Sáng ngày 30/1, khi chúng tôi đến nhà cầu thủ Nguyễn Quang Hải ở huyện Đông Anh, Hà Nội thì điều ấn tượng đầu tiên có lẽ là ngôi nhà luôn rộn ràng tiếng cười nói và chúc tụng của mọi người. Dường như mấy ngày gần đây đã quen với việc đón tiếp những vị khách nơi xa đến chơi nhà, bà Dương Thị Cúc và ông Nguyễn Quang Thuần là bố mẹ Nguyễn Quang Hải đã nhanh nhẹn bắt tay chúng tôi, sau đó rót ngay những chén trà ấm nóng, thơm lừng giục chúng tôi: "Uống chén chè nóng đi cháu!".

Không khí trong ngôi nhà của chàng cầu thủ trẻ không lúc nào ngừng tiếng rộn rã. Có khi là của bà con lối xóm sang chơi nhà và hỏi han xem "cháu Hải đã về chưa?". Cũng có khi là những cái chào đầy ngượng ngập của khách thập phương vì mến mộ chàng cầu thủ trẻ mà tìm đến tận nhà xin chữ ký.

Chuyến đi này của chúng tôi có thể đáng tiếc một phần vì chưa đúng dịp Quang Hải trở về thăm quê hương, thăm làng xã và thăm gia đình. Nhưng có lẽ cũng lẽ ấy mà chúng tôi được vô tình bắt gặp những khoảnh khắc đời thường, bình dị và chân thực nhất về gia đình của Nguyễn Quang Hải, về hàng xóm láng giềng xung quanh và cả của những vị khách từ nơi xa.

Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 1.
Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 2.
Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 3.

Hàng xóm và khách thập phương vẫn ghé thăm ngôi nhà của Quang Hải mỗi ngày.

Bác cổ động viên 69 tuổi vượt quãng đường 90km với món quà "đặc biệt"

Câu chuyện về chuyến đi của một cụ ông gần 70 tuổi là một câu chuyện khiến người ta cảm thấy ấm lòng giữa một ngày trời mùa Đông rét buốt.

Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 4.

Bản thân ông Chiêu cho biết mình đã thao thức cả đêm để mong chờ trời sáng và không quản ngại đường xá xa xôi, sẵn sàng bắt xe ôm tới tận nhà cầu thủ Quang Hải của đội tuyển U23 Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Chiêu, năm nay đã 69 tuổi, hiện trú tại thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội. Quãng đường từ nhà ông tới quê hương Hải là làng Nhạn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội dễ thường phải tới gần 90km. Đã vậy, ông còn đi bằng xe bus và sau đó là bắt xe ôm để tới tận nhà cầu thủ trẻ U23 Việt Nam.

Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 5.

Ông Chiêu mừng rỡ vì tìm được đến đúng địa chỉ nhà Nguyễn Quang Hải.

Thế nhưng khi được hỏi ông tìm đường có khó không, quãng xa xôi ấy có khiến ông mỏi mệt không? Thì ông tâm sự rằng: "Có xá gì đâu. Các cầu thủ trẻ của chúng ta còn sang tận Trung Quốc thi đấu vì màu cờ sắc áo cơ mà!".

Nói đoạn, ông vui vẻ đọc to bài thơ do ông sáng tác đồng thời cũng là món quà tinh thần vô cùng quý giá dành tặng gia đình cầu thủ Quang Hải cùng các cầu thủ trẻ của tuyển U23.

Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 6.
Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 7.
Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 8.

Nhận thấy sự nhiệt thành của người cổ động viên già, bố mẹ Quang Hải đã chiêu đãi bác một bữa cơm đạm bạc.

Theo như lời ông Chiêu thì ông thực sự rất xúc động với lối chơi đẹp mắt và lăn xả của các tuyển thủ nước nhà. Chính vì yêu mến các cầu thủ cũng như tự hào về thành tích mà các chàng trai mang lại cho nền bóng đá Việt Nam, nên ông đã có cảm hứng sáng tác ra bài thơ lục bát này để làm quà dành tặng các chàng trai nói chung cũng như cầu thủ Nguyễn Quang Hải nói riêng.

Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 9.

Bài thơ của ông Chiêu cũng như những tình cảm của người hâm mộ là điều khiến Quang Hải và gia đình cảm thấy hạnh phúc nhất.

Xúc động trước tấm thịnh tình của "fan hâm mộ" đặc biệt này, ông Thuần hứa rằng nhất định sẽ đóng khung và treo bài thơ quý lên một nơi trang trọng nhất.

"Người hùng" Quang Hải luôn được dạy phải khiêm nhường từ bé

Khi được hỏi về cảm xúc của những trận đấu đã qua, ông Thuần tâm sự với chúng tôi bằng chất giọng vẫn còn khàn đặc sau những trận cầu kịch tính. Khác với ông chồng, bà Cúc vẫn luôn dõi theo cậu con trai qua từng trận đấu.

