Trong một buổi chiều rảnh rang, tôi có dịp la cà quán cóc ven hồ Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội). Ngồi nói chuyện với những người dân xung quanh đây, chúng tôi vô tình biết đến câu chuyện xúc động về những mảnh đời bất hạnh, đang cố gắng mưu sinh từng ngày nhờ những đồng bạc lẻ kiếm được từ việc bán nước trà đá ven đường.

Đó là hoàn cảnh của hai mẹ con bán hàng nước hàng ven hồ, ngày ngày nương tựa vào nhau. Người mẹ tên Nguyễn Thị Nhẫn (năm nay đã 86 tuổi) và con trai tuy đã đầu 2 thứ tóc và trạc tuổi ngũ tuần nhưng tâm trí vẫn hết sức ngây ngô như một đứa trẻ 3-4 tuổi.

 - Ảnh 1.
Bà Nhẫn và con trai.

 - Ảnh 2.
Buổi chiều tháng 4, khi mẹ đang vất vả bán từng ly nước giữa cái nóng oi ả đầu hè thì anh Tiến vô tư ngồi ghếch chân nghịch ngợm lung tung.

 - Ảnh 3.
Chốc chốc lại vụt chạy biến đi đâu đó về một góc bên kia hồ Giảng Võ.

Bà Nhẫn nói, đó là con út của mình, tên là Đàm Xuân Tiến (năm nay đã hơn 40 tuổi) nhưng vì bị mắc phải hội chứng Down nên nhận thức chậm phát triển, không thể lao động, tự kiếm sống. Ông Tiến vẫn hay đi tha thẩn như vậy, có lúc buồn chán thì cầm chổi quét lá suốt dọc ven hồ hoặc với tay nhặt rác giúp các cô lao công.

"Nhiều người không biết cứ nghĩ nó quét rác xin tiền nhưng không phải. Nó ngô nghê, có biết gì đâu, thấy các cô lao công quét rác, thi thoảng hứng lên chạy ra quét cho vui nhưng nếu không thích thì dù mẹ có bảo cũng không chịu làm".

Nỗi đau người phụ nữ 3 lần tiễn biệt chồng, con

Nhắc đến chuyện đời, bà Nhẫn cố tỏ ra vui vẻ và kể rằng, bà là người con gái gốc Hà thành, thời trẻ rất giỏi buôn bán. "Trước kia gia cảnh nhà tôi rất khá giả dù đông tới 7 người con trai và 1 con gái".

 - Ảnh 4.
Bà Nhẫn kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời bà, ánh mắt nhìn xa xăm.

Thế nhưng bất hạnh có lẽ bắt đầu từ chuyện người con trai thứ tư của bà lao vào nghiện ngập. Căn nhà hai vợ chồng bà vất vả xây dựng cũng đành bán đi để trả nợ cho con. "Không lâu sau, nó cũng chết vì ma túy. Chuyện xảy ra cách đây khoảng hơn 20 năm...".

Nói đến đây, bà Nhẫn lại nhìn ra xa xăm, lờ mờ nhớ lại những chuyện cũ và dần dần kể tôi nghe về cuộc đời mình cũng bằng chính cái giọng có phần hơi chua chát với đời như thế.

 - Ảnh 5.
Bà Nhẫn có gương mặt hằn lên nhiều nếp nhăn, một bên mắt đã mù vì bị bệnh viêm nội thống và mắt bên kia cũng sắp lòa vì bệnh đục thủy tinh thể.

 - Ảnh 6.
Hai hàm răng đã gãy rụng nhiều.

 - Ảnh 7.
Nhưng nét mặt và điệu bộ luôn hằn lên nét gì đó gai góc.

Bà Nhẫn nói mình sống đến gần 90 tuổi, tuy được xem là thọ lão nhưng càng về cuối đời, càng ngẫm, càng thấy mình bất hạnh hơn người khác. "Sau khi thằng tư đi, chồng tôi bị bệnh mà qua đời. Con trai cả của tôi bị cảm, mất từ khá lâu...

Có đôi lúc tôi nhìn lại cũng tự hỏi, không biết có phải kiếp trước tạo nghiệt gì không mà đời này, mình chưa nhắm mắt xuôi tay, đã phải tiễn chồng và 2 người con ra đi lúc mái đầu vẫn còn xanh".

