Tôi sinh năm 1959. Khi mẹ tôi mang thai tôi 7 tháng, bà đã được đưa vào Bệnh viện St Paul để mổ gấp. Tôi ra đời khi không đủ tháng đủ ngày, và cân nặng lúc đó của tôi chỉ vỏn vẹn 1,4kg. Thay vì ở trong vòng tay của cha mẹ, tôi đã phải trải qua 3 tháng đầu tiên của cuộc đời mình ở lồng ấp.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một khu phố cổ ven sông ở Tai O. Vào những năm đó, khu tôi sống không hề có điện, và chúng tôi phải đốt củi hoặc sử dụng đèn dầu vào ban đêm. Thậm chí chúng tôi còn chẳng có điện thoại, ti vi và máy tính như bây giờ, chúng tôi chỉ có một chiếc radio phát thanh.

Tôi có một anh trai và một em trai. Cha tôi là một kiến trúc sư và gia đình chúng tôi thuộc dạng khá giả có điều kiện nhất trong xóm. Nhưng tất cả đã thay đổi khi tôi lên 9 tuổi.

Cuộc đời đầy những mất mát thăng trầm và hành trình tìm kiếm sự an yên của bà mẹ đơn thân có con gái mắc bệnh tự kỉ - Ảnh 1.

Đó là khi bố tôi trở thành một người nghiện thuốc phiện. Ngày ông tiêu những đồng tiền cuối cùng của gia đình vào ma túy cũng là ngày ông rời xa mọi người và đến sống ở Đảo Hồng Kông. 

Trong hoàn cảnh đó, tôi buộc phải thôi học khi mới chỉ tốt nghiệp tiểu học. Năm 12 tuổi, mẹ tôi đã xin cho tôi vào làm công nhân tại một nhà máy sản xuất bóng đèn ở Tai O. Tôi làm việc trong nhà máy 10 giờ mỗi ngày và được trả 10 đô Hồng Kông một ngày. Rất nhiều bạn cùng lớp của tôi cũng làm việc trong nhà máy này và hầu hết các cô gái chỉ có mong muốn duy nhất là được lập gia đình. Tuy nhiên, tôi lại muốn một cái gì đó hoàn toàn khác.

Khi tôi 15 tuổi, trường tiểu học Tai O bắt đầu mở những lớp học vào buổi tối. Tôi quyết định sẽ tham gia những lớp học vào ban đêm này. Và vì thế, sau khi hoàn thành công việc tại nhà máy lúc 7 giờ tối, tôi sẽ có mặt ở trường học lúc 7 giờ 15 phút.

Sau một năm, tôi bắt đầu ho ra máu. Tôi được chẩn đoán là mắc bệnh lao, một căn bệnh phổ biến ở Hồng Kông lúc bấy giờ. Tôi được đưa vào bệnh viện lao ở Wan Chai, Ruttonjee Sanatorium và phải ở đó 6 tháng liền.

Cuộc đời đầy những mất mát thăng trầm và hành trình tìm kiếm sự an yên của bà mẹ đơn thân có con gái mắc bệnh tự kỉ - Ảnh 2.

Khi tôi được xuất viện, tôi trở lại trường học vào ban đêm. Sau đó, năm 1977, tôi theo học một trường cấp 2 mới mở ở Tai O. Sau này, tôi được nhận vào làm trợ lý văn phòng cho Văn phòng Dịch vụ Cải huấn ở Tong Fuk, trên đảo Lantau. Cường độ làm việc và học tập bắt đầu trở nên quá sức đối với cơ thể nhỏ bé của tôi, và dĩ nhiên, bệnh lao lúc đó đã quay trở lại khiến tôi phải từ bỏ việc học tập của mình.

Tôi đã gặp chồng tôi, Paul William Sung, tại nơi làm việc. Năm 1986, sau khi chúng tôi hẹn hò được gần 1 năm thì cả hai đều quyết định về sống chung một nhà. Khoảng 3 tháng sau, tôi mang thai đứa con đầu lòng, nhưng chưa kịp nhìn thấy con thì tôi đã bị sẩy. Khi mang thai lần thứ 2, các bác sĩ cảnh báo rằng tôi có thể sẽ bị sẩy thải thêm lần nữa, vì thế trong 6 tháng liền tôi chỉ có ở nhà và nằm trên giường để dưỡng thai.

Nhưng cuộc đời dường như đang đùa giỡn với số phận của tôi, vì khi đó chồng tôi được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư gan và chỉ còn sống được thêm khoảng 6 tháng nữa. Anh ấy đã đưa ra một yêu cầu vô cùng khó khăn cho cả tôi và anh ấy, đó là phá thai. Anh ấy nghĩ rằng nếu tôi không có con, tôi sẽ có cơ hội tái hôn với một người khác và có một cuộc sống tốt hơn.

Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm giữ lại đứa bé cho dù thế nào. Sáu tháng sau khi Flora bé bỏng của chúng tôi chào đời, chưa kịp hạnh phúc thì tôi lại phải đau đớn đối mặt với sự ra đi của chồng mình. Cuối cùng, tôi đã không thể tiếp tục công việc mà phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con gái, đồng thời cả hai mẹ con tôi cũng chuyển đến sống cùng mẹ chồng cho đỡ vất vả.

Là một góa phụ và trở thành mẹ đơn thân, tôi nhận được 450.000 đô la từ quỹ hưu trí của chính phủ. Khi nhận được số tiền này, tôi đã dùng nó để mua một căn hộ ở Sham Shui Po và chuyển ra ngoài sống cùng con gái. Sau đó, tôi gửi con gái vào trường mẫu giáo và đi làm ở ParknShop. 

