Đặt chân xuống cầu cảng Lý Sơn khi mặt trời thẳng đứng trên đầu, nắng chói chang, tôi chỉ muốn té xỉu bởi chuyến tàu 2 tiếng đồng hồ quá đỗi cực hình. May mà nhà nghỉ cách đó có vài bước chân, ngay sát bờ biển, không thì tôi sẽ ngồi đây và khóc lụt đảo mất. Chọn ghé thăm hòn đảo thiên đường đúng vào đợt nắng thui cả da, tôi thầm nghĩ thôi còn may hơn là mưa bão.

Căn phòng tôi ở view thẳng ra cầu cảng, song song với cái kè chắn sóng to đùng, những cây bàng vuông mới nhú lô nhô quanh ban công, xanh ngát. Ăn bữa trưa với mấy món đặc sản lạ miệng như trứng chiên nhum, canh chua cá kình... tôi trở về phòng tránh nắng, đến 4h chiều mới bắt đầu du ngoạn, thăm thú cảnh vật, cuộc sống trên đảo. Sau khi hỏi han cô chủ nhà nghỉ tốt bụng một cách cẩn thận, nhớ rõ những nơi có thể ghé ăn ghé chơi, tôi hớn hở cùng những người bạn đồng hành lên đường khám phá Lý Sơn.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 1.

"Vương quốc tỏi" Lý Sơn mênh mang trong nắng hè.

Quả như lời đồn, hòn đảo xinh đẹp này thật thanh bình, đơn sơ, người dân quá đỗi chất phác. Những mảnh ruộng đầy sắc màu đan xen nhau, ngô vàng, dưa xanh, tỏi hồng hồng, mía tím biếc, xen lẫn những vạt hoa dại, cỏ voi cao lút đầu người. Hàng trăm nếp nhà đan xen trong ngôi làng cổ lâu đời nhất đảo, lấp ló sau những rặng cau, mít, xương rồng, cõng đầy rêu phong thời gian. Chiều xế bóng, những cụ già đem ghế đẩu ra cổng nhà ngồi hóng mát, các chị các mẹ xúm xít nhặt rau làm cơm tối, nói cười rôm rả. Lũ trẻ con tập đạp xe la hét ầm một góc trời. Cuộc sống nơi đây mang hơi thở dịu dàng quyến rũ quá, trong phút chốc thành phố ồn ào nơi tôi ở bỗng nhòa đi như một giấc mơ không muốn quay về...

Tôi cứ mê mẩn ngắm nhìn không thốt nên lời, cho tới khi bạn chở tôi đến con đường dốc đá hơi xóc, dẫn đến thắng cảnh nổi tiếng ở Lý Sơn: Chùa Hang. 2 bên đường cây cối xanh mướt. Tới đỉnh dốc, nắng vẫn xiên rát gáy, chúng tôi dừng chân ghé lán nước ngay bãi đất trống. Từ đỉnh ngọn đồi này có thể nhìn thấy cả một khoảng đại dương mênh mông bao bọc hòn đảo, trông như chiếc quạt được vẽ tranh thủy mặc, xòe ra hùng vĩ trước mắt chúng tôi, những vị khách lạ lần đầu tiên đặt chân tới vương quốc tỏi.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 2.

Đội nắng gió rát mặt lên tới Chùa Hang, tôi vô tình gặp gỡ người phụ nữ đã gắn bó trọn đời với mảnh đất toàn cát đá, hành tỏi này.

Bộ bàn ghế cũ mèm dính đầy cát, thứ mà thiên nhiên hào phóng ban tặng quá nhiều cho Lý Sơn. Thổi phù một cái, bà cụ bán quán nước cười xòa. Bà mời chào chúng tôi bằng giọng địa phương sệt chất Quảng: "Eng xoa xoa đi, 10 ngồn một ly thôi" (bạn tôi phiên dịch luôn: ăn xoa xoa đi, 10 ngàn một ly thôi). Tôi trố mắt ra nhìn cái bàn nước, nơi có một chậu thạch trắng ngà.

Thắc mắc vì món "xoa xoa" nghe tên vừa mắc cười vừa kỳ cục, tôi gật gù khi biết thêm một thứ đặc sản của hòn đảo nắng gió này. Ở miền Trung nhiều nơi còn gọi là xu xoa. Món nước giải khát này làm từ rau câu trắng nguyên chất nên viên thạch vốn dĩ không có vị gì, phải cho thêm nước đường gừng màu vàng hấp dẫn, ngọt ngào. Thả vài cục đá lạnh, xì xụp khi nóng bức thì đúng là sướng phát điên!

