Người ta nói sống là cái bổn phận mà ông trời đã dúi vào tay con người, nhận thì khổ, mà không nhận thì áy náy. Thành ra nhiều lúc bà Liên thấy cuộc sống này chán quá trời quá đất mà vẫn cứ ôm khư khư đâu dám bỏ, sợ mang tội.
Tôi gọi bà Liên (75 tuổi) là ngoại, vì tuổi của bà gần bằng tuổi ngoại dưới quê. Trước cửa căn nhà xập xệ số 62 Đinh Công Tráng (quận 1), mỗi ngày ngoại Liên vẫn ngồi từ sáng sớm đến tối mịt, đôi khi là để trông nhà, đôi khi là để nhận hộp cơm của mấy người hàng xóm tốt bụng, và đôi khi là để cảm nhận sự sống vẫn đang chạy chậm đều trước ngôi nhà liêu xiêu của ngoại.
Ngoại Liên trước căn nhà liêu xiêu giữa Sài Gòn.
Người đàn bà quạnh hiu trong căn nhà cũ giữa lòng Sài Gòn
Rất nhiều người giống tôi, lần đầu tiên nhìn thấy ngoại đều hoảng sợ. Mái đầu bạc phơ xoã xuống che một phần gương mặt, đôi mắt đỏ lừ lúc nào cũng chứa đầy ghèn, làn da nhăn nhúm và cái cổ bị tật vẹo sang một bên trông thật kỳ quái. Nhưng ngoại hiền khô hà!
Nhiều người sợ khi nhìn thấy ngoại lần đầu.
Ngoại tên là Kim Liên, căn nhà ngoại đang ở nằm giữa khu vực sầm uất của trung tâm thành phố, sau lưng là chợ Tân Định luôn tấp nập kẻ mua người bán, bên hông xéo xéo là nhà thờ Tân Định rực hồng trong nắng Sài Gòn. Ấy vậy mà căn nhà cũ rích của ngoại thì lúc nào cũng bao trùm một màu quạnh hiu đến khó tả. Cũng không rõ từ lúc nào, vì trí nhớ của ngoại đã mỏng manh lắm rồi, chỉ nhớ rằng từ ngày cha mẹ qua đời, em trai có gia đình riêng, ngoại sống ở đây mình ên thôi.
Ngoại không có chồng, vì hồi trẻ dành nhiều thời gian cho việc học, ngoại không nghĩ nhiều đến chuyện yêu đương. Nghe đâu hồi đó ngoại học giỏi nên được nhà thờ gửi sang tiểu bang Chicago (Hoa Kỳ) để học về ngành hoá học, sau này về nước làm việc trong ngành sư phạm. Cũng không rõ thông tin đó chính xác bao nhiêu phần, nhưng nghe cách ngoại nói tiếng Mỹ ro ro như gió tôi tin ngoại đã có một tuổi trẻ không tầm thường, chí ít là vậy.
Nhưng thời cuộc luôn cho con người ta những bất ngờ không tưởng, một người giỏi như ngoại cuối đời lại sống đơn chiếc trong căn nhà tồi tàn này. Người thân ít khi lui tới đây vì ngoại bảo: "Mình không có tiền họ đến làm gì!?". Nghe cay đắng nhưng mà ngoại nói đâu có sai...
Ngoại đã quen với sự cô độc.
Những người hàng xóm tốt bụng
Thiệt may là ngoại có những người hàng xóm tốt bụng, mỗi ngày họ đều ghé qua ngôi nhà này vội vàng dúi cho hộp cơm rồi quay về, lâu lâu có người ghé cho bịch chè ăn cho ngọt miệng. Nghĩ mà mừng, ở cái tuổi này sức khoẻ ngoại đâu còn nhiều để tự lo cho bản thân, đất Sài Gòn này ngó xô bồ vậy chứ tình làng nghĩa xóm vẫn đậm đà thiết tha lắm.
