Năm mới là thời gian mà người phương Tây đưa ra những quyết tâm, kế hoạch mới. Người phương Đông cũng thường nhìn lại một năm đã qua, thanh lọc tâm hồn khỏi những điều phiền muộn, tiêu cực để chuẩn bị cho năm mới với nhiều năng lượng tích cực và niềm hy vọng mới.
Mùa xuân cũng là thời điểm tuyệt vời để hướng dẫn con bắt đầu những thói quen tốt. Nhà tâm lý học người Mỹ William James đã nói: "Gieo một hành động gặt một thói quen; gieo một thói quen gặt một tính cách; gieo một tính cách gặt một số phận". Để đạt được sự thành công không phải vận may từ trên trời rơi xuống, cũng không phải tự nhiên có mà cần phải bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất trong công việc và cuộc sống.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng: "Thói quen tốt giúp cho cuộc sống của trẻ tích cực, khỏe mạnh về thể chất, tinh thần. Có rất nhiều thói quen tốt cần thiết cho trẻ em lớn lên hạnh phúc xung quanh các hoạt động hằng ngày của trẻ như ăn ngủ, vận động, học tập, chơi, tiếp xúc tương tác với những người xung quanh. Những gì năm cũ làm chưa tốt thì cha mẹ có thể tận dụng thời điểm nghỉ lễ như thế này để tạo môi trường cho con bắt đầu lại hoặc khởi động những điều mới mẻ".
Với cha mẹ, dạy con cũng là dạy mình. Khi tạo cho con thói quen tốt cũng là cho cả gia đình. Chẳng hạn đọc sách trước khi ngủ; ăn uống lành mạnh; tập thể dục mỗi ngày; vệ sinh cá nhân; sự tôn trọng với những người xung quanh; không ăn uống lãng phí… luôn được xem là một nếp sống tốt và gương mẫu.
Thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển thói quen tốt. Nhiều thói quen tưởng không đáng kể, nhưng mang lại những thay đổi bất ngờ cho tương lai của trẻ. Để làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm, động lực, nghị lực và cả thể lực để có thể thực hành và duy trì một cách bền bỉ.
21 ngày bắt đầu thói quen tốt, 3 tháng từ bỏ 1 thói quen xấu
Anh Bùi Khánh Nguyên cho biết, theo nhiều nghiên cứu, bạn mất khoảng 21 ngày để tạo dựng một hành động quen thuộc với mức độ phức tạp trung bình.
Hình thành một thói quen không hề đơn giản, tuy nhiên, từ bỏ một thói quen còn vất vả hơn khi cần nhiều thời gian lên tới 3 tháng. Cha mẹ có thể lựa chọn thời điểm mùa hè, cụ thể là khoảng thời gian con nghỉ hè để giúp trẻ cải thiện những thói quen chưa tốt.
"Rất nhiều cha mẹ hỏi: Tôi không biết nhiều thứ để dẫn dắt con vì chương trình học ngày nay rất phức tạp, nhiều yếu tố học thuật, trào lưu mới... Thực ra, một cách những cách đồng hành căn bản và có hiệu quả cao đó là duy trì thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày. Như vậy cha mẹ đã có đóng góp rất lớn vào sự trưởng thành của con cái kể cả về thể chất, sức khỏe, sức mạnh tâm lý cũng như động lực để hướng tới thành công về học thuật hay trong cuộc sống", chuyên gia Khánh Nguyên chia sẻ.
Hình thành một thói quen tốt giống như chèo một con thuyền ngược dòng, còn thuận theo thói quen xấu giống như xuôi dòng. Giai đoạn đầu tiên thành lập thói quen sẽ có những khó khăn nhất định. Nhưng nếu biết lấy kết quả tốt đẹp sẽ tới trong tương lai làm động lực thì chúng ta sẽ ít bỏ cuộc hơn.
Bên cạnh là hình mẫu, cha mẹ có thể động viên, truyền cảm hứng để con cái khởi động những thói quen mới. Nên đặt mục tiêu thực tế và giới hạn, bắt đầu với những hành động nhỏ và tăng dần.
Sống tích cực là một lựa chọn. Ai cũng có thể bắt đầu để trở nên tốt đẹp hơn và không bao giờ là quá muộn. Chúng ta đều được trao cơ hội như nhau, bắt đầu từ suy nghĩ tích cực, thói quen tốt đẹp để tạo ra kết quả như mong muốn về sau. Những thói quen xấu đẩy trẻ khỏi con đường đúng đắn, những thói quen tốt có thể nâng đỡ trẻ tiến lên trên đường đời.
Theo anh Nguyên, cha mẹ càng giúp con tạo được nhiều thói quen tốt bao nhiêu thì càng làm đầy "tài khoản" thành công của trẻ trong tương lai bấy nhiêu.
Một số thói quen cần rèn cho trẻ càng sớm càng tốt, đặc biệt vào thời điểm mùa xuân - khởi đầu một năm mới như sau:
1. Tự giải quyết vấn đề và suy nghĩ độc lập
2. Có giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học
3. Không trì hoãn
4. Tham gia làm việc nhà và trau dồi tinh thần trách nhiệm
5. Phát triển thói quen đọc sách và tìm tòi thông tin.
6. Nghe nhiều hơn xem (nghe radio, podcast...)
7. Chấp nhận thất bại
8. Học cách lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ người khác
9. Yêu thiên nhiên, yêu thể thao
10. Kiểm soát tốt cảm xúc