Câu chuyện về người phụ nữ giấu tên đến từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc lan truyền chóng mặt sau khi bạn trai cũ của cô “bóc phốt”. Anh Ly bày tỏ sự tức giận trước thông tin vợ hụt của mình nhanh chóng cưới người đàn ông khác chỉ sau 1 tháng hủy hôn với anh.
Cô gái và anh Ly yêu nhau được 4 năm. Họ đã hoàn tất gần xong các công đoạn tổ chức đám cưới thì sự việc bất ngờ xảy đến. “Bố mẹ cô ấy yêu cầu tôi đưa tiền thưởng cuối năm cho cô ấy sau đám cưới. Tôi không nói nên lời khi nghe điều vô lý đó”, anh Ly chia sẻ.
Tiểu Ly nói rằng anh đã cố gắng hết sức để làm hài lòng người yêu và bố mẹ cô, nhưng anh cảm thấy mình không thể đồng ý với yêu cầu trên.
Anh bày tỏ: “Lương của tôi không cao, vì vậy tôi dựa vào tiền thưởng hàng năm để trang trải cuộc sống”.
Anh ấy nói rằng sợi dây cuối cùng khiến mối quan hệ của họ tan vỡ là khi cô ấy cho rằng anh không chịu đưa tiền thưởng do anh không yêu cô ấy thực sự. Sau màn tranh luận gay gắt, Tiểu Ly đồng ý lời đề nghị hủy hôn.
"Thật là nực cười. Nó chỉ xảy ra một tháng trước. Cô ấy háo hức muốn kết hôn biết bao nhưng cuối cùng không thể chống lại mong muốn của bố mẹ mình”, Tiểu Ly kể.
Còn về phần cô gái, cô đưa ra lý do: “Bố mẹ tôi hy vọng tôi có thể kết hôn càng sớm càng tốt và họ đã lên kế hoạch cho mọi thứ. Tôi cưới ai không quan trọng”.
Câu chuyện đã thúc đẩy cuộc thảo luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội.
Một người hoài nghi: “Đây không phải là cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết sao?”.
Một người khác bình luận: “Tôi có thể ủng hộ ai đây? Ai cũng có lý của họ”.
Một người bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng kết thúc mối quan hệ là một bước đi đúng đắn. Cô ấy quá ích kỉ”.
Câu hỏi đặt ra khiến rất nhiều người quan tâm và bối rối khi đưa ra đáp án: Phụ nữ quản lý kinh tế của chồng thế nào mới hợp lý?
Đa phần vợ là người quản lý kinh tế chính trong gia đình nhưng không có nghĩa đàn ông mất quyền làm chủ đồng tiền do chính mình làm ra. Có thể người vợ sẽ quản lý số tiền chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt hàng tháng. Bên cạnh đó phụ nữ vẫn nên tôn trọng đàn ông. Chúng ta được bình quyền với nam giới không có nghĩa là chúng ta có quyền quản lý tài sản của chồng.
Cách tốt nhất là mỗi cặp đôi trước khi cưới hãy ngồi lại, bàn luận về cuộc sống hôn nhân sắp tới, thỏa thuận về kinh tế, đóng góp công việc trong gia đình. Thậm chí chúng ta cũng nên chuẩn bị cả tâm lý nếu trường hợp xấu xảy ra như ly hôn sẽ có phân chia, tranh chấp tài sản.
Như câu chuyện trên, bạn gái của anh Ly muốn cầm cả tiền thưởng cuối năm của chồng dù anh có nói lương hàng tháng không cao, trông chờ cả vào tiền thưởng. Khi anh không đồng ý thì bị đánh giá là không yêu chân thành. Nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau để suy nghĩ thì có lẽ mọi thứ sẽ dễ giải quyết hơn.
Không có công thức nào cụ thể về vấn đề kinh tế chung trong hôn nhân. Bởi mỗi 1 cặp vợ chồng sẽ có thu nhập, hoàn cảnh và các khoản chi tiêu khác nhau. Thế nên chúng ta cần lưu ý những điểm sau:
- Không quan trọng ai quản lý miễn người đó biết tính toán, vun vén chăm lo cho gia đình, sẵn sàng với trọng trách ấy, khiến đối phương hài lòng và thoải mái.
- Luôn có 1 sự công bằng và cân bằng trong chi tiêu giữa vợ và chồng. Có rất nhiều cặp vợ chồng thu nhập lệch nhau khá lớn. Vậy nên chúng ta cần vạch rõ và chia nhỏ các khoản, bàn bạc phân chia trách nhiệm như chồng lo tiền học cho con, tiền sinh hoạt phí… còn vợ lo việc đối nội đối ngoại. Hoặc mỗi tháng để ra quỹ chung cho khoản ốm đau bệnh tật, quỹ đi chơi du lịch, quỹ tiết kiệm lâu dài…
- Cần thẳng thắn với nhau trong những dự định, suy nghĩ và nhu cầu cá nhân. Chồng mỗi tháng “nộp lương” cho vợ song thưởng Tết có thể giữ lại 50% để mua sắm hay làm gì đó. Quan trọng là sự thành thật và cảm thông dành cho nhau, gọi ngắn gọn thì đó là “biết điều”.
Phụ nữ đừng quan niệm rằng đàn ông phải đưa vợ quản lý hết tiền thì mới là chồng ngoan. Tiền bạc là công sức, là trí tuệ, là mồ hôi nước mắt của người làm ra, hãy để cho ai làm ra tiền quản lý tiền của họ. Kể cả có đóng góp cho gia đình cũng nên tạo lập cho họ thói quen tự nguyện và trách nhiệm.
Người chồng có trách nhiệm với vợ con, với gia đình bằng cách duy trì vật chất, tinh thần trong gia đình, nhưng cái đó không đồng nghĩa với việc anh ta phải giao hết cho vợ quản lý tài sản, tiền bạc của anh ta. Một người vợ khéo léo và tinh tế sẽ biết cầm cân nảy mực, lạt mềm buộc chặt chứ không phải ích kỉ bắt ép chồng mình phải làm những điều vô lý.