Khi đưa con du học, phụ huynh thường chú tâm quá nhiều về những chuyện bên lề như thủ tục visa; thuê nhà ở; mua quần áo; ăn mặc; luyện thi IELTS... Tuy nhiên, có những vấn đề khác rất cần tìm hiểu kỹ nếu muốn hành trình du học của con diễn ra suôn sẻ.

Anh Bảo Nguyễn - nhân viên điều hành bậc hậu cử nhân (MA và PhD) của một trường đại học ở Canada với 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là người có nhiều bài viết được phụ huynh yêu thích về du học Canada - Toronto, cho rằng: "Cuộc sống Canada không màu hồng, không xám xịt mà nó rất "thực dụng". Các em cần phải nhắm cho mình một cái đích rõ ràng. Nếu không, ngày tháng ở Canada sẽ trôi nhanh, còn các em sẽ vẫn bị neo đậu hoài một chỗ trong căn phòng của mình ở một đất nước xa lạ".

Một số hướng dẫn sau đây được anh Bảo Nguyễn đưa ra giúp các em học sinh sinh viên có ý định du học Canada hạn chế việc đi sai đường, vào sai chỗ.

Chuyên gia chia sẻ 15 điều quan trọng khi du học Canada giúp học sinh tránh đi sai đường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

1. Ở Canada và Mỹ không cần phải tốt nghiệp xong trung học mới nộp đơn xin vào University/College. Các em học sinh bắt đầu nộp đơn vào College & University từ tháng 11 của năm trước để xin nhập học tháng 9 năm sau. Đó là thời điểm học kỳ 1 của năm lớp 12. Khi nào tốt nghiệp vào tháng 6 thì các em sẽ bổ sung transcripts (bảng điểm), chứng chỉ tốt nghiệp. Các em ở Việt Nam muốn du học cũng nên theo trình tự này.

Những chương trình đào tạo tốt tại các University & College tốt thì cạnh tranh nhiều. Những ứng viên giỏi, nộp đơn sớm sẽ được xét trước. Ai nộp trễ dù là hồ sơ tốt vẫn bị lên waiting list (danh sách đậu vớt nếu có). Còn nếu muốn sang du học bậc high-school (THPT) thì cần nộp đơn trước 5-6 tháng. Chỉ có những chương trình dễ, những trường tư dễ mới nhận đơn quanh năm vì họ cần doanh thu.

2. Năm học University & College bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 5. Các em nên nhập học đúng lịch, tránh sang Canada vào tháng 1 vì đây là thời gian rất lạnh, khó khăn cho sinh hoạt và ổn định cuộc sống. Hãy theo nguyên tắc phần số 1 để tránh trường hợp tốn thời gian và tiền bạc phải sinh sống tại Canada khi không có lớp học. Chỉ nên bắt đầu vào tháng 1 khi nào đọc kỹ thông tin của trường và biết rõ chương trình học chắc chắn kéo dài liên tục vào mùa hè.

3. Luôn luôn vào trường công của chính phủ, vào những nơi có sinh viên Canada và thế giới đổ vào du học. Canada chưa hề có một university, college hay private high-school nào nổi tiếng dành riêng cho người nước ngoài. Làm nên sự nổi tiếng của giáo dục Canada là trường công. Dù là đi học ngắn hạn English, cũng vào các University/College công.

4. Nếu vào đại học và học những ngành chuyên (kỹ thuật), tốt và cạnh tranh thì luôn nộp từ 3 cho đến 5 trường. Hãy chọn trường theo ưu tiên 1, 2 và những cái cuối là những trường dễ vào nhất. Đó sẽ là những tấm lưới an toàn cho mình hạ cánh. Khi nhận được admission letters (thư chấp nhận), lúc đó sẽ suy xét cái nào tốt và thích hợp nhất thì ký giấy nhập học và đóng tiền. Còn nếu xin vào college hay những ngành dễ dàng, ít cạnh tranh thì khỏi phải lo.

5. Nếu có đủ điều kiện thì hãy vào các đại học lớn vì ở đó có chương trình học phong phú hơn, đào tạo nhiều ngành nghề hơn. Các em sau năm thứ 1 có thể có định hướng nghề nghiệp rõ ràng để theo đuổi ngành mình học. Những em chọn sai hay chưa chọn ngành năm đầu thì sang năm thứ hai có cơ hội chọn ngành dễ dàng. Đại học lớn có nhiều chương trình graduate studies (hậu cử nhân) để có thể học tiếp nếu đủ khả năng. Khi ra trường, sẽ thuận lợi hơn khi nộp đơn xin việc hay học tiếp tại các đại học Canada, Mỹ hay thế giới.

6. Khi chọn các chương trình học hãy ráng chọn chương trình của một University hay college nào có Co-op program. Co-op nghĩa là các chương trình huấn nghệ, sinh viên có cơ hội đi ra thực tập, làm cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất ở ngoài. Như vậy có thể có lương, có kinh nghiệm và cơ hội việc làm sau này. Co-op có thể diễn ra trong một học kỳ, hoặc là một năm tuỳ theo chương trình.

7. Nếu muốn có việc làm sau này tại Canada thì nên tập trung vào việc chọn ngành có triển vọng việc làm cụ thể thay vì chọn tên tuổi của trường đại học. Ví dụ, học Computer (máy tính) ở một đại học hạng 30 Canada vẫn tốt hơn học văn chương, lịch sử, triết học... tại một đại học hàng đầu Canada. Một em tốt nghiệp ngành kế toán, thợ tiện, y tá... 2 năm ở college vẫn có triển vọng việc làm hơn một em tốt nghiệp 4 năm môn chính trị; tâm lý; xã hội; giáo dục...

