Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của nhà trường, giáo viên trong điều kiện nguồn lực, nhân lực hạn chế.
Khó từ cơ sở vật chất đến đội ngũ
Thầy Phạm Như Ý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang), cho biết, hiện 70% giáo viên của trường thực hiện được bài giảng điện tử. 30% còn lại do giáo viên lớn tuổi nên khó khăn trong triển khai dạy học ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) dù đã soạn được giáo án điện tử.
Bên cạnh nguồn lực cần nâng chất thì cơ sở vật chất thiếu thốn cũng trở thành rào cản của quá trình chuyển đổi số. Trường có 43 lớp, hơn một nghìn học sinh thì chỉ 15 lớp có máy chiếu, màn hình, tivi; 28 lớp tại 6 điểm lẻ vẫn dạy học theo phương pháp truyền thống bởi “trắng” trang thiết bị. Nhiều điểm trường chưa có sóng điện thoại, mạng Internet, thiết bị dạy học nên giáo viên dù muốn ứng dụng CNTT cũng không thể triển khai.
Nằm ở xã vùng khó huyện Bắc Hà (Lào Cai), việc chuyển đổi số tại Trường PTDTBT THCS Tà Chải không dễ dàng, dù ban giám hiệu đã chủ động đầu tư kinh phí một số hạng mục (phần mềm giáo án điện tử, phần mềm hệ thống chuyển đổi số, trang web, chữ ký số…) cho cán bộ quản lý và toàn bộ giáo viên.
Thầy Hiệu trưởng Lê Ngọc Anh cho rằng, còn nhiều thách thức ở cả nguồn lực và nhân lực. Đến nay, khoảng 60% giáo viên triển khai thành thạo bài giảng điện tử, 40% đang tiếp tục bồi dưỡng. Không những thế, số giáo viên yếu về CNTT cũng không có khả năng trang bị máy tính cấu hình cao cho việc soạn giáo án và dạy học ứng dụng CNTT.
Về cơ sở vật chất, 4/7 lớp có máy chiếu sử dụng được, 3 lớp còn lại máy cũ không hoạt động. Toàn trường có 1 tivi lắp đặt phòng học tiếng Anh, 7 phòng học không có.
Tại Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình), chuyển đổi số cũng là vấn đề nan giải khi điều kiện chủ quan và khách quan đều bó hẹp. Thầy Trần Đình Hòa, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Bố Trạch, cho biết, trường thiếu cả về số lượng và chất lượng máy tính không bảo đảm nhưng vẫn cố gắng khắc phục, bố trí cho giáo viên triển khai quay vòng. Tuy nhiên thách thức lớn là trường chưa có điện lưới, dẫn tới các hoạt động dạy học đều ảnh hưởng.
“Kinh phí chạy máy nổ 8 giờ/ngày cho các hoạt động thiết yếu như bơm nước, nấu ăn, điện sinh hoạt khu nội trú, màn hình tivi lớp học… đã tốn kém. Để thêm điện cho phòng máy tính, triển khai ứng dụng CNTT thường xuyên cho 9 lớp học cùng lúc chắc chắn nguồn điện yếu, khó tải. Như vậy, nhà trường sẽ phải cắt giảm nguồn điện một số hoạt động khác để tập trung cho dạy học ứng dụng CNTT. Như vậy cũng bất tiện, nhà trường khó để triển khai thường xuyên…”, thầy Hòa chia sẻ.
Theo thầy Hòa, muốn triển khai bài giảng điện tử, giáo viên phải sử dụng máy xách tay đã tích điện từ trước, thời gian triển khai trên lớp tới đâu phụ thuộc vào độ tích điện của máy. Trường cũng đồng thời chạy máy nổ (bằng dầu) trong suốt thời gian dạy học để bảo đảm 9 lớp học có điện.
Thiếu về nguồn lực, yếu về nhân lực đang là “bài toán” khó đối với các trường vùng cao, khó khăn khi bước vào chuyển đổi số, trong đó Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) cũng không ngoại lệ.
Với 29 lớp học, trường mới có 2 máy chiếu lắp đặt tại trường chính. Các điểm lẻ không có máy chiếu, màn hình tivi, máy tính. Cô Bùi Thị Minh Khuyên, một trong số 10/45 giáo viên triển khai được bài giảng điện tử, cho hay: Với các tiết học dạy truyền thống, học sinh thiếu tập trung, giáo viên phải nhắc nhở về kỷ luật trật tự nhiều lần. Nhưng với tiết học ứng dụng CNTT, không khí học tập của học sinh hào hứng, tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Song trong bối cảnh 2 máy chiếu/29 lớp thì việc xếp lịch khéo đến mấy cũng khó để có được nhiều hơn 2 tiết/học kỳ triển khai chuyển đổi số trong dạy học.
Mặt khác, để ứng dụng CNTT vào dạy học, giáo viên phải tự trang bị máy tính, học hỏi soạn giáo án điện tử. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít. Trường chưa đặt lộ trình cho chuyển đổi số mà mới đưa ra mục tiêu mỗi giáo viên triển khai bài giảng số 1 lần/năm học. Như vậy muốn “phổ cập” chuyển đổi số trong dạy học còn nhiều thách thức cần tháo gỡ dù giáo viên trong tâm thế sẵn sàng.
Thúc đẩy chuyển đổi số để nâng “chất” giáo dục
Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, cho biết: Ngành GD-ĐT Lào Cai có dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh ưu điểm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật ứng dụng CNTT. Mặt khác tư duy của một số cán bộ quản lý về quản lý số, kỹ năng xử lý số còn hạn chế. Các phần mềm, nền tảng trong quản lý nhà trường, tổ chức dạy và học chưa đồng bộ, liên thông giữa các cấp học...
Song để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngành xác định nhiều giải pháp. Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học. Cùng với đó sẽ nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành và triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý GD-ĐT.
Việc tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD-ĐT cũng được đặt ra. Đi liền đó là xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy - học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục…
Từ thực tế, thầy Phạm Như Ý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang), chia sẻ, để chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn, trường tích cực đề xuất, xin kinh phí đầu tư, huy động xã hội hóa… để lắp đặt thiết bị số ứng dụng vào dạy học tại các điểm trường lẻ còn lại.
Mặt khác, trên cơ sở điều kiện vật chất sẽ chọn người triển khai, tạo mọi điều kiện để giáo viên học tập, nâng cao kỹ năng dạy học với bài giảng điện tử một cách bài bản. Trong quá trình chuyển đổi, tiếp tục vận động giáo viên đã thành thạo CNTT hướng dẫn người biết ít để nắm vững kỹ năng cơ bản và dần nâng cao trình độ…
Để nâng “chất” đội ngũ, Trường PTDTBT THCS Tà Chải (Bắc Hà, Lào Cai) đề xuất đơn vị cung cấp hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT tăng cường hỗ trợ tập huấn giáo viên Tin học, hiệu trưởng, giáo viên CNTT. Đội ngũ này sẽ trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cùng hỗ trợ giáo viên chưa làm được tháo gỡ khó khăn.
Mặt khác, hiệu trưởng sẽ phát huy vai trò “đầu tàu” trong chuyển đổi số để quản lý hiệu quả và hỗ trợ giáo viên. Trong quá trình chuyển đổi số, tăng cường động viên, tháo gỡ, trao đổi góp ý cùng giáo viên. Không phê bình hoặc đưa thành tiêu chí đánh giá xếp loại trong thời gian đầu, tránh tình trạng giáo viên quá áp lực, vừa dạy học vừa chuyển đổi số…