Theo TS Đỗ Thiện Dân (khu điều trị Laser, chủ nhiệm khoa Y học Thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), nhiều người hay quan niệm rằng vết sẹo nổi lên trên bề mặt da thì ngay lập tức cho rằng đó là sẹo lồi. Thực tế không phải vậy.

Theo Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới có ít nhất khoảng 100.000.000 người bị sẹo mới trên cơ thể. Trong số hàng trăm triệu người hình thành sẹo mới mỗi năm không phải ai cũng gặp tình trạng sẹo lồi. Tỷ lệ bị sẹo lồi rất ít, chiếm 5-15%. Còn lại đều là những sẹo có diễn biến bình thường hoặc sẹo phì đại.

s1

Vậy làm sao phân biệt sẹo lồi và sẹo phì đại để có hướng điều trị đúng? Vị chuyên gia sẽ giải thích tường tận cụ thể trong bài viết này.

Đặc điểm lâm sàng

Sẹo lồi

- Một số vùng da trên cơ thể rất dễ bị sẹo lồi: Vùng trước xương ức, vùng lưng trên, vùng gáy, vùng da cơ delta, dái tai, vùng trước ngực, vùng môi trên, cằm và khu vực xương hàm dưới.

- Hình dạng của sẹo rất khác nhau, từ có chân, sù sì nhiều múi cho đến mềm mại với bề mặt nhẵn, ranh giới đều đặn.

- Hiếm khi có xâm nhập xuống tổ chức dưới da.

- Có thể nhô cao khỏi bề mặt da xung quanh từ vài mm đến 2-3cm.

- Mật độ có thể cứng chắc và đàn hồi hoặc cứng như đá.

s2

Một số vùng da trên cơ thể rất dễ bị sẹo lồi: Vùng trước xương ức, vùng lưng trên, vùng gáy...

- Ngứa và đau là những dấu hiệu rất thường gặp.

- Có thể gây co kéo và hạn chế vận động của vùng cơ thể bị bệnh.

- Sẹo có thể liên tục phát triển, tăng kích thước trong một thời gian dài.

Sẹo phì đại

- Cũng chỉ có ở người.

- Không có sự ảnh hưởng tác động của gen di truyền.

- Không có sự khác biệt về tuổi, giới.

- Không có sự khác biệt về chủng tộc.

- Thường phát triển ở các tổn thương bỏng độ II, III.

- Có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào của cơ thể, tuy nhiên hay gặp ở các chi thể và khu vực thân người.

- Các vết thương chạy qua các khớp, các nếp gấp của da dễ bị hình thành sẹo hơn.

- Có sự tương quan giữa kích thước của sẹo với kích thước của tổn thương ban đầu.

s3

Sẹo phì đại có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào của cơ thể, tuy nhiên hay gặp ở các chi thể và khu vực thân người.

- Sẹo chỉ phát triển trong ranh giới của vết thương gốc.

- Có thể tự thoái lui trong vòng 12-18 tháng.

- Có đáp ứng tốt với biện pháp phẫu thuật sửa sẹo.

Đặc điểm khác biệt của sẹo lồi so với sẹo phì đại

- Có thể có mối liên quan đến gen nhưng cách thức di truyền thì cho đến nay vẫn chưa có.

- Bệnh có nguy cơ cao ở những chủng tộc da sẫm màu.

- Nguy cơ tăng ở những người nhóm máu A, có liên quan với HLA type B14, BW16.

- Có sự liên quan đến mật độ các tế bào sắc tố của các vùng da khác nhau.

- Không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về nguy cơ giữa hai giới.

- Có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên hay gặp nhất trong giai đoạn phát triển của cơ thể (10 đến 30 tuổi).

s4

Đặc điểm khác biệt của sẹo lồi so với sẹo phì đại là có sự liên quan đến mật độ các tế bào sắc tố của các vùng da khác nhau.

- Sẹo có thể hình thành ngay sau tổn thương da, cũng có thể hình thành trong vòng một năm. Tuy nhiên, y văn đã ghi nhận có những trường hợp sẹo hình thành trên một vết sẹo đã lành sau 24 năm.

- Kích thước của sẹo không có sự tương quan với kích thước tổn thương ban đầu (khối sẹo to có thể hình thành từ một vết kim tiêm, vết côn trùng đốt…).

- Giới hạn của tổn thương, vượt quá giới hạn của tổn thương ban đầu.

- Rất hiếm khi có biểu hiện thoái lui.

Các biện pháp dự phòng sẹo lồi, sẹo phì đại

Dự phòng là nguyên tắc đầu tiên trong điều trị sẹo lồi. Các biện pháp dự phòng cơ bản bao gồm:

- Tránh các phẫu thuật mang tính thẩm mỹ không cần thiết trên các bệnh nhân có cơ địa hình thành sẹo lồi.

- Khi tiến hành khâu đóng vết thương, cần giảm tối đa sức căng.

- Không được tạo các đường rạch da đi ngang qua bề mặt các khớp.

- Tránh các đường rạch da ngang qua giữa ngực và cần đảm bảo chắc chắn các đường rạch luôn đi theo các nếp da (nếu có thể).

Từ đây, bác sĩ sẽ căn cứ vào hiện trạng vết sẹo cụ thể và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.