòn, người dân ai cũng dễ thương vô chừng, họ thân thiện, xởi lởi, lại chẳng tính toán thiệt hơn. Dù chẳng biết tôi là ai, cứ lân la trò chuyện vậy thôi mà họ tiếp đón nhiệt tình đến lạ, khiến tôi cảm giác ấm áp như về nhà.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 10.

Nhà cô Mai nằm trong con hẻm gần sạp đồ khô, vừa làm nơi phơi gói đóng hàng, vừa là đất cha mẹ để lại.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 11.

Ông bà Tư Xê có đến mười mấy người con, nghiệp kinh doanh phất lên phơi phới.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 12.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 13.

Người thân trong nhà từ anh chị đến cháu chắt đều tham gia phụ giúp nghề hàng khô gia truyền.

Cô Mai có những mật mã bán hàng rất dễ thương, như lạp xường buộc dây cước "độc quyền Tư Xê", đường thốt nốt đóng hình cái bát... Món gì cô bán cũng đắt hàng, nhất là dịp Tết tư hay ngày lễ riêng của người gốc Campuchia, phố chợ lại đông nghịt vì khách tấp vô quá nhiều. Người ta mua ít thì 1 cân cá, nhiều thì không xuể, cô phải gọi con cháu đóng hàng vô thùng xốp chở đi.

"Khách nhà cô ngoài dân ở đây thì toàn Việt kiều ở Mỹ, Úc, Canada... vì họ xa quê rất nhớ hương vị món ăn nhà làm, cô luôn giữ nguyên tắc chữ tín, nên hàng lựa đều cẩn trọng, sạch sẽ, đong đếm đàng hoàng. Chưa có ai phàn nàn chê bôi gì hết, cô mừng, mà cũng lấy đó để buôn bán có tâm hơn".

Ngồi chơi thêm một lát, tôi biết được cả đống thứ hay ho. Cô Mai chìa cho tôi xem cái khay nhỏ, đựng thứ quả kỳ cục nhìn như chanh héo. Hóa ra tên nó là quả chúc, lấy vỏ giã ra cho vào mắm cá, ở Việt Nam cũng có mà rất ít. Một thứ quả khác, trông như rễ sâm, nhưng to mập hơn, trắng ngà, gọi là ngãi, chỉ có ở bên Campuchia, là gia vị quan trọng đặc trưng của ẩm thực người Miên, họ cắt 2 đầu cạo vỏ nấu bún num bo chóc.

Sài Gòn ngày nắng cháy da, cô Ick Bư và sạp hàng khô bé xíu xiu nổi danh nhất chợ Hồ Thị Kỷ - Ảnh 14.

Rời khỏi phố chợ nhộn nhịp, tôi sẽ nhớ mãi sạp hàng khô nhỏ xíu mà lủng lẳng đủ loại cá mú trên đời.

Tán dóc hồi lâu, dạo nửa vòng khu chợ với cô Mai, trời đang nắng bỗng sập cơn mưa to như trút lũ. Người xe vội vàng, mấy con chó nhà chạy tán loạn, bà chủ sạp hàng khô vẫn ung dung xếp cá vô trong. Tôi tiếc đứt ruột vì ghé chợ Cam mà chưa kịp nếm miếng bún num bo chóc nào, nhưng được cô Mai dúi cho chiếc hộp nhỏ, đựng mấy loại khô cá ngon nhất ở sạp. Từ chối không đặng, tôi lên xe ra về với nỗi quyến luyến khôn tả.

Người phụ nữ này dễ thương quá, tôi chỉ biết chúc cô buôn may bán đắt, rồi lách khỏi ngõ chợ với những bâng khuâng chẳng nói được thành lời. Cơn mưa nặng hạt xóa hết dấu xe tôi vừa qua, nhưng tôi quyết, bữa sau lại vô đây, nhất định tìm đến chợ thật sớm để được thử bát bún trứ danh do cô Ick Bư làm, và khám phá hết những món ngon lành nhất tại ngôi chợ xưa.