Ngồi một lúc, tôi để ý thấy bà cụ bán nước cứ ngồi yên lặng nhìn chúng tôi. Vẻ như chiều nay, con đường này có mỗi nhóm khách lạ nói giọng Bắc đi ngang qua, ngồi ồn ào một góc quán. Giọng bà tuy khó nghe với chúng tôi nhưng lại ấm áp, hiền hòa vô cùng. Dáng vẻ gầy gò của bà xiêu vẹo trong nắng chiều, đôi mắt xa xăm nhìn xuyên qua rặng phi lao xuống ngôi làng cũ mà tôi mới đi qua.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 3.

Tôi không hiểu bà nói gì, bà cũng chẳng nghe được giọng tôi, ấy vậy mà hết ly xoa xoa tôi cũng nghe thủng được câu chuyện cuộc đời bà. Ngày nào bà cũng đi một đoạn đường dài đầy sỏi đá để phụ bán quán cho cô cháu gái 23 tuổi.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 5.

Hai bà cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày nhờ hàng nước tí hon kiêm trông xe miễn phí.

Tò mò, tôi cầm ly nước xích ghế lại gần chiếc võng bà nằm, bắt chuyện thật chậm rãi, vì bà cũng không quen nghe giọng miền ngoài. Gương mặt đen đúa sạm màu gió sương của bà thi thoảng xô đầy nếp nhăn khi nhoẻn miệng cười, bỗng dưng tôi thấy người phụ nữ này đẹp lạ lùng.

"Từ lúc biết đi biết nói thì gia đình tôi đã định cư trên đảo lâu rồi, quê gốc ngoài Quảng Ngãi. Cụ thân sinh chài lưới ngoài biển mấy chục năm, mẹ tôi thì ở nhà may vá, trồng hành tỏi. Cả đời ở trên đảo tôi cũng nối nghề trồng hành của gia đình, còn các anh chị em khác mỗi người một việc mưu sinh: đánh cá, trồng hành, trồng rau, làm thuê lặt vặt...

Bây giờ đã 68 tuổi, tôi yếu lắm rồi, có lẽ sau này không còn cơ hội ra đất liền nữa. Mấy năm trước còn về đất liền đi làm thuê làm mướn được, nay ở nhà phụ rửa ly, bán quán nước cho khách du lịch giùm đứa cháu gái thôi".

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 6.

Gần 70 tuổi mà bà Chín vẫn rất nhanh nhẹn minh mẫn.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 7.

Bà nhiệt tình mau miệng "tư vấn" bán đồ lưu niệm cho khách du lịch.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 8.

Cả cuộc đời bán mặt cho tỏi bán lưng cho trời, đến cuối đời, bà lại gắn bó với những món đồ chơi xa lạ.

Gặng hỏi mãi bà mới ngại ngùng nói tên. Chắc khi xưa gia đình bà đông anh em lắm nên các cụ đặt bà là Chín. Cứ nghĩ bà bán nước cho vui, đỡ buồn tay chân khi về già, còn con cháu thì ở nhà chăm lo cơm nước sẵn. Nhưng tôi đã nhầm. Cả đám buông cốc lặng thinh khi nghe bà cười bảo: "Tôi sống một mình, chồng mất đã lâu, không có mụn con nào nối dõi. Anh chị em ruột cũng mất hết rồi, chỉ còn tôi và người em út, cũng mắt mờ chân run, may còn có cháu chắt ở gần đặng nhờ cậy phút cuối đời".

Nói giọng tiêng tiếc, bà xòe tay ra lẩm nhẩm lại những kỷ niệm cũ, mới ra đất liền vài lần. Uống nước đảo, ngủ nhà trên đảo hơn nửa thế kỉ quen rồi, nên bà không hợp lối sống ồn ào của những thị dân trên tay lúc nào cũng lăm lăm điện thoại, thích chụp hình mọi lúc mọi nơi và thích ở nhà cao tầng.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 9.

Nhiều người bản xứ biết bà Chín vì gia đình bà cắm đất thổ cư ở đây quá lâu rồi.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 10.

Cả họ lẫn khách du lịch đều cảm mến bà cụ thân thiện tốt tính.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 11.

Những người bán hàng xung quanh yêu thương bà Chín như mẹ.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 12.

