Đây cũng là nội dung chính được đề cập tới trong chương trình Hội nghị - Hội thảo "Chuyển đổi số của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch" được tổ chức vào ngày 26/10/2022 tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước.
Hội nghị - Hội thảo có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các Bộ, Ban ngành, các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước và các tập đoàn công nghệ. Chủ trì Hội nghị - Hội thảo có ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL và ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Quyết liệt hành động chuyển đổi số
Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; đồng thời xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.
Với phương châm "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến" mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nêu ra trong Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều quyết định liên quan tới chuyển đổi số của ngành.
Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức của Bộ VHTTDL đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số.
Trên cơ sở Kiến trúc chính phủ điện tử phiên bản 2.0 của Bộ đã được phê duyệt, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ VHTTDL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho các cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Ủy ban Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, cho biết rằng: "Ngành VHTTDL sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với tất cả các ngành khác ở Việt Nam về quy mô thị trường, vì ngành này không chỉ phục vụ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn cơ hội để phục vụ gần 8 tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT quan niệm rằng chuyển đổi số ngành VHTTDL là hết sức cần thiết để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội đó. Đặc biệt thông qua quan hệ số, chuyển đổi số để cung cấp những dịch vụ và trải nghiệm văn hóa và du lịch ngày một tốt hơn, cá thể hóa cho từng du khách trong nước và nước ngoài.
Bộ TT&TT đã ban hành chương trình thúc đẩy và sử dụng chuyển đổi số quốc gia, đồng thời xác định năm 2022 là năm đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp trên môi trường số, bằng cách nền tảng số xuất sắc của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đề nghị việc chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung trong phạm vi toàn ngành, toàn quốc".
"Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, luôn cam kết đồng hành cùng Bộ VHTTDL trên con đường chuyển đổi số này", Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL cho biết: "Bộ VHTTDL có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ VHTTDL. Ngoài ra, chúng tôi có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam".
"Có thể thấy, trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì"- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Chuyển đổi số giúp mang Việt Nam tới gần hơn với du khách quốc tế
Tại Hội nghị - Hội thảo, có gần 40 tham luận công phu, tâm huyết về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ VHTTDL được gửi về. Trong đó, có 12 tham luận trình bày tại Hội thảo thuộc 3 nhóm chính (bao gồm nhóm chuyên đề Số hóa tài nguyên Văn hoá; nhóm chuyên đề về Du lịch số và Thể thao số; nhóm chuyên đề Chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia) đã cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.
Trong nhóm chuyên đề Số hóa tài nguyên văn hóa, trọng tâm hướng đến các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong môi trường số, nhất là phát triển bảo tàng số.
PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: "Xu thế hiện nay của bảo tàng trên thế giới không còn dừng lại ở việc trưng bày truyền thống. Thay vào đó, họ đã đẩy mạnh các ứng dụng khoa học – công nghệ như công nghệ 2D, 3D, số hóa hiện vật, cổ vật... nhằm tạo các hiệu ứng sinh động, tương tác với người xem. Không nằm ngoài xu thế này, trong thời gian qua, các bảo tàng ở Việt Nam cũng đã có những đổi mới về trưng bày và ứng dụng khoa học – công nghệ".
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã sở hữu những kho học liệu, tư liệu vô cùng quý giá để phục vụ triển lãm 3D. Bảo tàng cũng đã số hóa thành công 14 bảo vật quốc gia, được đánh giá cao về mặt học liệu cũng như những giá trị nghệ thuật mang đậm bản chất riêng có. Ngoài ra, nhiều bảo tàng khác trên cả nước cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ số để thu hút người xem trên không gian mạng. Các đơn vị khác như Viện Bảo tồn di tích, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia đã số hóa tư liệu văn hóa phi vật thể để phục vụ công tác bảo tồn.
Đặc biệt, riêng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang sử dụng ứng dụng iMuseum VFA, một ứng dụng đa phương tiện kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh chất lượng cao… cho phép người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại bảo tàng.
Trong khi đó, ở nhóm chuyên đề về Du lịch số và Thể thao số, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: "Thực tế cho thấy các di tích, di sản, các điểm đến văn hóa cũng là tài nguyên để phát triển du lịch. Từ tài nguyên phát triển du lịch đó thì biến các di tích, di sản trở thành hàng hóa của văn hóa, để chúng ta phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa".
Đứng trước nỗi lo của nhiều người khi cho rằng chuyển đổi số thì dễ có nguy cơ mất việc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ: "Chuyển đổi số không phải là để mất việc làm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thay vào đó, chuyển đổi số để khai thác thông qua mạng internet, thông qua khả năng số hóa đó làm thuận lợi cho khách du lịch đến với chúng ta".
Trong nhóm chuyên đề Chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết, cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách. Khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp.
Người Việt xem phim Việt trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đó là nhiệm vụ hàng đầu của ngành khi thị trường điện ảnh Việt Nam luôn được đánh giá có mức tăng trưởng tích cực, với nguồn khán giả trẻ đông đảo, cũng là những người dùng công nghệ 4.0 áp đảo trong việc hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh.
Đồng quan điểm chuyển đổi số để góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, nhà báo Trần Mai Anh, người sáng lập quỹ Thiện Nhân và những người bạn, chia sẻ: "Theo khảo sát của trang booking.com, 82% người quan tâm tới công nghệ có thể dự đoán các điểm du lịch; trong khi có 79% người muốn trải nghiệm các địa điểm du lịch đó bằng hình thức online trước khi đặt vé. Điều này có nghĩa là chuyển đổi số và các công nghệ như VR, AI, ứng dụng online của chúng ta sẽ thu hút được nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Du khách ở tất cả các nơi trên thế giới đều có thể tham quan, du lịch ở Việt Nam, trải nghiệm văn hóa du lịch trước khi họ biết tới nước ta".
Bên cạnh đó, các tham luận này cũng nêu lên một số hạn chế cũng như những khó khăn và bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.
"Khó khăn đầu tiên khi thực hiện chuyển đổi số chính là nhận thức của người lãnh đạo và của chính những cán bộ, bởi ngay thậm chí cũng có cán bộ nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ làm mất đi công việc của người lao động. Thứ hai, các văn bản pháp luật về chuyển đổi số cũng cần tạo điều kiện cho các đơn vị có thể triển khai được, để tránh rủi ro khi thực hiện. Thứ ba, nguồn lực cần cho chuyển đổi số cũng rất lớn, trong đó có cả về nguồn lực về tài chính và con người", TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu, Quốc Tử Giám, cho biết.
Nhà báo Trần Mai Anh nhấn mạnh: "Chúng ta đã nhắc rất nhiều tới công nghệ và làm sao mang công nghệ để truyền tải văn hóa, du lịch Việt Nam ra thế giới, nhưng có một điều rất quan trọng nội dung truyền tải những gì. Đó có thể là những thứ đang xảy ra, thậm chí là ngay thời điểm này. Đương nhiên điều này không thể ngày một ngày hai là có thể làm được. Nhưng một khi chúng ta đã tích hợp, đã tương tác với thế giới trực tuyến trong cùng một thời điểm, hình ảnh về Việt Nam đưa ra phải là những hình ảnh đẹp đẽ và mới nhất".
Tại Hội nghị - Hội thảo chuyển đổi số trong ngành VHTTDL, Ban tổ chức cũng khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTTDL một cách thuận tiện và nhanh chóng.