Nghe bà Nhẫn kể, những khách quen của cửa hàng bà đều cúi đầu, mủi lòng. Chị Hạnh (một người dân sống trên phố Trần Huy Liệu) chia sẻ: "Cũng không biết chuyện bà kể thật đến đâu nhưng bà vẫn hay kể như thế và người dân xung quanh đây chẳng mấy ai là không biết".

 - Ảnh 8.Nhưng khoan hãy nói đến những chuyện quá khứ xa xôi. Chỉ cần nhìn vào hoàn cảnh thực tại của hai mẹ con bà Nhẫn, có lẽ cũng đủ làm người ta thấy thương cảm.

Một người mẹ sức già yếu đuối như thế vẫn đang từng ngày lo kiếm sống để nuôi cậu con trai út bị bệnh Down. "Các con tôi tuy đông nhưng ai cũng có việc phải làm. Tôi nghĩ mình tự lập được lúc nào hay lúc đấy nên dù già cả, ngày nắng, ngày mưa vẫn đi bán nước đều đều kiếm tiền nuôi thân và nuôi đứa con út dại khờ nhất trong mấy anh, chị em".

"Chỉ lo lúc mình mất đi, con út liệu có sống tốt như bây giờ không?"

Bà Nhẫn mắt kém, một mình lọ mọ bán nước ven hồ từ sáng sớm đến chiều tối. Dù vất vả nhưng tiền lãi thu về mỗi ngày chỉ khoảng hơn 100.000 đồng.

"Số tiền này tôi dùng để đi chợ, nấu ăn cho hai mẹ con". Một ngày của bà bắt đầu từ lúc 6h sáng. Hôm nào bà cũng dậy sớm, lo đi chợ, cơm nước rồi dọn dẹp nhà cửa. Đến khoảng 8h sáng, hai mẹ con bà bắt đầu dọn hàng nước ở ven hồ Giảng Võ và bán ở đấy cho đến 6h chiều mới về.

 - Ảnh 9.
Bà Nhẫn nhặt nhạnh vỏ chai để bán kiếm thêm ít tiền.

 - Ảnh 10.
Trong khi cậu con trai đang đi tha thẩn xung quanh hồ.

 - Ảnh 11.
Đi chơi mỏi chân, ông tiến lại ngồi một chỗ ngơ ngác nhìn mọi người xung quanh.

Theo lời bà, ông Tiến bị bệnh Down, đến năm 20 tuổi vẫn không biết nói, biết đi. Gia đình tốn nhiều tiền chạy chữa, bệnh tuy có thuyên giảm nhưng khả năng học hỏi vẫn rất kém. "Bây giờ Tiến có thể đi lại tốt, biết nói chuyện nhưng nói rất khó nghe. Về sinh hoạt cá nhân tự lập, biết giúp mẹ vài công việc vặt n hưng không nhiều, chủ yếu là mỗi việc rửa bát, còn lại đều do tôi làm".

 - Ảnh 12.

Bà Nhẫn nói việc gì bà có thể tự làm thì sẽ không để con cái phải lo. "Quần áo của tôi, tôi giặt còn của thằng Tiến thì nó tự lo lấy. Bấy lâu nay tôi vẫn vậy, việc của mình thì luôn cố tự lo cho tốt".

Hàng nước bà bán có rất nhiều khách quen. Có người biết bà khó khăn, thi thoảng lại rút ví cho bà ít tiền tiêu vặt. "Ai cho thì tôi xin nhưng tôi không tiêu. Tôi để dành lo cho thằng út vì chỉ sợ sau này mình mất đi, ai nuôi con mình được tốt như bây giờ, liệu nó có được vui vẻ như khi còn ở với tôi không".

 - Ảnh 13.
Khi chiều muộn, ông Tiến mới quay lại giúp mẹ dọn dẹp đồ đạc.

Câu chuyện kể đến đây thì trời cũng nhá nhem tối. Hai mẹ con bà Nhẫn lại vội vã thu dọn hàng nước, đẩy bộ chiếc xe 4 bánh kéo tay chở hàng hóa về phòng trọ thuê ở làng Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội).

 - Ảnh 14.

Trong dòng người đông đúc, bóng hai mẹ con bà khuất dần, mang theo những câu chuyện kể về số phận mình, hòa vào dòng chảy chung của nhịp sống muôn màu. Ở đó, mỗi một con người đều có những vui buồn riêng. Nhưng rồi để sống và vươn lên, ai nấy đều thật mạnh mẽ, dù thể chất họ, có đôi lúc chỉ là một cụ già đang ở cái tuổi gần đất, xa trời.