Trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các công ty đã phải lựa chọn giải pháp làm việc tại nhà. Mỗi doanh nghiệp lựa chọn các công cụ làm việc online khác nhau, và ứng dụng được lựa chọn nhiều hàng đầu thế giới là Zoom Cloud Meetings.
Theo một báo cáo được công bố bởi công ty bảo mật CNTT Check Point, hơn 1.700 tên miền Zoom mới đã được đăng ký kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, 25% trong số đó mới được đăng ký trong bảy ngày gần đây.
Ở Việt Nam, Zoom còn là app họp từ xa được tải về nhiều nhất. Không chỉ các doanh nghiệp mà kể cả trường học cũng dùng Zoom để dạy trực tuyến. Zoom tiện lợi hơn các ứng dụng gọi điện video khác khi có thể làm việc trên nhiều thiết bị, trên cả kết nối Wi-Fi hay 4G, đồng thời dễ sử dụng, có thể chia sẻ màn hình và gửi tin nhắn cho mọi người. Tất cả các cuộc họp trực tiếp có thể được lưu trữ miễn phí. Người dùng có thể nhắn tin với cả nhóm hoặc trò chuyện riêng tư.
Zoom cho phép tối đa 50 người tham gia hội họp cùng lúc, cho hình ảnh rõ nét, âm thanh chuẩn không bị đứt quãng và rõ ràng, giúp người dùng gửi file và tin nhắn nhanh chóng, ngoài ra còn có thể mời thêm mọi người tham gia họp nhanh chóng thông qua email.
Tuy nhiên bất kỳ cuộc họp nào dài hơn 40 phút sẽ yêu cầu phiên bản trả phí. Ngoài ra, Zoom vừa bỏ giới hạn cuộc họp như một hành động ủng hộ nhân viên văn phòng làm việc online tại nhà. Phiên bản tính phí Zoom hỗ trợ khoảng 500 thành viên tham gia cuộc họp trực tuyến.
FBI cảnh báo ứng dụng Zoom dễ bị hack
Mặc dù với mức độ phủ rộng đến người người nhà nhà nhưng ứng dụng Zoom vẫn có những mặt tiêu cực nhất định. Mới đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI cảnh báo phần mềm Zoom dễ bị hack, đồng thời họ cũng ghi nhận nhiều báo cáo về tình trạng đang họp bị chen ngang bởi hình ảnh khiêu dâm và phát ngôn thù địch.
Bên cạnh đó, gần đây Zoom còn bị hacker sáng chế ra những phiên bản lỗi chứa virus. Những phần mềm giả mạo app Zoom, bên trong có chứa mã độc rất nguy hiểm. Từ việc click vào các đường link này, người dùng có thể bị truy cập vào thông tin cá nhân cũng như bị đánh cắp, phát tán tin đó ra ngoài.
Vậy phải làm sao để dùng ứng dụng Zoom một cách an toàn?
Trước hết, chị em cần nhớ kỹ: Chỉ tải Zoom Cloud Meetings từ App Store trên iOS hoặc Google Play trên Android. Không tải Zoom về từ các trang web đáng ngờ vì không an toàn về bảo mật.
Tiếp đến, bạn có thể bật Windows Defender hoặc các trình Antivirus để đề phòng các phần mềm độc hại. Trong trường hợp không phải tạo Room riêng, hãy sử dụng bản Web bằng cách truy cập vào trình duyệt - Zoom.us, chọn Join Room để truy cập phòng họp, không cần phải tải app để cài đặt trực tiếp lên máy tính.
Đồng thời, cũng trong ngày hôm qua - Zoom.us đã tung ra bản vá lỗi khắc phục các vấn đề này. Chị em có thể mở ứng dụng Zoom và hãng sẽ có cảnh báo Update theo như hình ảnh minh họa bên dưới. Sau đó hãy thực hiện theo để tránh rủi ro.
Theo các chuyên gia bảo mật của Vccorp, phần mềm diệt virus vẫn cần được bật và nếu không phải tạo phòng họp, vẫn nên dùng bản web để tham gia vào phòng họp có sẵn (Join a Meeting).
Hi vọng chúng ta sẽ sử dụng app Zoom một cách an toàn và thuận lợi!