Nhân lúc bấy giờ, bà cũng nói về trận chung kết với U23 Uzbekistan. Có thể mọi người tán dương và khen ngợi bàn thắng "vẽ cầu vồng trong tuyết" của Quang Hải, nhưng bà lại thực sự xúc động bởi những khung hình trước đó. Là khi dàn cầu thủ gồm Xuân Trường, Công Phượng, Văn Thanh... đã làm động tác "dọn tuyết" để Quang Hải chắt chiu cơ hội gỡ bàn cho tuyển U23 Việt Nam san hoà tỷ số.

Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 10.

Ông Chiêu chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình Quang Hải, trên tay là "món quà" tình thần đáng quý.

Bà Cúc rưng rưng: "Thương lắm, nhìn hình ảnh ấy thấy thương các con trai của mình lắm chứ!". Bà không thể cầm lòng trước cảnh tuyết rơi trắng xoá cả một khu, còn các cầu thủ trẻ vẫn không ngừng năng nổ và nhiệt huyết để chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.

Khi được hỏi Tết này chắc trong nhà cũng có chút khác Tết xưa, bà Cúc gật đầu: "Có lẽ Tết này của gia đình cô sẽ vui hơn. Vui vì Hải và đồng đội đã chiến đấu quả cảm và đem vinh quang về cho Tổ quốc. Vui vì tuyển U23 Việt Nam nhận được nhiều tình thương mến của mọi người. Hải có gọi điện về nói rằng chưa bao giờ tưởng tượng được cảnh một ngày nào đó mình cùng đồng đội sẽ được người dân yêu thương và dành tình cảm mến mộ nhiều đến thế. Đó thật sự là một niềm hạnh phúc".

Tôi cũng giống như nhiều người, có chút tò mò về việc liệu bà Cúc ông Thuần có bài học đặc biệt nào cho cậu con trai Quang Hải khi trở nên "nổi tiếng" và được truyền thông săn đón hay không. Thì bà Cúc vẫn rất điềm tĩnh, nhẹ nhàng đáp lời: "Không phải bây giờ cô mới dạy Hải, mà từ khi Hải còn bé cô đã dạy con phải khiêm nhường và luôn tôn trọng người khác. Vì tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính bản thân mình. Không được kiêu ngạo, không được tự thỏa mãn. Hãy luôn tâm niệm rằng mình chưa bao giờ "đủ" thì mới cố gắng phấn đấu để vươn lên đạt được những thành tích tốt hơn trong cuộc sống."

Cuối ngày, sau khi cảm ơn những thịnh tình và sự tiếp đón nồng nhiệt của ông Thuần bà Cúc để ra về, chúng tôi có tìm hiểu và trò chuyện thêm với một số hộ hàng xóm xung quanh nhà cầu thủ Quang Hải.

Khi được hỏi về những trận đấu đã qua và không khí cũng như cảm xúc của người dân khi dõi theo thầy trò HLV Park Hang Seo, chị Mậu (34 tuổi, hàng xóm cạnh nhà Quang Hải) cho hay: "Đến chị chỉ là hàng xóm đây mà còn mất cả giọng thì em biết thế nào rồi đấy! Tối nào có bóng mọi người cũng đều tụ tập sang bên nhà Hải xem tivi và cùng cổ vũ. Có trận chung kết là không thể xem được vì quá đông nên chị đi sang đó rồi lại về nhà. Lúc trọng tài thổi quả phạt đền cho U23 Việt Nam và biết Quang Hải sẽ là người đá phạt, chị đã có linh cảm sẽ vào rồi."

Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 11.
Chuyện cụ ông 69 tuổi bắt xe ôm, xe buýt gần 100km đến nhà bố mẹ Quang Hải để tặng một món quà đặc biệt - Ảnh 12.

Dường như niềm vui vẫn còn chưa dứt bởi nơi khoé mắt chị Mậu vẫn sáng lấp lánh, và giọng kể thì tươi vui vô cùng. Chị chia sẻ với chúng tôi rằng không phải chỉ trên Hà Nội mới đi "bão" và mới tắc đường đến nghẹt cứng đâu, bởi ở đây, nơi quê hương sản sinh ra chàng tiền đạo mang số áo 19 cũng vô cùng sôi động. Sau trận bán kết mà U23 Việt Nam hạ gục U23 Qatar, mọi người đổ ra đường rất đông, tiếng hò reo cổ vũ tới tận đêm khuya mới dứt.

Như để minh chứng cho bầu không khí sôi động và cuồng nhiệt ấy, chị Mậu vui vẻ đem khoe với tôi những hình ảnh và đoạn clip ngắn ghi lại cảnh tượng đêm diễn ra trận cầu máu lửa.


Hiện tại, theo như lịch trình mà Quang Hải gọi về báo với bố mẹ thì tầm trưa ngày 31/1/2018, chàng cầu thủ mới có thể trở về thăm nhà và quê hương.

Hy vọng rằng sau những trận đấu căng thẳng mang vẻ vang về cho Đất nước, chàng cầu thủ sẽ được nghỉ ngơi chút ít, được một mình "tẩn bay" con gà luộc mẹ làm, và được chào đón trong vòng tay yêu thương của bà con lối xóm.