Chuyện đời đầy mất mát thăng trầm và hành trình tìm kiếm sự an yên của bà mẹ đơn thân có con gái mắc bệnh tự kỉ - Ảnh 3.

Flora không giống như những đứa trẻ bình thường khỏe mạnh, con bé thường xuyên bị sốt, co giật và vì thế mà cả tôi và con bé đều phải ra vào bệnh viện thường xuyên. Bên cạnh đó, con bé cũng gặp khó khăn trong việc học và nói, và chính vì điều đó mà con bé hay bị bạn bè bắt nạt.

Khi Flora học lớp 5, con bé được chẩn đoán là bị thiểu năng tâm thần nhẹ và được chuyển đến một trường học đặc biệt. Tại đây, Flora tiếp tục bị bắt nạt và điều này dẫn đến việc con gái tôi trở nên bất ổn về mặt cảm xúc. Tôi đã phải đưa con gái đến khoa tâm thần tại Bệnh viện Queen Mary và kết luận của bác sĩ khiến tôi vô cùng bàng hoàng và đau khổ. Flora mắc chứng tự kỉ. 

Flora sau đó phải theo học trường dành cho trẻ tự kỉ. Thời gian thấm thoát trôi qua, đến năm 22 tuổi, Flora vẫn không thể kiếm được một công việc văn phòng nào. Mãi đến năm 2009, Flora được nhận một công việc trong nhà máy đóng gói đồ chơi và kiếm được 50 đô la HK mỗi ngày. Mức lương này quá ít ỏi và không giúp ích gì cho cuộc sống cá nhân, Flora quyết định nghỉ việc và tập trung vào sở thích nhảy múa của mình. Flora đã trở lại trường đào tạo kĩ năng nhưng tại đây, một sự cố đặc biệt đã khiến con gái tôi mất niềm tin vào con người.

Sau đó, tôi đã đi cùng Flora đến một số buổi phỏng vấn xin việc. Mặc dù con bé tỏ ra khá ổn trong thời gian phỏng vấn nhưng khi nhận được công việc, con bé lại thường mất bình tĩnh và tỏ ra lo lắng, bất an. Chính trong thời gian này, tôi đã nảy ra ý tưởng mở một quán cafe, nơi mà tôi và con gái sẽ cùng nhau làm việc.

Chuyện đời đầy mất mát thăng trầm và hành trình tìm kiếm sự an yên của bà mẹ đơn thân có con gái mắc bệnh tự kỉ - Ảnh 5.

Vì vậy, năm 2011, tôi bán căn hộ của mình và chuyển đến ở trong một khu nhà tập thể rẻ tiền hơn. Tôi mở quán cafe và đặt tên là Holy Cafe. Tôi và con gái đã điều hành nó trong 2 năm nhưng nó hoạt động không thực sự hiệu quả. Sau đó tôi thuê quản lý nhưng rồi tôi cũng không hài lòng với cách người đó làm. Họ đối xử không tốt với những nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt, và vì vậy, tôi quyết định dừng lại và mở một quán Holy Cafe khác vào năm 2013, tại Cheung Sha Wan.

Tôi tuyển dụng những người gặp khó khăn trong học tập hoặc những người thất học. Sau một thời gian, nhân viên đòi hỏi được tăng lương nhưng tôi không thể chi trả mức họ yêu cầu, vì thế tôi để họ đi và đồng thời tự tay tiếp quản công việc của họ để cắt giảm chi phí. Con gái tôi và tôi bắt đầu làm việc trong quán cafe từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Cuối ngày, tôi và Flora sẽ đến chợ Sham Shui Po để mua thực phẩm. Tuy nhiên, cho dù chúng tôi đã làm việc chăm chỉ và cố gắng thế nào thì việc kinh doanh cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Có những lúc tôi gần như chẳng còn đồng nào trong túi, và tôi nhận ra đã đến lúc phải dừng việc kinh doanh này lại.

Không thể đầu hàng với số phận, tôi quyết định mở quán Holy Cafe thứ 3 vào năm 2017 tại Cheung Sha Wan. Lần này, tôi vẫn tiếp tục tạo điều kiện việc làm cho những người gặp khó khăn trong học tập hoặc không được đi học.

Con gái tự kỷ của Maria Sung không thể tìm được việc làm, vì vậy cô đã mở một quán cà phê để thuê những người khuyết tật học tập - Ảnh 2.

Holy Café ở Cheung Sha Wan của Maria Sung

Và lần này, quán nhận được sự ghé thăm thường xuyên của khách hàng hơn. Holy Cafe đã trở thành một quán cafe ấm cúng và thân thiện. Một số khách hàng quen cũng hay tặng cho nhân viên những món quà đặc biệt khi họ trở về sau chuyến du lịch. Holy Cafe dần dần giống như một gia đình. Năm 2018, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), nữ lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông đã đến quán cafe của chúng tôi và sau đó, Holy Cafe đã nhận được nhiều sự chú ý.

Sau đó, Holy Cafe đã đón nhận rất nhiều khách quý cũng như tình nguyện viên. Việc kinh doanh của chúng tôi trở nên khá khẩm hơn trước rất nhiều. Tôi hi vọng rằng mình có đủ sức khỏe và tài chính để mở rộng quy mô của Holy Cafe và cung cấp được thật nhiều cơ hội việc làm cho những người bị khuyết tật trí tuệ hay những người mắc bệnh tự kỉ như con gái tôi. 

(Theo SCMP)