Vài năm gần đây, một trong những phương thức tuyển sinh được các trường đại học áp dụng đó là xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó phổ biến nhất là IELTS, SAT.
Tại Việt Nam hiện có chứng chỉ tiếng Anh - VSTEP Bộ GD&ĐT cấp phép tổ chức. Tuy nhiên, hiện chỉ một số trường đại học dự kiến chấp nhận sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển.
Được biết, bài thi VSTEP gồm 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được Bộ GD&ĐT ban hành tháng 3 năm 2015. Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị xây dựng định dạng đề thi.
Ra đời đã lâu và có quy trình chặt chẽ, nhưng tới năm 2022 mới lần đầu được trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng để tuyển sinh, với 21 học sinh có chứng chỉ VSTEP bậc 5 đã trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh.
Hiện học sinh chỉ biết nhiều về chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC và các trung tâm ngoại ngữ thường hay dạy IELTS, TOEFL hơn là VSTEP. Số trường đại học ưu tiên tuyển thí sinh có trình độ theo khung 6 bậc của Việt Nam rất ít.
"Tự phủ nhận mình"
Theo chuyên gia tư vấn giáo dục Bùi Khánh Nguyên, việc các trường đại học Việt Nam tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh VSTEP nhưng không chấp nhận VSTEP, chỉ chấp nhận IELTS là tự phủ nhận mình.
Ông Nguyên cho biết, thông qua phản ánh của sinh viên, ông cũng được biết hiện nay một số trường đại học trong nước đang vừa tổ chức kỳ thi VSTEP nhưng đồng thời cũng từ chối sử dụng kết quả của chính kỳ thi này đối với sinh viên của trường mình.
"Cụ thể, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện là 1 trong ít nhất 25 cơ sở giáo dục được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh VSTEP từ năm 2021. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, sinh viên theo học chương trình liên kết quốc tế của trường với Đại học Middlesex (Anh) vẫn bị từ chối tiếp nhận chứng chỉ VSTEP trong điều kiện tuyển sinh vào chương trình, mà trường chỉ chấp nhận điểm IELTS.
Đáng nói hơn nữa, chương trình không chấp nhận chứng chỉ VSTEP của phía Việt Nam và của chính đại học tham gia liên kết là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng lại chấp nhận kỳ thi tiếng Anh nội bộ của trường đại học Middlesex. Với kỳ thi của Đại học Middlesex, trường chỉ chấp nhận hộ chiếu của thí sinh tham gia thi chứ không chấp nhận căn cước công dân của thí sinh Việt Nam.
Với chính sách khó hiểu và mâu thuẫn như trên, các câu hỏi mà sinh viên đặt ra với Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng cũng như các đại học Việt Nam nói chung là thỏa đáng:
- Liệu các đại học Việt Nam có đang thần thánh hóa IELTS mà phủ nhận chính kỳ thi của Việt Nam là VSTEP?
- Các đại học Việt Nam có thể hiện được sự bình đẳng khi liên kết quốc tế không khi chấp nhận kỳ thi nội bộ của trường đối tác nhưng lại phủ nhận kỳ thi quốc gia của Việt Nam, dù cả hai kỳ thi đều chỉ có mục đích chung là đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên?
- Các chương trình liên kết tổ chức kỳ thi khảo sát tiếng Anh của sinh viên nhưng từ chối sử dụng căn cước công dân (dịch thuật có công chứng) của Việt Nam mà chỉ chấp nhận hộ chiếu. Điều này có hợp lý và đúng luật không khi kỳ thi được tổ chức trên lãnh thổ của Việt Nam và dành cho sinh viên là công dân Việt Nam?
Năm 2022, báo Giáo dục Việt Nam dẫn lời đại diện Học viện Báo chí và Tuyên truyền như sau:
"Thầy Trần Văn Thư - Phó Trưởng Ban quản lý đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, đơn vị không có khó khăn nào trong việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP làm chuẩn đầu ra đối với sinh viên trong trường.
Cụ thể, mới đây Ban quản lý đào tạo cũng đã trình Ban Giám đốc về Dự thảo sửa đổi quy định chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo của nhà trường.
Trong nội dung Dự thảo, ngoài những yêu cầu có tính chất chuyên biệt, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP sẽ là một trong các chứng chỉ áp dụng cho các chương trình đào tạo hiện nay của nhà trường.
Bởi vậy, chúng tôi đánh giá rất cao chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP nên đã đề xuất chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP cũng sẽ được áp dụng cho tất cả chương trình đào tạo (chuẩn đầu vào, đầu ra và chương trình quốc tế) trong nhà trường sau này, song song với các chứng chỉ quốc tế được quy định trước đây", thầy Thư chia sẻ.
Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, đơn vị là trường Đảng, trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc gia. Bởi vậy, trước tiên nhà trường phải đảm bảo đúng quy chế, quy định, của đảng, nhà nước và đặc biệt là của Bộ GD&ĐT, bởi chuyên môn do Bộ quản lý.
Nhận định về thực trạng tồn tại trong chính sách tuyển sinh hiện nay, thầy Thư cho rằng, nhiều trường đưa ra yêu cầu với thí sinh về chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong khi đó Đề án tuyển sinh không nêu về chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP. "Tại sao các trường không đưa VSTEP là một tiêu chí tuyển sinh, đây là điều bất hợp lý", thầy Thư nhấn mạnh.
Mặc dù có nhìn nhận những vấn đề bất cập, cho đến nay chính sách của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn chưa thay đổi và chính sách này đang tiếp tục làm khó chính sinh viên của trường.
Là giáo viên/giảng viên tiếng Anh, tôi cho rằng các đại học có khoa Ngôn ngữ Anh đều có khả năng tổ chức được kỳ thi VSTEP và đủ sức đánh giá năng lực tiếng Anh của thí sinh theo 6 bậc của Khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu. Việc này không khó tới mức như người ngoài lĩnh vực ngoại ngữ tưởng tượng", ông Nguyên nói.
Thông qua câu chuyện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên gia tư vấn giáo dục Bùi Khánh Nguyên mong rằng các đại học Việt Nam sẽ thay đổi cách tiếp cận với các chứng chỉ ngoại ngữ, thể hiện sự khoa học trong vấn đề đánh giá năng lực ngoại ngữ và đào tạo, cũng như không có những chính sách tự phủ nhận chính mình, đặc biệt trong quan hệ đối tác song phương với đại học nước ngoài.