Sau nhiều ngày có mưa mát mẻ, miền Bắc chính thức bước vào đợt nắng nóng mới. Theo dự đoán của Trung tâm khí tượng thủy văn, đợt nắng nóng 40 độ C này được dự báo kéo dài đến hết tuần. Trước tình hình đó, ăn gì để giải nhiệt, chống say nắng say nóng, thực phẩm giải nhiệt những ngày nắng nóng kinh điển là vấn đề chúng ta đặc biệt quan tâm.
Chuyên gia 'bật mí" bổ sung ngay 3 loại rau, 3 loại nước để giải nhiệt, chống say nắng say nóng cực tốt. Danh sách thực phẩm, đồ uống dễ kiếm được tiết lộ ngay dưới đây:
"3 rau" giải nhiệt mùa nắng nóng
1. Mướp đắng
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) có tính hàn, vị đắng, đi vào hai kinh tâm, phế, vị có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, lương huyết, lợi niệu, thanh tâm khử hỏa.
Sử dụng thường xuyên mướp đắng sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, giúp cải thiện tình trạng da dẻ, giúp da mịn màng sáng đẹp hơn. Nước sắc mướp đắng tươi còn có công dụng chữa ho, giải nhiệt, diệt trừ mụn trứng cá. Ăn mướp đắng sẽ giúp kích thích ăn uống, giúp bạn ăn ngon hơn, đồng thời giúp hạ sốt, chống viêm.
2. Bí đao
Theo lương y Bùi Hồng Minh, bí đao là loại quả có tính mát, vị ngọt có tác dụng giải nhiệt, đại trường, tiểu trường, kiện tỳ, chỉ khát, lợi tiểu. Với tác dụng này, bí đao được coi là món ăn rất thích hợp ăn vào những ngày hè.
Với tính mát và thanh nhiệt, bí đao là lựa chọn thông minh vào những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm. Ngoài những món ăn với bí đao như canh bí đao ninh xương, canh bí đao nấm hương, bí đao nấu thịt lợn, bí đao luộc…, bạn có thể làm nước ép bí đao để cung cấp năng lượng và làm mát cơ thể nhanh nhất.
3. Mồng tơi
Trong Đông y, mồng tơi có tính hàn, vị chua, không độc, vào 5 kinh tam, tì, can, đại trường và tiểu tràng, giúp tán nhiệt, lợi tiểu, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt nhưng gây mất máu. "Trong mồng tơi có chứa chất nhầy pectin giúp chữa trị và phòng ngừa một số bệnh, đặc biệt giúp nhuận tràng, giảm béo, chữa béo phì, trừ thấp nhiệt, rất tốt cho những người bị mỡ máu, đường huyết cao", lương y Bùi Hồng Minh cho hay.
Lương y khẳng định, mồng tơi có rất nhiều chức năng, nhưng chức năng chính của loại rau này chính là thanh nhiệt, giải nhiệt, giảm cân, giảm mỡ máu. Đây là loại rau vô cùng tốt để giải nhiệt mùa hè. Bạn chỉ cần nấu canh, luộc rau mồng tơi ăn hàng ngày là đã có món ngon giải nhiệt ngày hè.
"3 nước" đánh bay nóng ngốt ngày hè
1. Nước đậu đen
Trong Đông y, hạt đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết, giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt... Đậu đen cũng được sử dụng điều trị các bệnh lú về phong nhiệt rất tốt, ngoài ra đậu đen còn có thể kết hợp với một số vị thuốc Đông Y khác để điều trị bệnh… Chỉ cần bỏ chút công sức thì bên cạnh món chè đậu đen siêu dễ nấu, bạn cũng có thể chế biến thành những món ăn chữa bệnh, dưỡng nhan cực tốt.
"Đậu đen có tính mát nên không dùng được cho những người bị hư hàn như viêm loét hành tá tràng, dễ bị tiêu chảy, tiêu chảy mạn, chân tay lạnh, sợ lạnh… Nếu chẳng may mắc phải những bệnh này, ăn đậu đen sẽ làm cho bệnh thêm nặng, khó điều trị dứt điểm", lương y Bùi Hồng Minh lưu ý. Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyên mọi người không nên ăn nhiều loại đậu cùng lúc, không đãi bỏ vỏ đậu vì sẽ mất hết tính giải nhiệt, giải độc.
2. Nước chanh
Lương y Bùi Hồng Minh nhận định, chanh có vị chua, tính bình, có tác dụng sinh tân, chỉ khát, thanh nhiệt, an thai, khai vị, tiêu thực. Những người máu nhiệt, hay rối loạn tiêu hóa, chán ăn miệng nhạt, ậm ạch không tiêu, hay nôn nấc... nên dùng chanh ngậm với muối. Chanh thường được vắt uống tươi, bạn có thể vắt chanh vào mấy lít nước, để cả vỏ và uống cả ngày sẽ giúp giải nhiệt rất tốt.
3. Nước mía
Theo Đông y, mía vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, nhuận táo, giáng khí. Dùng rất tốt trong mùa hè để phòng chống các chứng bệnh viêm nhiệt có biểu hiện miệng khô họng khát, sốt cao mất nước, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo... cũng có thể dùng cho người nôn ọe nhiều lần, miệng khô buồn bực, đại tiện táo kết và người bị ngộ độc do rượu.