"Tôi không hạp lối sống trong đất liền, chỉ hạp dầm sương dãi nắng ở đây thôi!".

Bán cả ngày lời lãi chẳng được nhiêu, nhưng mấy lần bà và cháu gái bị khách lừa ăn trộm đồ, trẻ con vô tình nhặt đồ chơi chạy đi, rồi khách uống nước lợi dụng lúc đông đúc trốn thanh toán. Ở nơi vắng vẻ ít người như thế, mặt quen thì ít mà mặt lạ thì nhiều, bao lần 2 bà cháu ngẩn ngơ phát khóc, vì một chiếc vòng 20 ngàn thôi nhưng cũng là mồ hôi nước mắt bao ngày đợi khách ghé qua...

Nhác thấy mấy túi tỏi khô trên chiếc bàn la liệt những món đồ chơi, lưu niệm, vỏ ốc vỏ sò, tôi hỏi bà Chín về đặc sản tỏi cô đơn. Mấy người bạn đồng hành cũng nổi hứng, nhờ bà chỉ cách chọn tỏi ngon để mua về làm quà. Chạm đúng "chuyên môn" truyền thống của gia đình, bà rời chiếc võng, nhiệt tình nói đủ thứ về món tỏi nổi tiếng ra cả thế giới của Lý Sơn. Nhờ bà mà tôi được mở mang tầm mắt, biết rằng mình đã sai khi nghĩ rằng tỏi cô đơn là một giống đặc trưng chỉ hòn đảo này mới có.

Thật ra, tên gọi ấy xuất phát từ đặc điểm sinh học của tỏi khi trưởng thành trên những ruộng cát cằn cỗi nơi đây. Một khóm sẽ chỉ có vài củ mọc riêng lẻ, rất nhiều dinh dưỡng và có nhiều tác dụng chữa bệnh. Qua bàn tay chăm sóc của bao thế hệ nông dân lâu đời như nhà bà Chín, tên tuổi loại rau gia vị đặc trưng Á đông này lan tỏa khắp nơi.

Người con gái thứ 9 của gia tộc sống hơn 1 thế kỉ trên đảo Lý Sơn, đông anh em nhưng cô đơn cuối đời - Ảnh 13.

Người đàn bà cô đơn 68 tuổi chẳng ước nguyện gì lớn lao.

Ngồi tán dóc hồi lâu, bầu trời trên đầu cũng thẫm dần, trăng hơi khuyết treo trên đỉnh Thới Lới đẹp như tranh vẽ. Quán bà Chín nằm cuối đường ra bờ biển di tích Chùa Hang, nên bà toàn trông xe miễn phí cho khách, bất kể có uống ly xoa xoa ủng hộ hay mua món lưu niệm nào cho bà hay không. Tôi đi du lịch nhiều nơi từ Nam ra Bắc, chưa bao giờ thấy ai dễ tính như thế.

Ngửa cốc tu nốt mấy giọt nước gừng mát lạnh, tôi bỗng thấy lòng ấm áp vui tươi giữa trời chiều 38 độ. Tôi nhất định sẽ quay lại hòn đảo xinh đẹp này một ngày không xa. Để đi nốt những nơi chưa khám phá hết, để ăn lại những món ngon Lý Sơn. Và để thăm bà Chín - người con gái cuối cùng của một đại gia tộc trồng hành tỏi nức tiếng làng An Hải khi xưa.

Trả tiền cho bà, chưa đến 5 chục nghìn mà mua được biết bao nụ cười và cả tá chuyện thú vị. Chúng tôi hào hứng kéo nhau xuống bãi biển trong veo, tím ngắt màu hoàng hôn. Biển trời bao la, như một góc vũ trụ thu nhỏ ngay trước mặt. Tôi ghé tai hỏi bà Chín nốt câu cuối, rằng bà còn ước nguyện nào chưa thỏa hay không? Đôi mắt già nua ánh lên sự thảnh thơi nhẹ bẫng: "Mỗi ước mong khỏe mạnh, sống ngày nào hay ngày đó thôi. Chứ con cái không có, nhà cửa ruộng vườn chẳng còn sức làm, tiền bạc chẳng tiêu, mong cái chi?".

https://afamily.vn/chuyen-doi-ba-cu-ban-xu-xoa-giua-dao-xa-70-nam-moi-vai-lan-cham-mat-dat-lien-20170924020157586.chn