8. Nếu học college, hãy chọn các chương trình nào có kết nối với các đại học để sau khi tốt nghiệp, có cơ hội thì học tiếp thêm 2 năm nữa để lên đại học. Ví dụ, Seneca College ngành Nursing (y tá) có liên kết với York University để các em tốt nghiệp loại giỏi có thể học tiếp ở đây. Luôn luôn đi vào những con đường nào có những cánh cửa mở ra để mình tiến xa hơn nếu có cơ hội.

9. Khi chọn ngành học, hãy đọc tỉ mỉ Program description (mô tả chương trình) và Course descriptions (mô tả các môn học cụ thể). Tránh việc đọc qua loa tên một văn bằng rồi ghi tên theo học luôn. Điều đó sẽ gây nên hậu quả khôn lường. Ví dụ: Chương trình MBA của đại học Cape Breton (CBU) có nghĩa là bằng Master of Business Administration in Community Economic Development: Quản trị phát triển kinh tế cộng đồng, một lĩnh vực thường dính liền với các dự án chính phủ hay các công tác xã hội (Social Work). Bằng cấp này rất ít tiềm năng việc làm ngay cả với dân Canada. 

10. Hãy học hành vì kiến thức chuyên môn, không phải vì bằng cấp. Khi ra xin việc không ai cho công việc vì tấm bằng mà người ta hỏi kinh nghiệm và khả năng chuyên môn. Mỗi công việc ra đều có hàng trăm lá đơn xin việc, và người ta phải phỏng vấn để xét năng lực và kiến thức để chọn người thích hợp.

Học cần đi đôi với hành. Nếu ai học xây dựng thì hè xin đi sửa nhà; học nấu ăn đi làm nhà hàng; học Kế toán ráng vào ngân hàng, cơ sở kinh doanh làm part-time để kiếm kinh nghiệm công việc sau này. Học những môn xa vời thì sẽ khó lòng tìm việc. 

11. Các em đam mê khoa học kỹ thuật thì nên có tầm nhìn xa hơn 4 năm đại học. Khi tốt nghiệp điểm cao và có khả năng thì một tấm bằng ở một đại học Canada tốt sẽ giúp các em đi học tiếp ở Mỹ, Anh... thế giới. Hãy đeo đuổi graduate studies bậc tiến sĩ thì cánh cửa sẽ mở rộng cho tương lai sau này. Nếu các em học giỏi, nhiều trường sẽ nhận và cho học bổng đài thọ thời gian học hành ít nhất 4-5 năm.

12. Các em đã trưởng thành rồi mới đi Canada du học College thì cần tìm hiểu kỹ và có cái nhìn thiết thực về thực tế Canada. Học một ngành thì phải ra một cái nghề cụ thể như thợ điện, thợ mộc, đầu bếp... do trường Canada cấp bằng chứng nhận. Tránh những chương trình chỉ cấp 1 chứng chỉ chung chung, không phải nghề nghiệp cụ thể. 

13. Con đường học hành là phải do mình tự tìm hiểu và tự chọn lựa. Mọi chi tiết thông tin, thống kê về ngành học, việc làm Canada đều công khai, minh bạch. Các em cần có khả năng tự đọc hiểu và tự tìm kiếm trực tiếp bằng tiếng Anh. Hãy trang bị cho mình tính độc lập, tự chủ ngay khi còn ở Việt Nam. Vào học những ngành dễ ợt, yếu tiềm năng công việc thì sẽ phí tiền và không thể tìm việc làm.

Chuyên gia chia sẻ 15 điều quan trọng khi du học Canada giúp học sinh tránh đi sai đường - Ảnh 2.

Mỗi em du học college hay university đều phải thi đậu bằng IELTS. Đó là khả năng đọc viết tối thiểu. Nếu như các em thực sự đạt đủ điểm tức là phải có khả năng tự tìm kiếm, tự làm đơn từ, tự nộp đơn xin du học. Học kiến thức đàng hoàng trong trường Canada nó khó hơn điền đơn du học nhiều lần. Điều đơn giản mà không làm nổi thì mai mốt đây làm sao cạnh tranh với người dân bản xứ Canada để xin việc làm? Hãy can đảm và tự tin hơn.

14. Rồi các em sẽ thấy rằng IELTS là số 0. Dân Canada không biết nó là gì. Thi IELTS 7 điểm thì cũng thua một học sinh Canada 16 tuổi. Thi xong IELTS xong thì bỏ xuống và quên nó đi. Trước khi sang du học, hãy đọc sách chuyên ngành mình học. Chuẩn bị “cày” sách vở từ trước vì sang Canda không có thời gian cho chuyện này nữa.

15. Nếu các em bỏ tiền du học để về Việt Nam làm thì có thể học bất kỳ ngành gì các em thích và rất nên làm điều này. Còn nếu như muốn tìm được việc làm Canada thì cần học đúng ngành mà thị trường Canada cần. 

Thị trường lao động ở đây rất khắc nghiệt. Sẽ dễ tìm các việc tay chân như bồi bàn, rửa chén, dọn kho, phụ bếp... Còn những công việc văn phòng, lương cao thì phải cạnh tranh và giỏi hơn dân bản xứ. Chuyện thất nghiệp là lẽ đương nhiên sẽ xảy ra với hầu hết sinh viên mới ra trường. Cần phải bền chí kiên nhẫn làm những công việc trả tiền thấp, hóc búa, khó khăn trước đã rồi phấn đấu dần lên.