Những người hàng xóm vẫn thường ghé thăm ngoại.
Cho ngoại một ít thức ăn.
Người trong xóm này hay gọi ngoại với cái tên là bà già ngủ ngồi, bởi từ lâu rồi ngoại không ngủ trên giường mà ngủ ngồi trên cái ghế xếp, cho tiện. Riết rồi cái cổ vẹo qua một bên thành tật. Hỏi ra thì ngoại kể: "Cách đây mười mấy năm, có lần tui đi khám bịnh mà quên khoá cửa nhà. Lúc về thì đồ đạc trong nhà bị dọn sạch trơn. Bàn ghế, tủ gỗ gì bị lấy sạch. Cả bức ảnh của ba má tui để trên đầu giường cũng mất tiêu. Tấm ảnh đó tui quý lắm, vì nó khiến tui cảm thấy ba má vẫn luôn hiện diện trong căn nhà này. Vậy mà cũng bị lấy đi". Ngoại nói nghe buồn thiu.
Ngoại vẫn thường ngủ ngồi trên chiếc ghế xếp.
Cổ ngoại bị vẹo xuống do ngủ ngồi trong thời gian dài.
Cũng có mấy lần ngoại bị té trong nhà, la làng kêu cứu mà mọi người không nghe, nên mấy năm nay ngoại đem ghế bố ra ngoài cửa ngồi, ngủ. Giữa cái xóm nhà giàu, lọt thỏm một bà già ốm nhom ngồi lầm lì trước cửa ngôi nhà xập xệ, ngó cũng sợ, nhưng ngoại ngồi đó mọi người yên tâm hơn.
Dù tuổi đã cao nhưng ngoại vẫn rất minh mẫn, mỗi ngày ngoại đều đọc báo, nghe radio để cập nhật tình hình thời sự.
Dưới mái nhà liêu xiêu là những sinh vật cùng một hơi ấm
Ngoại chưa bao giờ chịu nhận mình cô đơn. Trong ngôi nhà chật ních, ẩm thấp và hôi rình này ngoài những linh hồn của người đã mất vẫn lẫn khuất đâu đó thì luôn tấp nập những sinh vật nhỏ bé ngày ngày "trò chuyện" với ngoại.
Tụi nó là 2 con mèo, 1 con chó, mấy con chuột, vài con gián, cả bầy ruồi lúc đậu lúc bay nữa. Tụi nó ở đây che chung mái nhà với ngoại, ăn chung miếng cơm với ngoại và chia cùng sự quạnh hiu với ngoại. Thế nên ngoại đâu có cô đơn.
"Con mèo này nè, hồi trước tui lụm nó ngoài đường, lúc đó nhỏ xíu hà, mà bây giờ nó to vậy rồi đó" - ngoại kể khi tôi hỏi về "tụi nó". Ở cái tuổi của mình ngoại lo cho bản thân đã khó, vậy mà lúc nào cũng sẵn sàng chở che cho những sinh vật này. Người ta cho ngoại cơm thì tụi nó no, người ta cho ngoại nước thì tụi nó đỡ khát. Cứ thế, ngoại và tụi nó nương nhau mà sống. Có lần cô hàng xóm bắt quả tang ngoại nói chuyện với tụi nó, cô cười hì hì chắc ở chung nên ngoại hiểu tụi nó nói gì.
Chỉ có điều vì vẫn còn ám ảnh cái lần bị trộm hết đồ, nên ngoại ngại mở lòng với mọi người, không ai được ngoại mời vào nhà, các con thú hay vật dụng trong nhà cũng được bao bọc lại kỹ lưỡng. Có lần mấy bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện ghé qua ngỏ ý giúp dọn dẹp lại nhà cửa cho sạch sẽ nhưng ngoại không đồng ý.
Ngoại dùng hết chút sức già còn lại để bảo vệ những gì mình yêu thương, bảo vệ luôn sự cô độc của mình, như bổn phận mà ông trời đã dúi vào tay.