Tết đến xuân về, nhà nhà nô nức với những món ăn cổ truyền, nào thịt đông, giò chả, nào chè kho, mứt quả thơm ngon. Sự cám dỗ của đồ ăn đôi khi khiến bạn không thể kiểm soát được trọng lượng – điều này thì khi hết nghỉ lễ có thể bạn khắc phục được nhanh chóng. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ việc ăn uống vô độ những thực phẩm vừa ngon vừa ngọt luôn núp trong bóng tối chờ cơ hội khiến bạn phát phì, sinh bệnh chưa?
Điều này sẽ thể hiện rõ chỉ ngay sau kỳ nghỉ tết của bạn thôi nhé! Bây giờ, hãy cùng điểm qua những thủ phạm hàng đầu khiến bạn phát phì, sinh bệnh dịp năm mới để "tém tém" lại cái miệng, để vừa khỏe vừa xinh:
Sự cám dỗ của đồ ăn đôi khi khiến bạn không thể kiểm soát được trọng lượng – điều này thì khi hết nghỉ lễ có thể bạn khắc phục được nhanh chóng.
Thịt đông
Thịt đông là một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cơm Tết cổ truyền. Với độ ngậy và mát, món thịt đông trở thành món ăn cực hấp dẫn. Người ta thường sử dụng mộc nhĩ, chân giò, thịt gà, tai lợn… đem ninh nhừ trong nhiều giờ đồng hồ và để đông lạnh nhờ tiết trời se se lạnh ngày Tết hoặc để đông trong tủ lạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia), mặc dù ăn rất ngon nhưng món ăn chứa nhiều đạm này lại ẩn chứa nguy cơ tăng cân vùn vụt, đặc biệt là gây tác động xấu cho nhiều người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa.
Chưa kể, khi ăn thịt đông, chúng ta thường có xu hướng ăn cùng với bánh chưng, cơm trắng để hài hòa vị mặn trong món thịt. Điều này càng khiến nguy cơ tăng cân cũng như rối loạn chuyển hóa tăng cao, trong đó phải nói đến rối loạn lipid máu. Hàm lượng chất béo và đường bột đều rất cao, trong khi sự kết hợp này lại chống ngán, ăn ngon miệng hơn, khiến chúng ta ăn không thể kiểm soát làm cho bạn gặp rắc rối lớn sau dịp nghỉ lễ.
Mặc dù ăn rất ngon nhưng món ăn chứa nhiều đạm này lại ẩn chứa nguy cơ tăng cân vùn vụt, đặc biệt là gây tác động xấu cho nhiều người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa.
Chè kho
Đây là món ăn truyền thống cực thịnh hành vào dịp Tết cổ truyền. Ở thôn quê, người ta thường hay rủ nhau nấu chè kho – món ăn mà để làm ra phải dùng sức tay khá là vất vả để tượng trưng cho một năm mới ngọt thơm, đồng thời làm món tiếp đãi khách ăn lấy may. Món ăn nhiều đường này có thể ăn rồi uống trà, rất ấm bụng cho ngày Tết rét mướt, cũng có thể đổi vị với bánh chưng…
Tuy nhiên, món ăn thơm ngon, ngọt ngào này không nên ăn thường xuyên bởi hàm lượng đường quá cao. Thông thường, để có vị ngọt lịm của chè kho chuẩn, người nấu thường chọn đường kinh để làm chè kho với tỷ lệ 2 đậu một đường. Giới chuyên gia nhận định, tỷ lệ đường quá lớn cùng hàm lượng bột trong đậu xanh sẽ tạo ra món ăn gây tăng cân vù vù ngay đầu năm mới. Béo phì, nhất là lớp mỡ bụng quá dày có thể làm phát sinh nhiều bệnh mãn tính cực nguy hiểm.
Món ăn thơm ngon, ngọt ngào này không nên ăn thường xuyên bởi hàm lượng đường quá cao.
Bánh chưng
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, bánh chưng được làm từ gạo nếp, 100 g gạo nếp có 344 kcal. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh,… Do đặc tính dẻo, dính nên ăn đồ nếp nói chung, bánh chưng nói riêng, năng lượng chúng ta nạp vào cao hơn khi ăn cùng số lượng tương đương với cơm tẻ. Chính vì vậy, ăn nhiều bánh chưng khiến nhiều chị em tăng cân nhanh chóng.
Đặc biệt, nhiều người thay vì ăn bánh chưng luộc thông thường lại có sở thích ăn bánh chưng rán vì mùi vị hấp dẫn, thơm ngon hơn. Tuy nhiên, bánh chưng khi được chiên rán sẽ tích tụ rất nhiều chất béo, không tốt cho cơ thể. Ăn nhiều sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và tăng cân nhanh.
Bánh chưng khi được chiên rán sẽ tích tụ rất nhiều chất béo, không tốt cho cơ thể.
Điều này càng trở nên tai hại hơn nếu bạn ăn cùng mứt tết. Tất nhiên là hiện nay, những hộp mứt không còn được bày bán nhiều như ngày xưa mà chuyển sang nhiều loại bánh kẹo khác nhưng không phải là không còn ai ăn mứt. Mứt qua chế biến thường được tẩm ướp nhiều đường nên cực có hại cho người thừa cân, béo phì, cao huyết áp. Khi ăn bánh chưng đã béo lại còn tráng miệng bằng mứt thì nguy cơ gây bệnh càng cao.
Nước ngọt, đồ uống có gas
Vào dịp Tết, nước ngọt, đồ uống có gas cũng rất thịnh hành, giúp cho bạn ăn uống ngon miệng hơn, khoái khẩu hơn. Nhưng nước ngọt, đồ uống có gas đều khiến cơ thể gặp nguy hại.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), sự độc hại của nước ngọt có gas chính là đường và các thành phần phi tự nhiên khác: chất tạo màu, chất ngọt nhân tạo, đặc biệt là đường si-rô bắp mà nhà sản xuất đưa vào. Với một số loại nước ngọt, công thức pha chế là sở hữu độc quyền của nhà sản xuất, không ai có thể biết chính xác các thành phần bên trong. Các chất này chắc chắn không có lợi cho sức khỏe.
Sự độc hại của nước ngọt có gas chính là đường và các thành phần phi tự nhiên khác: chất tạo màu, chất ngọt nhân tạo, đặc biệt là đường si-rô bắp mà nhà sản xuất đưa vào.
Nói chung, sử dụng đồ uống có gas không bổ béo gì, mua nhiều nước ngọt dùng dịp Tết thì càng tốn tiền lại còn khiến tăng cân, béo phì. Đặc biệt, vị và mùi dễ chịu nên nó đánh lừa cảm giác ăn uống của mọi người, thậm chí kích thích người ta ăn nhiều đồ dầu mỡ hơn. Từ đó khiến bạn đã béo càng thêm béo, phát sinh nhiều nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Tóm lại, một chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong dịp Tết Nguyên Đán. Mặc dù kỳ nghỉ lễ chỉ kéo dài hơn 1 tuần nhưng chỉ cần ăn uống không điều độ sẽ dẫn đến những hệ lụy sức khỏe đáng tiếc. Mỗi người cần hết sức cẩn trọng, tránh mắc bệnh sau Tết bằng cách ăn uống điều độ, không ăn quá no vào buổi tối, hạn chế đồ dầu mỡ đường, không ăn vô tội vạ, tăng cường rau củ quả tươi để giữ dáng đẹp da đồng thời chăm sóc sức khỏe tốt hơn.